26/06/2012 09:45 GMT+7

Sự tò mò sẽ dẫn chúng ta đi đâu?

KHỔNG LOAN thực hiện
KHỔNG LOAN thực hiện

TT - Nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Ireland Oscar Wilde (1854-1900) từng nói: “Công chúng có trí tò mò vô độ, đòi biết về tất cả mọi thứ, nhưng lại không có khả năng biết cái gì đáng để họ phải biết”.

Tuổi Trẻ kết lại loạt bài về báo lá cải bằng cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ Nguyễn Đức An, một nhà báo ở TP.HCM, hiện là giảng viên cao cấp ngành báo chí tại ĐH Bournemouth (Anh) - một trong những lò đào tạo truyền thông quy mô lớn nhất châu Âu hiện nay.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

ojKLQVz0.jpgPhóng to
Người Anh biểu tình phản đối ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và tờ lá cải News of The World - Ảnh: AFP

Ở VN, biểu hiện rõ nhất hiện nay chính là sự tràn ngập trên các tờ báo mạng các tin bài “tình, tiền, tội”, “cướp, giết, hiếp”, chuyện lộ hàng, rồi chân dài này, đại gia kia... Ngay những tờ báo mạng một thời đàng hoàng bây giờ cũng “nửa nạc, nửa mỡ” vì áp lực cạnh tranh giành độc giả và quảng cáo. Và nó đã bắt đầu lan tràn ra thế giới báo in. Nói theo nhà báo Nguyễn Vạn Phú ở tờ TBKTSG, đó là một cuộc đua xuống đáy. Còn thờ ơ, buông lỏng quản lý như hiện nay ngày nào thì tình hình càng thêm hỗn loạn ngày đó.

* Phải chăng sự ra đời và phát triển của báo lá cải là minh chứng cho sự tự do thông tin ở một quốc gia khi mà thông tin trở thành hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội?

- Có và không. Tôi nói có vì tôi chắc rằng báo lá cải sẽ không bao giờ có đất tồn tại trong một xã hội mà mọi luồng thông tin đều bị kiểm soát chặt chẽ. Nó sẽ không thể sinh sôi nếu không có sự thông thoáng và cởi mở trong tư duy quản lý báo chí mà cuộc cải cách kinh tế - chính trị vài chục năm qua đem lại. Bản thân việc “thị trường hóa” báo chí ở ta là một chỉ dấu cho sự thông thoáng đó.

Nhưng tôi cũng nói không vì khi báo chí trở thành thị trường, nó kèm theo những cạm bẫy đáng sợ. Khi thông tin trở thành hàng hóa và cạnh tranh diễn ra, nó có thể đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh chóng. Nhưng phục vụ thị trường khác với phục vụ công chúng. Nó có thể dẫn đến sự “đầu độc” công chúng.

* Nhiều học giả cho rằng thị trường là bộ lọc tốt nhất cho mọi sản phẩm vì nó chi phối bởi lợi nhuận. Nếu chiếu theo đó, chẳng phải báo lá cải - để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là thu lợi nhuận - càng phải thu hút độc giả bằng những sản phẩm có giá trị?

- Đó là một nghịch lý trong ngành truyền thông. Trên thị trường, mục tiêu tối hậu là thu hút lượng độc/khán/thính giả lớn nhất bằng bất cứ thứ tin tức nào mà những khách hàng đó muốn. Còn phục vụ công chúng là nói đến cung cấp những tin tức mà họ cần, để họ không chỉ ra những quyết định đúng đắn cho cuộc sống riêng mà còn hiểu biết thời cuộc, có thể vui hay buồn, hào hứng hoặc suy tư về những gì đang diễn ra trên đất nước, cộng đồng mình sống và làm việc. Trách nhiệm chính của báo chí là tạo ra một thực thể công dân như thế.

Cái oái oăm là những tin tức nghiêm túc mà một công dân cần biết lại thường “cứng” và “khó nhai”, đòi hỏi một bề dày giáo dục và năng lực tư duy mà không phải ai cũng có. Trong khi đó, loại tin tức “mềm”, có tính giải trí, tầm phào hay những chuyện đánh vào ngóc ngách sự tò mò - kể cả những sự tò mò bệnh hoạn - lại là những thứ người ta “muốn” nhất.

Chỉ cần nhìn vào báo chí Anh, quê hương báo lá cải, là thấy ngay. Các tờ “đại lá cải” như Daily Mail, Sun (hay tờ News of The World trước khi bị đóng cửa vì vụ nghe lén điện thoại), đều bán ra vài triệu bản mỗi ngày. Trong khi đó, tờ nhật báo nghiêm túc có lượng phát hành lớn nhất hiện nay Daily Telegraph cũng chỉ đạt chưa tới 600.000 bản/ngày.

LGfGZkHl.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Đức An
* Ngay cả ở những nơi báo chí phát triển đậm “trách nhiệm xã hội” như Bắc Âu vẫn tồn tại báo lá cải. Sự cấm đoán là không thể. Các nhà hoạch định chính sách và tổ chức báo chí sẽ có vai trò ra sao trong việc hình thành một nền báo chí đa dạng, mang tính cạnh tranh nhưng cũng “phân thứ hạng rõ ràng”?

- Báo lá cải trong quá khứ cũng như hiện tại, nếu không sa vào cạm bẫy giật gân cũng mang những giá trị riêng chứ không phải hoàn toàn xấu xa. Kỹ thuật khai thác chi tiết và viết tin bài ở một số báo lá cải chẳng hạn có rất nhiều điều đáng học. Về mặt tâm lý, sự tò mò vẫn là một phần tích cực trong đời sống con người, hay những “ngồi lê đôi mách” từ báo lá cải có những tác dụng nối kết xã hội quan trọng. Ai trong chúng ta có thể nói mình tránh tuyệt đối những nội dung lá cải?

Cái tôi muốn nói là phải kiểm soát để nó đừng quá hỗn loạn, quá bệnh hoạn, vượt quá luân thường như ở một vài tờ báo hiện nay. Quản lý để báo chí không sa vào lá cải hóa đến mức quên đi trách nhiệm xã hội chính của mình là tạo ra một thực thể công dân tích cực trong mọi vấn đề chung. Ở ta, quản lý lâu nay chừng như chỉ chú trọng khía cạnh tư tưởng, chính trị và xem nhẹ những vấn đề này.

Quản lý thế nào là một vấn đề có lẽ vượt khuôn khổ cuộc trò chuyện này. Nhưng mọi khung quản lý đều phải dựa trên cả hai yếu tố có tính bổ sung cho nhau: luật pháp và đạo đức. Một hành lang pháp lý rõ ràng sẽ có tác dụng răn đe báo chí cũng như xác định được những điểm dừng cần thiết. Nhưng quan trọng không kém là một nền tảng đạo lý nghề nghiệp vững chãi và ăn sâu vào từng nhà báo, từng tòa soạn để họ hành nghề trên hết với lương tâm và trách nhiệm xã hội. Tôi không nói ở ta thiếu vắng nền tảng này, nhưng hiện nay hình như còn mơ hồ lắm.

* Thực tế là báo lá cải đang phát triển mạnh, như Daily Mail là website có lượng bạn đọc lớn số một thế giới và vừa mở thêm mấy văn phòng ở Mỹ. Báo lá cải sống khỏe, trong khi các tờ báo tử tế lại đang vật lộn để giữ mạng sống cho mình. Anh dự báo thế nào về hướng phát triển sắp tới của báo lá cải và nỗ lực đưa độc giả trở thành “công dân có thông tin đúng, đủ, chính xác” của báo tử tế?

- Lá cải hóa hiện nay là một xu hướng toàn cầu, lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác như một con virút khó kiểm soát. Internet đang khiến báo chí khắp nơi càng dễ dàng “bắt chước” nhau và một trong những cái họ bắt chước nhanh nhất là làm báo lá cải. Tôi nghĩ đây là một trong những lý do vì sao trào lưu lá cải gần đây ở ta bắt đầu từ các báo mạng. Đây là một vấn đề đau đầu ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.

Nhưng tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào tương lai báo chí nghiêm túc, vì ba lý do. Thứ nhất, nếu mọi thứ đều lá cải hóa thì báo chí chỉ còn đơn thuần là một ngành công nghiệp giải trí. Và làm báo để cho người ta giải trí thì chắc gì cạnh tranh nổi với điện ảnh, âm nhạc, trò chơi...? Thứ hai, ở đâu và bất cứ thời nào cũng sẽ có một thực thể công chúng chờ đợi, quan tâm và muốn được biết, mong muốn góp tiếng nói của mình vào những vấn đề chính sự. Đó gần như là một bản năng đối với nhiều người. Họ là một bộ phận công chúng quan trọng cho mọi quốc gia và đủ lớn để nuôi sống báo nghiêm túc.

Thứ ba, như đã nói, nhân loại vẫn còn nhiều công cụ đạo đức và pháp luật để kìm cương sự lây lan hay phát triển thái quá của báo lá cải. Chẳng hạn, nếu thị trường không nuôi dưỡng nổi những tờ báo nghiêm túc thì chắc chắn người ta sẽ tìm ra những mô hình hỗ trợ khác để các báo nghiêm túc tồn tại và phát triển.

_______________________

Đón đọc số báo tới:

Hiến tạng và những người chờ... sống

Câu chuyện về những người hồi sinh sau khi được ghép tạng của những người chết não. Và hàng ngàn người khác đang chờ được sống, bởi con số người hiến tạng vẫn quá ít...

KHỔNG LOAN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp