Bức ảnh giành giải đặc biệt đã được thay đổi từ biển bán thịt chó thành biển bán thịt gà - Ảnh: BTC
Cuộc thi sáng tác ảnh nhanh Canon PhotoMarathon 2018 khu vực Hà Nội diễn ra hôm 27-10. Sau hơn 9 tiếng sáng tác đã có 10 tác phẩm ở ba chủ đề Tự hào Việt Nam, Đam mê và Vất vả ngược xuôi được ban giám khảo trao giải. Trong đó, tấm ảnh của tác giả Trần Hữu Long đã được trao giải đặc biệt.
Điều đáng chú ý, sau khi cuộc thi kết thúc, ngoài những bàn tán về chất lượng các tác phẩm đoạt giải thì cộng đồng nhiếp ảnh còn rộ lên những tranh luận về việc ban tổ chức đã chỉnh chi tiết thuộc về nội dung của bức ảnh.
Cụ thể, ở bức ảnh gốc được xướng lên trong lễ trao giải, hậu cảnh của bức ảnh là một biển hiệu thịt chó. Tuy nhiên, trong bức ảnh để truyền thông, hình ảnh này đã được thay bằng chữ thịt… gà.
Một số diễn đàn về nhiếp ảnh trên mạng đã chỉ trích hành động can thiệp này của ban tổ chức là không phù hợp, bởi đây là một cuộc thi sáng tác ảnh nhanh, chú trọng vào khoảnh khắc, bố cục hình ảnh, kỹ thuật chụp…
Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 28-10, đại diện truyền thông của Canon - ông Nguyễn Phương Bình - giải thích sau khi ban giám khảo đã lựa chọn được tác phẩm đoạt giải đặc biệt, 1 trong 3 giám khảo lo ngại rằng trong bối cảnh xã hội đang tranh luận gay gắt việc ăn thịt chó hay không mà ban tổ chức chọn bức ảnh có hậu cảnh là biển hiệu bán thịt chó lên truyền thông thì sẽ dấy lên làn sóng dư luận cho rằng ban tổ chức "cổ xúy cho việc ăn thịt chó".
Bởi vậy, sau một hồi cân nhắc, ban tổ chức đã liên lạc với tác giả bức ảnh và được tác giả cho phép thay đổi biển bán thịt chó thành thịt gà.
Ban tổ chức cho rằng việc thay đổi này không ảnh hưởng giá trị và tinh thần chính của bức ảnh nên đã cân nhắc chỉnh sửa với mục đích làm nhẹ bớt vấn đề của xã hội.
Tác giả Trần Hữu Long nhận giải đặc biệt của cuộc thi Canon PhotoMarathon 2018 - Ảnh: Ban tổ chức
Thông cảm với lý do của ban tổ chức đưa ra, nhưng nhiều nhiếp ảnh gia cũng như đại diện Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm, việc ban tổ chức can thiệp vào bức ảnh như vậy là sai.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh (Hà Nội) nói một cuộc thi ảnh nhanh như Canon PhotoMarathon 2018 chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, không cho phép thí sinh được chỉnh sửa, ghép ảnh, vậy mà chính ban tổ chức lấy lý do văn hóa để can thiệp vào chi tiết có tính nội dung của tác phẩm là một việc rất thô bạo.
"Ban giám khảo đã lựa chọn được tác phẩm họ cho rằng xứng đáng đoạt giải nhưng lại không đủ can đảm bảo vệ lựa chọn của mình, can thiệp thô bạo vào bức ảnh, thì đó là việc làm rất thiếu văn hóa", nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Thanh nói.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh nói ông chưa xem bức ảnh nên không muốn bình luận cụ thể về trường hợp này.
Tuy nhiên, ông Khánh nói, về nguyên tắc, cuộc thi Canon PhotoMarathon là cuộc thi ảnh nhanh, thí sinh đưa luôn file ảnh gốc cho ban tổ chức, thậm chí cũng không qua máy tính. Vì vậy ban tổ chức không nên can thiệp vào nội dung bức ảnh vì bất cứ lý do gì.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dzũng Art (Nguyễn Quốc Dũng) dù thừa nhận những đóng góp quý báu của cuộc thi này khi tạo ra một sân chơi hấp dẫn cho các bạn trẻ mê nhiếp ảnh những năm qua nhưng ông cũng khẳng định, về nguyên tắc, hễ "động vào ảnh là vứt".
"Bức ảnh đang đẹp mà vướng lỗi vớ vẩn. Lý do mà ban tổ chức đưa ra cũng thật buồn cười", nghệ sĩ Dzũng Art thẳng thắn nói.
Ông cho rằng việc lo ngại dư luận đánh giá cổ xúy ăn thịt chó của ban tổ chức cuộc thi dẫn đến quyết định "động" vào bức tranh cho thấy ban tổ chức cuộc thi đã rất "non tay".
Tuy thế, nghệ sĩ Dzũng Art cũng cho rằng đây cũng chỉ là sự cố nhỏ của một cuộc thi mang nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, nên ông đánh giá việc cư dân mạng "bới lên chửi lăng nhăng" cũng là việc không đáng.
Ông hi vọng ban tổ chức Canon PhotoMarathon sẽ nhìn vào "lỗi vớ vẩn" này của mình mà rút ra kinh nghiệm để tránh sai sót cho những lần tổ chức sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận