28/09/2022 16:25 GMT+7

Sửa Luật nhà ở: Phải cấm kinh doanh quán bar, karaoke trong chung cư

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Ở chung cư chỉ nên cho kinh doanh quán ăn, cà phê, và cần quy định luôn vào luật việc cấm kinh doanh quán bar, karaoke trong nhà chung cư vì loại hình này gây tiếng ồn, mất an ninh trật tự và tiềm ẩn rủi ro cháy nổ rất lớn.

Sửa Luật nhà ở: Phải cấm kinh doanh quán bar, karaoke trong chung cư - Ảnh 1.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản - Ảnh: T.L.

Kiến nghị được TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - đưa ra tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng phối hợp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 28-9, tại Hà Nội.

Theo ông Lực, kinh doanh quán bar, karaoke rất mất an toàn và ảnh hưởng đến không gian sống chung của cư dân nên nhiều nước đã cấm tiệt việc kinh doanh loại hình này tại chung cư.

Bên cạnh đó ông Lực cũng khuyến nghị với loại hình chung cư mini đang phát triển nhiều ở đô thị hiện nay cũng cần được quản lý chặt như nhà chung cư bình thường để tránh rủi ro.

Cũng tại hội nghị góp ý lần này, vấn đề "nóng" về thời hạn sử dụng nhà chung cư tiếp tục được các chuyên gia mổ xẻ để tìm giải pháp.

Bảo đảm quyền tài sản, tự do giao dịch

TS Phạm Duy Nghĩa - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng quá trình sửa luật cần thống nhất, tránh luật này chéo luật kia, sửa luật nhưng không mâu thuẫn lẫn nhau, vẫn thống nhất, ổn định.

Theo ông Nghĩa, miếng đất, căn hộ là tài sản, việc sửa Luật nhà ở liên quan tới 2 vấn đề là quyền sở hữu tài sản, quyền tự do thương thảo của người dân, doanh nghiệp. 

Thông thường các nhà nước can thiệp hành chính vào quyền tài sản là để bảo đảm an toàn tài sản, chẳng hạn xe ô tô có quy định về đăng kiểm. Vì thế, sửa Luật nhà ở phải đặt vấn đề làm sao để quyền tài sản, quyền tự do giao dịch của người dân được bảo đảm.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật - cũng cho rằng cần quy định rõ vào Luật nhà ở về thời hạn sử dụng nhà chung cư, không quy định thời hạn sở hữu. 

Người dân bỏ cả chục tỉ đồng để mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu vĩnh viễn. Hết hạn sử dụng nhà chung cư phải thẩm định chất lượng nhà ở, nếu còn an toàn thì cho ở tiếp, không an toàn phải đập bỏ để xây mới lại.

Ông Lực cũng cho rằng nên quy định niên hạn sử dụng nhà chung cư. Quyền sở hữu chung cư thì luật không cần đụng đến, nhưng nên làm rõ căn cứ để xác định chung cư có thời hạn sử dụng 50 năm, 70 năm hay 100 năm. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó gắn trực tiếp với giá bán nhà.

Sửa Luật nhà ở: Phải cấm kinh doanh quán bar, karaoke trong chung cư - Ảnh 2.

Nhiều diễn giả cho rằng cần nới quy định sở hữu nhà ở với người nước ngoài - Ảnh: T.L.

Kiến nghị nới quy định bán nhà cho người nước ngoài

Góp ý tại hội thảo góp ý dự thảo Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, ông Trương Anh Tuấn - chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân - đề xuất ngoài những vùng cần bảo đảm về an ninh quốc phòng cần nới tỉ lệ cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại một dự án từ 30% hiện nay lên 100% để thực hiện xuất khẩu bất động sản tại chỗ.

Ông Tuấn lập luận, một khu công nghiệp 1.000ha nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 50 năm, tại sao một tòa chung cư cũng có thời hạn sử dụng 50 - 70 năm lại phải giới hạn tỉ lệ diện tích nhà người nước ngoài được mua.

Về vấn đề này, ông Tuyến bày tỏ băn khoăn về việc Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam 50 năm, nhưng Luật đất đai chỉ cho tổ chức đầu tư nước ngoài được sở hữu đất, không cho cá nhân nước ngoài sở hữu đất.

Trong khi mọi căn nhà đều được xây dựng trên đất, không có chuyện họ mua, sở hữu nhà ở mà không có quyền sở hữu đất đai gắn với nhà.

Ủng hộ quan điểm cho rằng quy định sở hữu nhà ở với người nước ngoài cần mở hơn, nhưng ông Lực lưu ý cần có điều kiện cụ thể như với vùng nhạy cảm an ninh quốc phòng cho sở hữu ít, vùng không nhạy cảm cho sở hữu nhiều.

Ông Lực chia sẻ thêm thời gian qua có rất nhiều tổ chức tài chính nước ngoài muốn nhận thế chấp nhà ở tại Việt Nam nhưng quy định hiện hành không cho phép. 

Để thu hút thêm nguồn vốn ngoại vào thị trường bất động sản, ông đề xuất việc sửa Luật nhà ở lần này nên cho phép tổ chức tài chính nước ngoài được nhận thế chấp nhà của người Việt thông qua bên thứ 3 là tổ chức tín dụng trong nước. 

Như vậy, vẫn kiểm soát được bất động sản và huy động thêm được vốn từ bên ngoài.

Tranh luận gay gắt về thời hạn sử dụng chung cư Tranh luận gay gắt về thời hạn sử dụng chung cư

TTO - Ngày 23-9, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp