Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS
Toàn bộ Nội các Nga gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev đồng loạt đệ đơn từ chức ngày 15-1, ngay sau khi ông Putin đề xuất các sửa đổi hiến pháp trong thông điệp liên bang, theo đó nhằm giảm bớt quyền lực và củng cố sức mạnh của Quốc hội.
Cụ thể, Quốc hội Nga sẽ có quyền được chọn thủ tướng và các vị trí then chốt khác trong chính quyền, thay cho việc tổng thống bổ nhiệm thủ tướng. Tổng thống không có quyền từ chối đề cử của Quốc hội vào các cương vị thủ tướng, phó thủ tướng và bộ trưởng.
Dù Tổng thống Putin không đưa ra giải thích nào cho những "thay đổi nền tảng" này, giới phân tích cho rằng đây là một bước chuẩn bị để ông Putin tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.
"Ông Putin đang thực hiện cơ chế nhằm hạn chế quyền lực của người kế nhiệm" - hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà tư vấn chính trị Tatiana Stanovaya nói.
Theo hiến pháp hiện tại, ông Putin sẽ không được phép tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2024. Năm 2008, ông từng "lách rào" khi lui về giữ cương vị thủ tướng trong bốn năm trong khi ông Medvedev nắm quyền tổng thống. Năm 2012, cả hai đổi ghế để ông Putin trở lại Điện Kremlin.
Theo nhà phân tích chiến lược Sergey Utkin, thuộc Viện Quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới Primakov tại Matxcơva, thay vì chọn cách đổi ghế lần nữa vào 2024, nhiều khả năng ông Putin sẽ trở thành lãnh đạo Hội đồng Nhà nước, cơ quan sẽ được trao thêm nhiều quyền lực quan trọng trong hiến pháp sửa đổi.
"Ông Putin sẽ sử dụng cơ quan này để kiểm soát tất cả các nhánh của chính phủ mà không phải giải quyết các vấn đề hằng ngày" - bà Stanovaya nhận định.
Cùng quan điểm, ông Utkin cho rằng ông Putin "đang tìm cách thiết lập một hệ thống ít tập trung quyền lực vào tổng thống, cho phép ông rời cương vị tổng thống nhưng vẫn kiểm soát trọn vẹn". "Những thay đổi này khá rủi ro, ngay cả đối với ông Putin, nhưng tôi nghĩ ông ấy cũng cho rằng ngồi mòn mỏi trong văn phòng tổng thống cũng không phải là cách hay" - ông Utkin nói với tờ The Global and Mail.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc để ông Medvedev từ chức là vì ông đã không vực dậy được kinh tế Nga trong 5 năm qua. "Ông Putin cần một chính phủ là động lực cho phát triển kinh tế và ông Medvedev không làm việc hiệu quả" - chuyên gia Sergei Markov nói với Bloomberg.
Thời gian qua, Tổng thống Putin cũng từng chỉ trích chính phủ chậm khởi động một chương trình chi tiêu hạ tầng quy mô lớn vào năm ngoái mà ông từng đặt làm trọng tâm cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2018. Việc trì trệ này bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến kinh tế Nga ì ạch trong năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận