22/04/2022 13:40 GMT+7

'Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ’ vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 9

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Những suy nghĩ của người trẻ hôm nay về "sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ" đã được đưa vào đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh THCS môn ngữ văn ở Quảng Nam, khiến cư dân mạng thích thú.

Mấy ngày nay trên mạng xã hội Facebook, nhiều người tỏ ra thú vị trước đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn ngữ văn lớp 9 ở tỉnh Quảng Nam. Đáng chú ý, câu 1 của đề thi có nội dung:

"a. Trong bộ phim 'Repply 1988', sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.

b. Trong bài viết "Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!", nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ: Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.

Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ".

Nhiều người cho rằng đề hay, rất thời sự, có chiều sâu, đặt ra một vấn đề trong xã hội hiện nay, để các em nói lên được suy nghĩ, trải lòng, bày tỏ sự biết ơn, thấu hiểu với các đấng sinh thành.

Ông Lê Văn Hiệp - chuyên viên phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam - cho biết ban ra đề muốn một đề văn gắn với thực tế đời sống.

Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái trong cuộc sống hiện đại đang đứng trước một thử thách rất lớn, do cuộc sống nhanh quá, bố mẹ và con cái bị kéo giãn khoảng cách ra.

Bên cạnh đó, nhiều em theo xu hướng chỉ biết đòi hỏi ba mẹ đủ thứ mà quên rằng ba mẹ vất vả mưu sinh lo cho mình.

Có tình trạng con cái dựa dẫm, không thấu hiểu nỗi khổ, sự lo toan của bố mẹ, thậm chí có tình trạng vô ơn, vô cảm. Qua đề thi muốn học sinh tự nhận thức lại, lan tỏa một thông điệp con cái hãy biết ơn, thấu hiểu bố mẹ.

Ban ra đề muốn gửi một thông điệp để học sinh có cơ hội, điều kiện trải lòng, trả lời câu hỏi đã thấu hiểu bố mẹ mình như thế nào, bày tỏ sự tri ân, biết ơn để rồi có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện như thế nào đó cho hợp với đạo đức, lối sống.

Em T., học sinh một trường THCS ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam, cho biết câu 1 của đề này khá gần gũi với cuộc sống hằng ngày, để cho học sinh được nói lên những suy nghĩ, trải lòng của mình đối với bố mẹ.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Ái - giáo viên môn văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ) - cho biết đề thi này hay, hay trong cách đặt vấn đề.

Đây là vấn đề khá thời sự, nhắc nhở một hiện tượng là tuổi trẻ bây giờ hay ỷ lại vào ba mẹ thành ra thụ động, niềm tin vào chỗ dựa gia đình là cần thiết, song cũng cần tự chủ cho mình và cảm thông, thấu hiểu cho ba mẹ nhiều hơn.

"Đề cũng đủ độ khó để phân hóa học sinh vì đề xuất suy nghĩ không theo lối mòn, có khả năng phát hiện tư duy độc lập của học sinh, cho thấy ban ra đề giàu kinh nghiệm và có sự sáng tạo" - thầy Ái nói.

‘Chiếc khẩu trang’ vào đề thi văn lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong ‘Chiếc khẩu trang’ vào đề thi văn lớp 10 Trường chuyên Lê Hồng Phong

TTO - ‘Trong hoạn nạn, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng văn hóa, thể hiện tình gia đình, tình đồng bào, tình nhân loại’ - đó là một đoạn trong đề kiểm tra cuối học kỳ 2 môn văn khối 10 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp