Cổng Trường mẫu giáo Tuổi Thơ - nơi xảy ra vụ Công an Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội “mời” làm việc khiến người dân tưởng nhầm là bắt cóc Ảnh: GIA MINH |
Khoảng 7g30 sáng 26-8, khi ông Lê Hồng Phong - một chủ nhà hàng tiệc cưới ở thị xã La Gi - đưa con gái 3 tuổi bằng xe hơi đến trường thì bị một nhóm người đi trên ôtô cúp đầu khống chế, ép cả hai cha con vào xe và chở vọt đi theo hướng về TP.HCM.
Người dân hô hoán và Công an Bình Thuận vào cuộc , công an các tỉnh trên đường cũng vào cuộc tiếp ứng.
Sự việc sau đó được xác định là một vụ việc Công an Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội “mời” đương sự về... làm việc do có những vấn đề liên quan đến pháp luật.
Tình huống khẩn cấp
Ngay khi nhận tin báo “bắt cóc”, Công an thị xã La Gi, Công an tỉnh Bình Thuận đã huy động lực lượng khẩn trương truy đuổi và chốt chặn tại quốc lộ 55 hướng từ La Gi đi Bà Rịa - Vũng Tàu và chặn ở quốc lộ 1 để giải cứu hai “nạn nhân”.
Cũng trong thời gian này, lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Công an tổ chức phối hợp lực lượng nhiều địa phương để chặn bắt và trực tiếp tổ chức các tổ công tác đón lõng tại các tuyến đường theo tính toán lộ trình di chuyển của “nhóm bắt cóc” sẽ về TP.HCM.
Tình huống cực kỳ căng thẳng. Các cơ quan liên quan huy động lực lượng triển khai rất nhiều biện pháp để “chặn bắt”, “giải cứu” và chỉ giảm căng thẳng vào cuối giờ trưa, khi những thông tin đầu tiên cho biết: đây là tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội “mời” ông Phong đi làm việc chứ không phải... bắt cóc.
Khoảng 13g ngày 26-8, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng đã đưa ông Phong cùng cháu nhỏ tới trụ sở Công an P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM để làm việc. Vào thời điểm này, cháu bé đang ngủ và sức khỏe ổn định.
Nguồn tin cho biết qua kiểm tra ban đầu xác định tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng đang được cử đi điều tra một đường dây làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.
Trong vụ này, ông Phong là đối tượng bị tình nghi là tòng phạm nên đã “mời” ông này “đi làm việc” chứ không phải bắt giữ, cũng chưa có lệnh bắt người.
Công an “mời”, không phải bắt
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 26-8, một lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng xác nhận đơn vị này có cử một tổ công tác vào thị xã La Gi để điều tra một vụ án mà công an quận đang thụ lý. Trong vụ này, ông Lê Hồng Phong là đối tượng bị điều tra.
Lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng cho rằng không có chuyện tổ chức bắt giữ ông Phong cùng với con trai giống như “một vụ bắt cóc”.
“Đó là thông tin không chính xác. Chúng tôi đã xác minh lại, tổ công tác từ hiện trường báo về là mời anh Phong đi cùng cơ quan công an làm việc để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Sau đó một số người tung tin là anh Phong bị bắt cóc để làm nhiễu loạn, gây xáo trộn và cản trở quá trình điều tra” - vị lãnh đạo này nói.
Công an Q.Hai Bà Trưng cho biết quá trình đến làm việc với ông Phong đã có kế hoạch trước, khi vào Bình Thuận thì đã liên hệ, làm việc với chính quyền địa phương nơi ông Phong cư trú đầy đủ.
Về việc cơ quan công an có quyết định khởi tố hay bắt tạm giữ chưa, lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng nói:
“Cơ quan công an đang trong quá trình điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, truy xét đối tượng để làm rõ những vấn đề liên quan. Đây là mời anh Phong đi cùng cơ quan công an đến nơi làm việc để làm rõ những vấn đề, vai trò của anh Phong trong vụ án mà cơ quan công an đang thụ lý điều tra”.
Về lý do vì sao tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng lại đưa cả con trai ông Phong đi cùng, vị lãnh đạo này giải thích:
“Tôi đã yêu cầu tổ công tác báo cáo lại, không có chuyện công an tự ý đưa cả anh Phong và con trai lên xe. Khi công an gặp và mời anh Phong đi làm việc thì anh đang đi đón con ở trường học. Anh Phong chủ động xin phép được đưa con trai đi cùng để làm việc với công an xong thì về luôn, không phải quay lại trường vì đường đi rất xa”.
Lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng cho biết thêm đang làm báo cáo đầy đủ vụ việc để gửi Công an TP Hà Nội và sẽ thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí.
Không có phối hợp, thông báo với địa phương Một nguồn tin của Tuổi Trẻ tại thị xã La Gi khẳng định công an không nhận được thông báo, yêu cầu phối hợp điều tra hay thông báo sau khi bắt giữ người của bất cứ cơ quan nào về vụ việc ông Phong và con trai 3 tuổi được “mời đi”. “Tôi không hiểu họ làm việc theo quy trình nghiệp vụ nào, bởi vì nếu có bắt giữ người thì theo Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan thực hiện lệnh bắt phải thông báo cho cơ quan chức năng địa phương nơi gần nhất để chứng kiến việc bắt giữ. Trong trường hợp bắt giữ là biện pháp nghiệp vụ thì sau khi bắt, đơn vị thực hiện lệnh bắt cũng phải có thông báo cho địa phương và gia đình đối tượng, bị can biết. Nếu biết trước về kế hoạch làm việc, triệu tập đối tượng hay bắt giữ người thì lực lượng chức năng địa phương đâu phải huy động lực lượng truy đuổi, chặn bắt khắp các ngả đường như vậy?” - nguồn tin này bày tỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận