Loài gián Diplotera punctata đẻ con chứ không đẻ trứng và nuôi con bằng chất sữa giàu dinh dưỡng - Ảnh: INSIDE HOOK
Theo thông tin từ trang News.com.au của Úc ngày 28-5, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh học Tế bào gốc và Y học Tái sinh ở Ấn Độ đã phát hiện ra rằng "sữa" từ một loài gián đặc biệt gọi là gián Thái Bình Dương - được tìm thấy ở Úc - rất giàu năng lượng.
Gọi là "sữa gián" như một cách gây tò mò như thế, nhưng trên thực tế nó được tạo thành từ các tinh thể giàu chất dinh dưỡng mà các nhà khoa học chứng minh được là tạo ra năng lượng gấp 3 lần khối lượng tương đương sữa bò.
Loài gián "làm ra sữa" có tên gọi là Diplotera punctata, có mặt ở các đảo trên Thái Bình Dương và là loài gián duy nhất sinh con chứ không đẻ trứng.
"Sữa" của chúng để nuôi con là tinh thể chất đạm, chất béo và chất đường, quan trọng đối với sự phát triển của gián con.
Nhà nghiên cứu Sanchari Banerjee giải thích trên tờ Times of India: "Các tinh thể đó của gián giống như một thực phẩm hoàn chỉnh với protein, chất béo và đường. Thậm chí nhìn sâu vào chuỗi protein, còn thấy có tất cả các axit amin thiết yếu".
Tinh thể chất đạm, chất béo và chất đường của loài gián Diplotera punctata được ghi nhận rất giàu dinh dưỡng - Ảnh: INSIDE HOOK
Theo trang trang News.com.au, nghiên cứu trên được công bố từ năm 2016 nhưng trở nên thời sự trong thời gian gần đây do Công ty Gournet Grubb của Nam Phi đã tung ra thị trường loại sữa đặc biệt, có tên gọi là Entomilk, tạo ra từ côn trùng nuôi như một trong những phương thức phụ cho sữa bò.
Công ty Gournet Grubb đã đăng quảng bá sản phẩm trên website của công ty này với nội dung như sau: "Hãy xem Entomilk là lựa chọn thay thế cho sữa bò trong tương lai, thơm ngon, không đường, bổ dưỡng, thân thiện môi trường và bền vững".
Theo công ty này, một trong những lợi ích lớn nhất của Entomilk là loại sữa này có hàm lượng protein cao và giàu các khoảng chất như sắt, kẽm và canxi.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng sữa gián có thể sớm ra thị trường bán đại trà trong các siêu thị. Ngoài việc tên gọi không hấp dẫn, vẫn chưa rõ loại sữa này có an toàn cho người sử dụng.
Chưa kể việc ông Leonard Chavas - đồng tác giả của nghiên cứu, từng thừa nhận trên báo Inverse rằng gián không cho sữa số lượng lớn như bò, dê. Để có được 100 gram sữa thì phải "vắt" cả ngàn con gián.
Thử hỏi với công việc tỉ mỉ và khó khăn như thế thì thứ "sữa gián" giàu dinh dưỡng trên đáng giá cỡ nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận