Ông Võ Văn Men - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang - giải thích kỹ về thông tin hơn 710 mã số vùng trồng bị bên Trung Quốc thu hồi.
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - chia sẻ tại hội nghị "Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu" tại TP.HCM trước đó.
Thông tin trên đã khiến nhiều người dân tại tỉnh Tiền Giang rất quan tâm và lo lắng, bởi trong số 710 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu (chủ yếu là hàng nông sản xuất vào thị trường Trung Quốc) thì tỉnh Tiền Giang có 450 mã.
Tuy nhiên, theo ông Men, những mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bị thu hồi chủ yếu là vựa mua bán nhỏ lẻ chủ động xin nghỉ hoặc chuyển nghề.
"Do thời điểm trước năm 2018, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị các tỉnh thống kê thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói… để đáp ứng quy định nhập khẩu quả tươi phía Trung Quốc, địa phương thống kê cả những sạp trái cây nhỏ lẻ.
Thậm chí có những hộ dân kê vài sọt trái cây trước cửa để bán cũng thống kê. Bây giờ thu hồi là thu hồi những cơ sở đó chứ mã số vùng trồng được công nhận mới của người dân không bị ảnh hưởng", ông Men cho biết.
Trước đó, tại hội nghị "Phổ biến quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu" tại TP.HCM ngày 20-4, bà Nguyễn Thị Thu Hương - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết có khoảng 710 mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận… phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc.
Theo bà Hương, nguyên nhân mã số vùng trồng bị thu hồi nhiều nhất do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 83.000 ha cây ăn trái các loại, với tổng sản lượng hằng năm đạt trên 1,6 triệu tấn, phần lớn sản lượng xuất khẩu. Đến thời điểm này, tỉnh đã cấp được 271 mã số vùng trồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận