23/10/2019 16:24 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình yêu

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Bút danh Hoàng Cầm của nhà thơ Bùi Tằng Việt là tên của một loại thuốc đắng như mật. Mối tình đầu của ông với người con gái hơn ông 8 tuổi cũng đơn phương, lãng mạn và cay đắng.

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình yêu - Ảnh 1.

Đêm thơ Hoàng Cầm ở Bắc Ninh - Ảnh VŨ TUẤN chụp lại

Chúng tôi tiếc vì không còn gặp được Hoàng Cầm để hỏi về sự trùng hợp lạ kỳ của những vị đắng. Vị đắng của tình yêu đơn phương, vị đắng của đời sau khi bài thơ ông gặp sóng gió thời cuộc và vị đắng của chiếc lá yêu năm xưa.

 Tìm về chốn kỷ niệm trong thơ ông, để biết rằng chiếc lá diêu bông đi tìm cũng có vị đắng ngắt...

"Tôi đa tình từ bé"

Sau cái bắt tay thật chặt, ông Dương Đình Chiến thoảng buồn tâm sự về nhà thơ Hoàng Cầm. Là cán bộ nghỉ hưu, ông Chiến đồng hương Bắc Ninh với nhà thơ Hoàng Cầm. Ông rất mê thơ, nhất là thơ bạn mình.

Ngày còn làm việc ở Bắc Ninh, ông Chiến đã hỗ trợ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đêm thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ đến nghe lại thơ mình và trút bầu tâm sự về những bài thơ đi cùng năm tháng. Đêm ấy, ông Chiến và cụ Hoàng Cầm ở chung phòng. Nhà thơ thổ lộ bài thơ Lá diêu bông lãng mạn của mình cũng là mối tình đầu đẹp nhất, ám ảnh nhất và bị sóng gió nhiều nhất... 

Kể đến đây, chợt ông Chiến im lặng. Cả căn phòng chỉ còn nghe tiếng quạt khe khẽ thổi. Mãi sau, ông mới nghèn nghẹn kể tiếp: "Ông Cầm bảo với tôi: Tao yêu chị ấy thật, mãi sau này tao vẫn không thể quên".

Hoàng Cầm tự nhận mình đa tình từ nhỏ với mối tình đầu tiên chính là người con gái trong bài thơ Lá diêu bông, hơn ông 8 tuổi. Năm ấy, một lần về thăm nhà ở phố ga Như Thiết, Bắc Giang, Hoàng Cầm nhìn thấy một người con gái đang dọn hàng ở bên kia đường, chênh chếch nhà ông. 

Cô gái mặc một chiếc váy Đình Bảng (váy dài, tà xòe rộng, buông chùng như chiếc võng), dáng người thắt đáy lưng ong. Khi cô quay mặt khiến nhà thơ bị choáng ngợp. Nắng thu vàng soi nghiêng càng tôn thêm vẻ đẹp của người con gái khiến cậu bé phải lòng.

Sau này Hoàng Cầm mới biết chị tên Vinh, con một nhà giáo ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) mới chuyển nhà đến phố ga Như Thiết. "Vì đa tình từ bé nên trừ lúc đi học, còn khi ở nhà thì tao đều có mặt bên chị. Chị đi giặt, tao cũng theo ra sông..." - ông Chiến kể lại lời bạn.

Một buổi chiều, Hoàng Cầm theo chị Vinh ra cánh đồng sau nhà. Tháng 10, lúa đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Cô gái lúi húi tìm một thứ lá cây mọc ở gò đất. Cậu bé đa tình ngày ấy cũng tìm hộ chị. Lá ấy tên gì chị có nói, nhưng ông quên mất. Ông chỉ nhớ chị bảo lấy lá cây ấy giã đắp mặt cho da đẹp. Lúc về, chị dắt tay ông đi trên bờ ruộng.

"Tao cảm thấy như có điện truyền sang" - nhà thơ kể lại cho ông Chiến.

Đến năm 12 tuổi, một ngày cuối tuần trở về nhà như thường lệ, Hoàng Cầm không thấy chị Vinh đâu. Mẹ bảo chị đã đi lấy chồng, làm lẽ cho một quản lính khố xanh ở Phủ Lý, Hà Nam. Giây phút ấy Hoàng Cầm đã bật khóc. Ông kể lại mình khóc như đứa trẻ bị mẹ mắng, khiến mẹ phải bảo ông đi rửa mặt, kẻo bố về phát hiện chuyện thằng con... yêu sớm.

Kể từ ngày ấy ông không còn gặp cô gái mình trộm thương bên nhà nữa. Và hơn 20 năm sau, trong một đêm mơ kỷ niệm cũ, Hoàng Cầm đã viết bài thơ Lá diêu bông. Hoàng Cầm luôn có một xấp giấy và cây bút đặt trên đầu giường. 

Nhiều bài thơ của ông được viết trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Bất cứ khi nào ông chợt tỉnh giấc, thậm chí đang nửa tỉnh nửa mê ông cũng viết ra. Ngay cả kiệt tác Bên kia sông Đuống cũng được ông viết trong trạng thái xuất thần như vậy.

Lá diêu bông được nhà thơ giải thích rằng đó là lá của hoa phiêu diêu, hoa trong mộng tưởng. Tình yêu luôn đẹp và phiêu diêu như vậy. Ông Chiến khẳng định rằng nhà thơ thổ lộ với mình không hề có ý "chơi chữ" về cái tên "diêu bông" mà vì lúc chập chờn giữa giấc mơ, ông nghe lời người phụ nữ năm xưa gọi chiếc lá như vậy.

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình yêu - Ảnh 3.

Xóm ga Như Thiết, nơi Hoàng Cầm yêu cô gái, nay đã đổi thay nhiều - Ảnh: VŨ TUẤN

Sự thật "Lá diêu bông"

Dù vẫn biết Lá diêu bông là cái tên đầy ẩn ý của Hoàng Cầm, chúng tôi vẫn muốn biết chiếc lá năm xưa ông với người trong mộng đi tìm là lá gì? Dạo bước ra bờ sông nhỏ phía sau phố ga trong tiết tháng 10, đúng vào quãng thời gian cậu bé đa tình năm xưa cùng cô gái ra đồng tìm lá. Nắng thu vẫn vàng vọt phủ lên gốc rạ xiêu vẹo.

Bà Nguyễn Thanh Hưởng, một công nhân nghỉ hưu sống trong khu tập thể ngay cạnh ga Như Thiết ngày xưa, bất ngờ khoe: "Lá cây mọc ở gò đất, làm đẹp da hả? Có đấy! Cô dùng từ khi con gái cô còn bé, da nó đẹp nhất vùng này!". Chuyện bất ngờ khiến chúng tôi như người tìm lại được của bị rơi. 

"Con gái tôi lấy chồng rồi, nay 37 tuổi, hai con. Con nó cũng dùng lá ấy. Lần nào về quê, tôi cũng hái lá cho nó. Đứa trẻ nào dùng loại lá ấy không bao giờ sợ mụn nhọt, ngứa ngáy hay sài đẹn gì. Lớn lên da trắng như trứng gà bóc... Nhưng cây ấy... tên là gì ấy nhỉ?", trí nhớ của người phụ nữ ngoài 60 khiến một lần nữa chúng tôi phải đi tìm.

Câu chuyện bị cắt ngang bởi một chuyến tàu sầm sập chạy qua. Bà Tứ, một người đã sống ở đây từ năm 1973, nhớ lại thứ cây mọc hoang mà dân vùng vẫn truyền tai nhau trị mẩn ngứa, làm mịn da. Cây ấy lá to cỡ ba ngón tay, nhỏ hơn nhưng thẫm màu hơn lá cây "mật gấu" (cây hoàng đằng) - loài cây lá có vị đắng, người dân Như Thiết trồng làm rau. 

"Đó là cây bọ mẩy, vùng khác gọi là cây đắng cẩy, vì nó rất đắng!" - bà Tứ kể thêm ngày trước vùng này mọc rất nhiều. Nhưng khoảng những năm 1990, nhiều người thu mua, đào cả rễ cây lên bán. Lâu lắm rồi, vùng này rất hiếm gặp cây nào như thế.

Hồi mới chuyển về đây làm công nhân, bà Tứ cũng theo ra đồng hái cây đó về đun nước tắm. Nghe các cụ già kể ngày xưa còn hái lá bánh tẻ (lá non vừa phải) về giã nát đắp lên mặt vừa mát, vừa trị mụn, làm căng mịn da. 

Các gò đất trong vùng có rất nhiều, ngay bên đường tàu ngày ấy cây mọc thành bụi. Nhưng từ ngày có người thu mua làm thuốc, loại cây này hiếm dần. Con gái bây giờ thì dùng mỹ phẩm chứ không còn lấy lá làm thuốc như xưa nữa.

Bạn thân tôi quê ở Thanh Hóa từng quả quyết rằng ở một vùng hẻo lánh thuộc huyện Bá Thước, người Mường lấy một thứ lá trên vách núi để làm bùa yêu chiếm trọn trái tim người thương. Hay nhạc sĩ Trần Tiến, người đã phổ bài thơ Lá diêu bông thành bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng, cũng kể chuyện người sơn cước Phong Thổ (Lai Châu) có một thứ lá để làm bùa yêu như vậy...

Còn "lá diêu bông" của Hoàng Cầm? Sự thật hay chỉ là chiếc lá trong giấc mơ nhà thơ si tình thì đều có vị ngọt ngào lẫn đắng ngắt của tình yêu mộng tưởng đơn phương, chỉ có thể thành trong... những giấc mơ.

Mời đón đọc hồ sơ: Vì sao nhiều sao Hàn tự sát?

Ngày 16-10, báo chí Hàn đưa tin cảnh sát bác bỏ khả năng bị sát hại sau khi có kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ đối với nữ ca sĩ Sulli. Trước đó hai ngày, nhiều người rúng động với tin cựu thành viên nhóm nhạc thần tượng f(x) qua đời. Hiện trường cho thấy có vẻ nữ ca sĩ kiêm diễn viên 25 tuổi đã tự treo cổ bằng sợi dây móc vào chùm đèn trần.

Nhưng trước Sulli, nhiều sao Hàn khác cũng tự kết liễu đời mình. Tại sao?

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 9: Có đến 3 Chí Phèo, 2 Thị Nở ngoài đời

TTO - Nam Cao viết truyện Chí Phèo từ nhiều con người thật sống ở làng Đại Hoàng. Dù pha quyện hư cấu, đổi tên nhân vật, tên làng, nhưng ngòi bút hiện thực của nhà văn tài hoa vẫn làm cho người làng biết chắc viết về ai...

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp