Sắc lệnh trừng phạt, được Tổng thống Vladimir Putin ký tối 28-11, có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, các lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga sẽ áp dụng trên một số mặt hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Putin đã yêu cầu chính phủ lên danh sách các hàng hóa, công ty và công việc bị trừng phạt. Theo Hãng tin Interfax, danh sách các mặt hàng bị cấm nhập khẩu dự kiến được công bố vào đầu tuần này.
“Quan hệ Thổ - Nga, vốn có bề dày và tầm quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế, sẽ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này |
Ibrahim Kalin (người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) |
Trừng phạt kinh tế
Theo sắc lệnh, các công ty, công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoạt động kinh tế tại Nga.
Các công ty Nga sẽ bị cấm tuyển dụng công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm sau, cùng thời điểm với việc chấm dứt chế độ miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các công ty du lịch Nga sẽ không còn được đưa du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ và các chuyến bay thuê giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cấm.
Sắc lệnh đồng thời chỉ thị chính phủ siết chặt kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát cảng và đảm bảo an toàn giao thông cảng biển ở lưu vực biển Azov và biển Đen.
Trước đó, Nga cũng cho biết sẽ dừng hai dự án lớn là đường ống dẫn khí đốt Turkstream và nhà máy năng lượng hạt nhân hợp tác với Ankara.
“Đây là những tình huống chưa từng có. Thách thức mà Nga đối mặt là chưa từng thấy. Vì vậy phản ứng của chúng tôi trước mối đe dọa này là đương nhiên” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của ông Putin.
Có khoảng 90.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Nga, trong khi hơn 3 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái. Matxcơva cũng là đối tác kinh doanh lớn thứ hai của Ankara.
Thông báo của Điện Kremlin khẳng định “các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của Nga, bảo vệ công dân Nga khỏi các hoạt động phi pháp và tội ác cùng với việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chủ tịch Ủy ban An ninh và chống tham nhũng thuộc Duma quốc gia Nga Irina Yarovaya khẳng định các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ là để chặn nguồn tài chính của hoạt động khủng bố.
“Tổng thống Putin đưa ra những biện pháp trên nhằm bảo vệ Nga khỏi chính sách “đâm sau lưng”. Điều này là rất quan trọng vì chúng ta đang quyết tâm chống khủng bố. Nga sẽ đánh giá và phản ứng kịp thời trước các mối đe dọa tới từ một đất nước đã trở thành môi trường thuận lợi cho khủng bố và đưa việc hỗ trợ khủng bố lên thành chính sách nhà nước” - bà Yarovaya giải thích.
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay kiên quyết không xin lỗi về vụ đụng độ nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua giữa một thành viên NATO và Nga mà Matxcơva gọi là hành động khiêu khích có chủ đích.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Ankara cho rằng việc trừng phạt chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng và tổn hại đến quan hệ hai nước. Phản ứng việc trừng phạt của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua ra cảnh báo công dân không du lịch đến Nga nếu thấy không cần thiết.
EU lúng túng với Ankara
Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga khiến các nước châu Âu khó xử tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề khủng hoảng di cư diễn ra ngày 29-11 ở Brussels.
Tại hội nghị, EU dự kiến đề nghị hỗ trợ tài chính 3 tỉ euro trong hai năm và nhượng bộ chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc Ankara siết chặt kiểm soát biên giới và nhận lại nhiều hơn nữa những người di cư trái phép vào châu Âu.
“Thổ Nhĩ Kỳ muốn 3 tỉ euro mỗi năm để đầu tư vào trường học, nhà ở. Chúng tôi sẽ thống nhất ở khoảng giữa” - Thủ tướng Áo Werner Faymann trả lời tờ Kurier.
Việc giúp đỡ của EU sẽ là cơ hội tốt giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới việc gia nhập khối này trong tương lai. Một quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thông qua hội nghị này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn “khởi động lại mối quan hệ với EU”.
Hiện một số quốc gia thành viên EU vẫn chưa muốn kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này do vấn đề liên quan đến đảo Síp và những nhạy cảm với quốc gia có hơn 95% dân số theo đạo Hồi này.
Nhưng các biện pháp của châu Âu đã thực thi trong vài tháng qua không thể ngăn nổi dòng người nhập cư đổ vào khối và gây áp lực lên các chính phủ trong khối. Vì vậy EU muốn cậy nhờ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, hội nghị trở nên phức tạp với vụ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. EU đang rất cần sự hợp tác của Nga trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria - nguồn gốc cuộc khủng hoảng nhập cư.
Trước thềm hội nghị, các quan chức ngoại giao đã thống nhất về một thỏa thuận chung để ký kết ngày 29-11 (giờ địa phương) nhưng các thỏa thuận khác vẫn chưa rõ.
Điều khiến các quan chức lo lắng là việc Tổng thống Erdogan không dự hội nghị, mà để Thủ tướng Ahmet Davutoglu đến đàm phán. “Thổ Nhĩ Kỳ luôn đàm phán đến giây cuối cùng. Lần này cũng như vậy” - AFP dẫn lời một quan chức cấp cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận