05/12/2017 11:09 GMT+7

Sửa luật thuế để thu ngàn tỉ từ Google, Facebook, Agoda?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Doanh thu khủng, nhưng các đại gia Google, Facebook hay Agoda, Traveloka, Booking lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác Việt Nam. Nghịch lý này do đâu?

Sửa luật thuế để thu ngàn tỉ từ Google, Facebook, Agoda? - Ảnh 1.

Khách du lịch nhận phòng tại một khách sạn ở quận 1, TP.HCM, đối tác của các trang mạng booking.com, agoda.com và traveloka.com - Ảnh: QUANG ĐỊNH

DN trong nước buộc phải hợp tác với các trang kinh doanh trực tuyến này và nếu thực hiện theo quy định của ngành thuế, DN nội bị “thuế chồng thuế” vì đã nộp thuế thu nhập DN rồi lại phải nộp thay khoản thuế nhà thầu

Ông Phạm Hà (tổng giám đốc Công ty Luxury Travel)

Nguyên nhân chính của tình trạng này là chính sách thuế nhiều kẽ hở, hướng dẫn chậm và không thống nhất...

Doanh nghiệp nội còng lưng gánh thuế

Theo nhiều công ty du lịch, các trang kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến như Agoda, Traveloka, Booking.com... có doanh thu rất khủng nhờ được ăn chia với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn mức khoảng 20%. 

Ngoài ra, các trang mạng này còn mua sỉ phòng của các khách sạn sau đó bán lại kiếm lời. Agoda và Booking.com là hai trong số những trang kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến lớn nhất tại VN với doanh số ước tính lên đến hàng trăm triệu USD/năm. 

Thế nhưng, cơ quan thuế gần như không thu được thuế từ các đơn vị này.

Ông Phạm Hà, tổng giám đốc Công ty Luxury Travel, cho biết Agoda và Booking.com... là hai trong những kênh phân phối chính trên mạng của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn vì các trang này kết nối giữa người tiêu dùng khắp nơi với các nhà cung cấp dịch vụ. 

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp hợp tác làm ăn với Booking.com đều cho biết đơn vị này không đồng ý khấu trừ thuế nhà thầu với lý do họ được miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Hà Lan và Việt Nam.

Nếu khấu trừ theo đúng quy định, các trang mạng này sẽ cắt luôn hợp đồng nên các doanh nghiệp trong nước đành ngậm ngùi bỏ tiền túi ra nộp thuế thay nếu không muốn bị ảnh hưởng đến doanh số. 

"Doanh nghiệp trong nước buộc phải hợp tác với các trang kinh doanh trực tuyến này và nếu thực hiện theo quy định của ngành thuế, doanh nghiệp nội bị "thuế chồng thuế" vì đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rồi lại phải nộp thay khoản thuế nhà thầu", ông Hà nói.

Ông Phạm Xuân Anh, chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cho biết khi cơ quan thuế quy định doanh nghiệp phải khấu trừ thuế nhà thầu trước khi chi trả cho đối tác, công ty đã trao đổi với các đối tác, trong đó có Booking.com nhưng phía trang mạng này không đồng ý và cho biết vẫn giữ đúng phần ăn chia của họ nên phía Việt Nam phải bỏ tiền ra nộp thuế thay. 

"Có doanh nghiệp Việt bị giảm lợi nhuận, nhưng không thể làm khác", ông Phạm Xuân Anh nói.

Sửa luật thuế để thu ngàn tỉ từ Google, Facebook, Agoda? - Ảnh 3.

Hai bạn trẻ ở TP.HCM chuẩn bị đi du lịch Đà Nẵng, tìm đặt phòng khách sạn trên các trang booking.com, agoda.com, traveloka.com - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều khách sạn tận dụng tỉ lệ phòng trống để bán cho các trang mạng này với giá rẻ hơn so với giá bán trực tiếp cho khách.

Hơn nữa, do không phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, nên các trang mạng này cũng tiết kiệm được chi phí đáng kể. Nhờ nguồn phòng giá rẻ này, các trang mạng đặt phòng trực tuyến thu hút rất nhiều khách đặt mua, với doanh thu rất lớn.

Sửa luật thuế để thu ngàn tỉ từ Google, Facebook, Agoda? - Ảnh 4.

Nguồn: Công ty marketing ANTS; gotadi.com - Đồ họa: V.CƯỜNG

Sửa chính sách để tạo công bằng

Nhiều khách sạn cho biết không thể xuất hóa đơn cho khách đặt phòng với những trường hợp khách sạn đã bán sỉ phòng cho các nhà thầu nước ngoài, bởi khách chỉ là người đến ở chứ không phải trả tiền. 

"Ngành thuế quy định khách sạn phải xuất hóa đơn cho người đến ở với những trường hợp khách thuê đã trả tiền một lần cho các trang mạng trực tiếp là không hợp lý, chưa sát thực tế. Nếu có xuất hóa đơn sẽ phải xuất cho nhà thầu nước ngoài" - giám đốc một khách sạn tại quận 1 khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết các đơn vị hoạt động thương mại xuyên biên giới đang áp đặt luật chơi lên chính doanh nghiệp Việt. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại buổi đối thoại về thuế mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết đã giao Vụ hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuế) rà soát và trao đổi thông tin với cơ quan thuế Hà Lan để làm rõ câu chuyện "thuế chồng thuế" mà một số doanh nghiệp lữ hành phản ảnh.

Điển hình như Uber dù luôn lý luận chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm nhưng quy định tỉ lệ ăn chia, giá, điều hành chương trình khuyến mãi. Nếu đối tác không đồng ý sẽ bị cắt hợp đồng. 

Trong khi đó, việc ký hợp đồng với các lái xe trong một thời hạn trên 6 tháng, các lái xe được xem như các cơ sở thường trú của Uber B.V.

Do đó, cơ quan thuế không đồng ý cho doanh nghiệp này được miễn thuế theo hiệp định chống đánh thuế hai lần và xử lý truy thu 66,68 tỉ đồng thuế vừa qua. 

Tương tự, với trường hợp của các trang mạng kinh doanh dịch vụ đặt phòng, các khách sạn mà các nhà thầu nước ngoài đã ký hợp đồng được xem như các cơ sở thường trú của các đơn vị này tại Việt Nam.

Điều này cũng đồng nghĩa các nhà thầu này không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo hiệp định chống đánh thuế hai lần.

Cũng theo vị này, không chỉ các cá nhân mà nhiều doanh nghiệp khi đặt quảng cáo trên Google, Facebook cũng trốn thuế nhà thầu bằng cách sử dụng tài khoản cá nhân và trả bằng thẻ tín dụng rồi hợp thức hóa khoản chi phí này bằng hóa đơn ăn uống, tiếp khách. 

Số tiền mà các doanh nghiệp và cá nhân trả cho Google, Facebook hằng năm rất lớn, vì thế Bộ Tài chính vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu để yêu cầu các dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Google... thanh toán qua cổng nội địa Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) nhằm kiểm soát doanh thu và thu thuế. 

"Phải sửa chính sách bởi hiện nay thất thoát thuế rất lớn. Nếu phát hiện sự việc và xử lý truy thu rất khó vì các đơn vị này không có tài sản gì tại Viê, tài khoản ngân hàng cũng mở tại nước ngoài" - một đại diện Bộ Tài chính nói.

Chuyên gia NGÔ TRÍ LONG: Bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước

Việc các ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến như Booking.com, Agoda, thậm chí cả Google và Facebook, đang có doanh thu khủng nhưng lại đẩy nghĩa vụ thuế sang các đối tác trong nước có nguyên nhân từ việc chính sách thuế của chúng ta có nhiều điểm hở, được các đơn vị nước ngoài tận dụng để "lách".

Thời gian qua, khoản thuế nhà thầu mà cơ quan thuế thu được không phải do các "ông lớn" nước ngoài nộp mà chính doanh nghiệp Việt Nam đóng. Đây là điều rất bất hợp lý. Hàng ngàn tỉ đồng đã chảy ra nước ngoài. Không còn cách nào khác, chúng ta phải nhanh chóng sửa chính sách để lấp ngay kẽ hở này.

Không thể để các DN nước ngoài kinh doanh, hưởng lợi trên đất nước Việt Nam nhưng lại không nộp thuế, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và gây bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Google, Facebook đẩy trách nhiệm thuế cho người mua dịch vụ

Chủ một doanh nghiệp làm đại lý quảng cáo cho Google và Facebook có trụ sở tại quận 3, (TP.HCM) cũng thừa nhận chính doanh nghiệp này đang phải nộp khoản thuế nhà thầu cho các "ông lớn" này.

Chẳng hạn, khi ký hợp đồng quảng cáo với Google, Facebook trị giá 100 USD, công ty phải thu thêm 10%, tổng cộng là 110 USD để nộp thuế nhà thầu theo quy định. Tình trạng này đã diễn ra suốt thời gian qua.

"Cơ quan thuế thu được thuế nhà thầu nhưng là do doanh nghiệp Việt Nam nộp chứ không phải thuế từ các "ông lớn". Như vậy là không đúng về bản chất vì lẽ ra phải do các nhà thầu nộp", vị chủ doanh nghiệp này nói.

Với các cá nhân, hiện nay cơ quan thuế gần như không thu được thuế nhà thầu do việc thanh toán được thực hiện thông qua thẻ tín dụng.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp