Một số điều quy định khác nhau, dễ làm tăng nguy cơ khiếu kiện
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) bày tỏ băn khoăn, hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%.
Vậy sau khi sửa luật lần này, ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào?
Ông cũng cho rằng một số điều tại dự luật đang có quy định khác nhau, thực thi sẽ khác nhau và dễ làm tăng nguy cơ khiếu kiện.
Cụ thể, theo ông Minh, tại điều 10 dự thảo luật quy định về phân loại đất, điều 117 về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 phân ra rất nhiều loại đất nhưng điều 117 chỉ có một số chuyển đổi mục đích sử dụng.
Một số đất phân ra nhưng không có mục tiêu quản lý, như đất trồng cây hằng năm và lâu năm, đây chỉ có mục đích thống kê cây trồng nông nghiệp, khi người dân trồng cả 2 loại cây thì lại vướng pháp luật.
Cạnh đó, điều cấm đất chưa đưa vào sử dụng, không đưa vào sử dụng cũng có thể làm tăng khiếu kiện.
Cùng với đó, theo ông Minh, chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch hàng chục triệu một m2. Phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản đang được hưởng.
"Nó cũng trả lời cho câu hỏi hầu hết các đại gia của ta đều kinh doanh bất động sản và nhà thầu. Sửa luật lần này có phân phối phần lợi tức đấy cho toàn dân theo Hiến pháp không?
Đất đai là sở hữu toàn dân thì có thu lại lợi tức này để phân phối cho toàn dân không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy trong luật", ông Minh nêu.
Nam đại biểu dẫn chứng theo thông tin ở Trung Quốc hiện đang có 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, kể cả các ngôi nhà được bán nhưng không có người ở.
Vậy với Việt Nam lần sửa luật này có giảm được đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?
Ông cũng đề nghị có đánh giá xem nước ta có bao nhiêu ngôi nhà chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh hệ quả tăng trưởng vào bất động sản.
Cùng với đó, ông đề nghị làm rõ việc sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai sản xuất nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm của đất nước về dân số vàng, địa điểm vàng, "thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ không?".
Hiện nay đất cho sản xuất kinh doanh vẫn quy định 1 quy trình như đất ở, bao gồm quy hoạch, chuyển đổi, giấy phép... mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp để có đất sản xuất.
"Để giảm khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đề nghị quy định một điều riêng về đất chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời đề nghị xem xét bỏ quy hoạch đất cấp huyện. Cần tập trung quản lý tốt đất lúa, đất rừng, hạ tầng lớn như cảng biến, sân bay, đường cao tốc..", ông Minh đề xuất.
Nhà nước không nên thu hồi đất để làm các dự án nhà ở thương mại
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Ông cho rằng đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới.
Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thỏa thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng.
Liên quan vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài có quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu quyền sử dụng đất ở Việt Nam, ông nói quy định như dự thảo còn chung chung, nên đề nghị ban soạn thảo tách bạch rõ ràng nội dung này, tránh lẫn lộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận