03/03/2018 18:43 GMT+7

Sự thật về cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ ở Campuchia

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Vừa qua là một tuần bận rộn của ngành ngoại giao Campuchia, nổi bật nhất là việc Mỹ thông báo cắt viện trợ cho Phnom Penh, trong khi ngàn hàng tấn vũ khí Trung Quốc tiếp tục nhập vào Campuchia trước thềm cuộc tập trận chung hai nước.

 photo-1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Hun Sen ký thỏa thuận đầu tư tại Phnom Penh ngày 11-1-2018 - ảnh: REUTERS

Bình luận trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Prashanth Parameswaran cho rằng những diễn biến mới nhất phù hợp với mô hình tương tác đang diễn ra giữa chính trị trong nước và chủ trương đối ngoại của Campuchia với Bắc Kinh và Washington.

Liên quan đến Campuchia, các nhà lập pháp Mỹ chủ yếu lo ngại sự lệ thuộc của Phnom Penh vào Bắc Kinh càng lúc càng tăng, dẫn đến những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Xu hướng này đã thể hiện qua nhiều sự kiện khác nhau những năm gần đây.

Ví dụ như hồi năm 2010, Bắc Kinh đứng ra cung cấp xe tải quân sự cho Campuchia sau khi Washington hủy bỏ chuyến hàng vì Phnom Penh trục xuất một nhóm người Duy Ngô Nhĩ trở lại Trung Quốc.

Hoặc như động thái gây cản trở của Campuchia trong thống nhất quan điểm của khối ASEAN về vấn đề Biển Đông khi nước này giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2012.

Mối lo của Mỹ càng lớn hơn trong 1-2 năm trở lại đây, và nguyên nhân chính đằng sau những chuyển biến đó là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền ngày càng khẳng định sự thắng thế hoàn toàn của mình. 

Xuất phát từ tình hình trong nước, dàn lãnh đạo CPP dường như nhận định nếu không áp dụng các biện pháp "vô tiền khoáng hậu", khả năng rất lớn là họ sẽ thua phe đối lập trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7-2018.

Từ khi CPP khởi động chiến dịch xử lý mạnh tay hơn đối với những sai sót của phe đối lập, Thủ tướng Hun Sen có khuynh hướng nghiêng về phía Trung Quốc nhờ sự thờ ơ của Bắc Kinh, trong khi Mỹ lại liên tục bày tỏ quan ngại về cách làm "phi dân chủ", phi tự do của Phnom Penh. Kết quả là một loạt động thái ngưng hợp tác chưa từng thấy trước đó.

Tuần này tiếp tục là một vòng đấu mới của Mỹ và Trung Quốc tại Campuchia. Ngày 28-2, đúng như mong đợi, Nhà Trắng thông báo tạm ngưng và cắt một số chương trình viện trợ cho chính phủ Campuchia "do những bước thụt lùi trong dân chủ và nhân quyền".

Thông báo của Nhà Trắng được lựa chọn từ ngữ cẩn thận để giải thích hành động này nhắm vào chính phủ chứ không phải người dân Campuchia. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) dọa sẽ có những động thái tương tự.

Không có gì ngạc nhiên, Campuchia đã phớt lời cách diễn đạt của Mỹ. Ông Phay Siphan, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, viết trên Facebook rằng họ cảm thấy "buồn và sốc" khi phương Tây cắt viện trợ phát triển, và gọi đó là "sự xúc phạm đối với người dân Campuchia".

Ngoài chuyện đó ra, cùng thời điểm này, truyền thông tập trung nhiều đến việc ông Hun Sen "khoe" đã nhập khẩu hàng ngàn tấn vũ khí từ một quốc gia nào đó sau một đêm. Tất nhiên ai cũng nghĩ đến Trung Quốc đầu tiên.

 photo-1

Thủ tướng Hun Sen (áo xanh) gặp gỡ người dân trong lễ khánh thành một ngôi chùa ở tỉnh Kampong Cham hôm 1-3 - Ảnh: FACEBOOK

Mọi phản ứng của Phnom Penh nằm trong dự đoán của giới quan sát. 

Khi kỳ bầu cử đang đến gần, giới chức Campuchia sẽ có lợi khi tô vẽ hành động của phương Tây là "chống lại người dân Campuchia" để tạo hiệu ứng đoàn kết và lôi kéo ủng hộ, song song đó họ quảng bá mối quan hệ gần gũi với các nước khác như Trung Quốc để nâng cao tính chính danh.

Mặt khác, "thổi lửa" vào cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ cũng có lợi cho Phnom Penh, giống như cách nhiều nước khác làm: Nó giúp làm tăng cơ số "củ cà rốt" và áp chi phí triển khai "cây gậy" đối với cả hai cường quốc.

Nhưng sau tất cả, vẫn còn những câu hỏi quan trọng ở phía trước. Dù kết quả cuộc bầu cử tháng 7 không phải bàn nữa, nhưng cách người dân Campuchia phản ứng không thể cho qua. 

Cách thức đảng CPP điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại sau khi củng cố xong quyền lực cũng chưa rõ. Dù ông Hun Sen lâu nay khéo léo giữ được quyền lực trong nước và cân bằng trong quan hệ với các cường quốc nước ngoài, một số biện pháp ông áp dụng lần này không thể sửa chữa được hoàn toàn. 

Thêm vào đó có nhiều biến số khác gây ảnh hưởng, bao gồm vấn đề lực lượng kế nhiệm.

Quan trọng hơn, không thể chỉ nhìn vào cách Campuchia tiếp cận Bắc Kinh và Washington, cần phải xem họ xử lý các mối quan hệ khác ra sao, với ASEAN và Nhật Bản chẳng hạn. 

Cạnh tranh Mỹ - Trung không đơn thuần chỉ có Mỹ và Trung Quốc, là nước đứng giữa, Campuchia cũng không được hưởng ngoại lệ.

Ông Hun Sen: Mỹ nói láo chuyện viện trợ Campuchia Hai con trai Thủ tướng Hun Sen thăng chức nhanh vòn vọt Cháu ông Hun Sen bị lột lon chuẩn tướng vì đá gà
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp