Phóng to |
Nhiều hộ dân sống ở xã Tiên Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng nằm trong diện có quyết định thu hồi đất đang thấp thỏm chờ đợi - Ảnh: Việt Dũng |
Đó là do đất không được tiếp tục quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và hộ gia đình, cá nhân không đủ tư cách chủ thể để sử dụng đất theo quy hoạch mới được duyệt. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và gây bất ổn về kinh tế - xã hội.
Từ sự kiện Tiên Lãng
Theo quy định của Luật đất đai 1993 và nghị định 64-CP, thời hạn giao đất đối với đất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm, đất trồng cây lâu năm là 50 năm tính từ ngày giao đất đối với trường hợp đất được giao sau ngày 15-10-1993, còn trường hợp đất được giao từ ngày 15-10-1993 trở về trước thì thời hạn giao được tính từ ngày 15-10-1993. Đến Luật đất đai 2003 (tức Luật đất đai hiện hành) quy định về thời hạn giao đất nói trên tiếp tục duy trì, cụ thể tại khoản 1 điều 67.
Ngoài ra, Luật đất đai năm 2003 cũng có quy định: khi hết thời hạn giao đất, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có đủ các điều kiện: (i) có nhu cầu tiếp tục sử dụng; (ii) chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và (iii) việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất mới đã được xét duyệt. Như vậy, trường hợp khi hết thời hạn giao đất mà việc sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất mới đã xét duyệt, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không có đền bù cho người sử dụng đất.
Một thực tế điển hình của việc thu hồi đất khi kết thúc thời hạn giao đất theo quy định nói trên chính là vụ việc UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cưỡng chế thu hồi đất đã gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Trong vụ việc này, tuy các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức tính đúng sai về cơ sở pháp lý của việc thu hồi đất, song vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất ổn có thể xảy ra nếu Nhà nước tiếp tục thực hiện chủ trương thu hồi đất nông nghiệp khi kết thúc thời hạn giao đất mà không đền bù thiệt hại về đất cho hộ gia đình, cá nhân như được quy định trong Luật đất đai.
Thu hồi đất không có đền bù
Xem xét thực tế quy hoạch sử dụng đất ở nước ta hiện nay, với tình trạng đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh và trên diện tích ngày càng lớn, dễ dàng nhận thấy sẽ có hàng loạt diện tích đất nông nghiệp thuộc trường hợp bị thu hồi do hết thời hạn giao đất, do không còn phù hợp quy hoạch sử dụng đất mới được duyệt.
Có thể lấy ví dụ như ở TP.HCM, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã và sẽ được quy hoạch vào các mục đích phát triển công nghiệp và đô thị như: đất xây dựng khu dân cư mới, sân bay, khu công nghiệp, làm đường giao thông, cây xanh, sân golf, các quy hoạch sử dụng đất vào mục đích công cộng khác... Nói chung là các quy hoạch mà nông dân là hộ gia đình, cá nhân không đủ tư cách chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật, cũng như khả năng thực tế sử dụng. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có các quy hoạch mới như thế này thì Nhà nước sẽ không cho phép gia hạn thời hạn sử dụng đất. Theo luật hiện hành, đất này phải bị thu hồi và không được đền bù thiệt hại về đất.
Như vậy từ ngày 15-10-2013 trở đi, sẽ có hàng loạt trường hợp đất nông nghiệp bị thu hồi và nông dân không được đền bù. Việc này xảy ra sẽ dẫn đến một bộ phận nông dân bị mất đất, không có việc làm, có thể lâm vào cảnh bần cùng, đồng thời dẫn đến lãng phí và thiệt hại về mặt kinh tế cho đất nước. Mặt khác, sẽ có một bộ phận không nhỏ người đang sử dụng đất được giao có thời hạn bán tống bán tháo đất đã được giao, kể cả bán bằng giấy tay, do tâm lý lo sợ khi hết hạn sử dụng Nhà nước sẽ không cho gia hạn, như các trường hợp mà báo chí đưa tin ở một số tỉnh phía Bắc trước đây.
Cần sửa Luật đất đai
Theo tôi, Quốc hội nên nhanh chóng tiến hành sửa Luật đất đai hiện hành theo hướng giao đất nông nghiệp lâu dài cho nông dân. Bởi nếu chỉ gia hạn thời gian giao đất cũng chỉ là một sự “né tránh” tạm thời, chỉ làm thời gian thu hồi đất đến chậm hơn chứ không mang lại lợi ích nào khác. Việc giao đất với thời hạn lâu dài sẽ giúp nông dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất cũng như tránh các hậu quả bất ổn về mặt kinh tế - xã hội như đã nêu trên.
Việc này cần thực hiện để văn bản sửa đổi Luật đất đai có hiệu lực trước ngày 15-10-2013, nhằm để chủ trương này được thực hiện một cách trọn vẹn, tránh việc các địa phương thu hồi đất trước khi chủ trương mới được ban hành, gây thiệt hại cho một bộ phận nông dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận