Học sinh Trường tiểu học An Hội, quận Gò Vấp (TP.HCM) hát quốc ca trong lễ chào cờ ngày khai giảng 5-9 - Ảnh: HỮU KHOA |
Đã có sự đồng cảm của nhiều bạn đọc về bài viết “Xúc cảm thần thánh” của tác giả Vũ Minh Khương ở góc cạnh chúng ta cũng cầu mong có được sự thông tuệ cho giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay.
Tôi có sự đồng cảm với bài viết của tác giả Vũ Minh Khương ở đoạn: “Cũng như Singapore, chúng ta mong có sự thông tuệ để biết quý những gì chúng ta đang có và hiểu được phải làm gì để đi đến phồn vinh. Đồng thời, chúng ta cũng cần có sự thông tuệ để hiểu được cái gì chúng ta đang có đang là gánh nặng kéo lại sự phát triển của đất nước”.
Gần cả trăm năm trước, tư tưởng này đã được Phan Châu Trinh, một chí sĩ yêu nước nổi tiếng, khái quát với ba trụ cột: “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”. Chỉ có sự thông tuệ mới khai mở tiềm lực vĩ đại của dân tộc, cũng chỉ có sự thông tuệ mới bật lên thành “xúc cảm thần thánh” để dân tộc ta vươn lên.
Nhìn sang các quốc gia khác ở xung quanh, sự phát triển thần kỳ của họ bắt nguồn từ nguồn tài nguyên vô tận, đó là trí tuệ con người. Không mấy quốc gia giàu có bền vững nhờ vào đào tài nguyên để bán. Xét đến cùng, tất cả bắt đầu từ con người và sẽ trở về với con người và do chính con người quyết định.
Thông tuệ để biết quý những gì chúng ta đang có, kể cả những thành công và những thất bại. Không có sự thông tuệ chúng ta làm sao hiểu rằng để đất nước có ngày hôm nay, bao lớp cha anh đi trước đã đánh đổi bằng núi xương, sông máu. Hiểu như vậy, mỗi người chúng ta sẽ luôn biết trân trọng những giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay.
Thông tuệ để chúng ta biết phải làm gì nếu muốn đất nước đi tới phồn vinh. Thông tuệ sẽ phá tan màn u minh để mỗi công dân có trách nhiệm sẽ luôn đau đáu với vận mệnh đất nước và số phận của dân tộc mình, cũng như truyền cảm hứng ấy cho những người khác để tất cả cùng đau đáu với vận mệnh của đất nước và số phận của dân tộc mình.
Hiểu như vậy để biết việc nước không thể chỉ là sự phó thác, cũng không thể trông cậy bên ngoài mà là trách nhiệm của mỗi người dân và mỗi cá nhân sẽ nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc giám sát các cơ quan công quyền, các cán bộ trong hệ thống của Nhà nước nếu họ đang tiêu pha phung phí những đồng tiền mà chúng ta đóng thuế.
Hiểu như vậy để mỗi người sẽ vui mừng khi những điều tốt trong xã hội nảy nở, sinh sôi; để bầu máu nóng sôi lên sùng sục trước những kẻ sâu dân mọt nước đang gặm nhấm và tàn phá đất nước này.
Thông tuệ sẽ làm trái tim mỗi chúng ta rỉ máu trước nỗi đau của dân tộc mình, của đồng bào mình; để chúng ta biết hổ thẹn thấy mình kém cỏi trước bạn bè bốn biển năm châu. Sự thông tuệ sẽ giúp mỗi cá nhân không tặc lưỡi ngậm miệng ăn tiền, không mũ ni che tai trước những khổ đau bất hạnh của đồng bào, đồng loại; để không thất nhơn, ác đức khi đầu độc chính đồng bào mình bằng những thực phẩm nhuốm đầy hóa chất độc hại.
Và, cao hơn hết thảy, nếu chúng ta cầu mong sự thông tuệ đến với mỗi người dân thì hãy cầu mong sự thông tuệ đến ngàn lần hơn với những người nắm giữ vận mệnh quốc gia. Chúng ta cầu mong sự thông tuệ sẽ giúp các nhà lãnh đạo luôn tỉnh táo và sáng suốt để biết và dẫn dắt con đường dân tộc sẽ đi phải là con đường của những giá trị phổ quát mà cả nhân loại đã và đang hướng tới.
Cầu mong sự thông tuệ, mỗi chúng ta lại nghe văng vẳng bên tai lời nói tha thiết của cụ Phan Châu Trinh thuở trước: “Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ”.
Phải làm cho sự thông tuệ lan tỏa Khi nói đến câu chuyện phát triển hiền tài, chúng ta thường quen giới hạn góc nhìn của mình ở lĩnh vực giáo dục - cả ở gia đình lẫn trong trường lớp. Điều này đúng nhưng chưa thức thời. Bởi việc phát triển con người mang quy mô rộng hơn rất nhiều và hoàn toàn có thể được khởi tạo, điều chỉnh ở nhiều giai đoạn trong cuộc sống. Tôi nói như vậy để hiểu rằng ngoài cấp độ nhà trường, gia đình hay lớn hơn là xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp sự thông tuệ của người Việt ngay trong chính môi trường làm việc hằng ngày. Suy cho cùng, môi trường làm việc là nơi mà họ có thể thực tế hóa tư duy, ý tưởng của mình thành sản phẩm. Dưới góc độ một người lao động, tôi tin bất cứ ai cũng mong muốn nơi làm việc tạo cho bản thân họ cơ hội để phát triển chuyên môn, cọ xát thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng lao động, chất lượng cuộc sống bằng những chính sách quản trị nhân sự thiết thực và hiệu quả. Mọi tổ chức thành công đều sở hữu những cá nhân xuất sắc. Suy rộng ra, đất nước Việt Nam hay TP.HCM nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng cũng như vậy. Không thể nói đơn giản: chỉ cần trả công cao là sẽ có những cống hiến vượt bậc, hết mình. Cũng không thể quá mơ mộng, cực đoan đến mức chỉ cần kêu gọi chung chung về lý tưởng hay một thứ “xúc cảm thần thánh” nào đó để biến giấc mơ, khát vọng thành hiện thực. Điều cụ thể, thiết thực có thể làm là xây dựng chính sách tạo điều kiện cho mỗi công dân được bung tỏa, được cống hiến, thấy được động lực, tiềm năng phát triển trong tương lai, hiểu được ý nghĩa, giá trị của việc mình đang làm, đang cống hiến thì sự phát triển của đất nước là nằm trong tầm tay. Quốc gia, từng địa phương, từng tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đều cần phải có chính sách nhân sự hài hòa giữa lợi ích chung và nhu cầu cuộc sống của từng cá nhân. Và chỉ khi “chuẩn lao động” được nâng cao lên, chắc chắn chúng ta sẽ sở hữu thêm người lao động giỏi. Với một quốc gia có dân số trẻ chiếm đến 60% như Việt Nam, nếu làm được điều đó nghĩa là chúng ta đang tạo ra tốc độ thông tuệ lan tỏa và hiệu quả. Nguyễn Hoàng Kim Khánh - (cựu thành viên tham gia Tàu thanh niên Đông Nam Á năm 2011, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận