19/10/2019 12:23 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6: Sự thật ở thôn Vỹ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - “Sao anh không về chơi thôn Vỹ? - Nhìn giá nhà lên giá đất lên - Vườn ai tuốt luốt sâu trong hẻm - Sáng mở mắt ra hóa mặt tiền…”.

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6:  Sự thật ở thôn Vỹ - Ảnh 1.

Phủ Ba Cửa, nơi thờ Tuy Lý vương Miên Trinh, một thân vương - thi gia nổi tiếng ở thôn Vỹ - Ảnh: THÁI LỘC

Nhìn giá nhà lên, giá đất lên

Ông Nguyễn Hoài Phương, chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, TP Huế, kể: "Chừng 20 năm trước, chúng tôi ngồi lai rai tại một quán ở Vỹ Dạ bàn chuyện đất đai đang nóng sốt: vườn này cắt chia con cháu, vườn kia được giá xẻ bán cho người ta, phố phường mở rộng, hẻm ra mặt tiền... Thế rồi tự nhiên hình thành mấy câu thơ "chế" Đây thôn Vỹ Dạ".

Đến thôn Vỹ, sông Hương vẫn xanh biêng biếc để dải đất thơ nổi tiếng này nương vào... Từ trung tâm TP Huế qua khỏi đập Đá cạnh Hương giang, tuyến đường Nguyễn Sinh Cung khởi đầu thôn Vỹ với đôi dãy nhà phố lô nhô cao thấp, bán buôn nhộn nhịp. 

Tiếp tục xuôi theo con đường này, rất nhiều nhà hàng, khách sạn và hàng quán nối tiếp xen kẽ với nhiều ngôi từ đường, nhà xưa có cổng phủ cổ kính.

Anh bạn cùng tôi dạo khắp thôn Vỹ, vốn lâng lâng thơ Hàn Mạc Tử, đặc biệt là bài Đây thôn Vỹ Dạ, đã thất vọng khi khó được "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền…". Mà chỉ thấy phố phường chật hẹp, đông đúc. 

"Mần chi còn mấy thứ nớ mà tìm chú! Giá đất cao quá, mỗi mét vuông mặt tiền Nguyễn Sinh Cung ni có nơi lên tới 70-80 triệu đồng, chí ít cũng 40-50 triệu mà không có để mua" - bà chủ quán nước đoạn gần phủ Ba Cửa (Tuy Lý vương) kéo anh bạn về thực tại.

Phường Vỹ Dạ gần trung tâm thành phố, bị đô thị hóa mạnh quá. Đầu thập niên 1990, đường Nguyễn Sinh Cung được mở rộng; năm 1995 đường mở rộng thêm. Đôi hàng cây sanh, bồ đề cổ thụ, những cổng phủ rêu phong cổ kính, mấy hàng cau, bờ tre trúc, dãy chè tàu tỉa tót hay giậu hoa... phần lớn bị thay bằng nhà cửa mặt phố.

Lần Vỹ Dạ thay da đổi thịt dữ dội nhất vào năm 1998, khi đô thị mới Nam Vỹ Dạ đầu tiên của Huế hình thành ngay trên 80ha đất ruộng cạnh bên. Từ một tuyến đường chính chạy xuyên suốt, cả Vỹ Dạ được định hình 42 tuyến đường trải nhựa; ruộng đồng được san lấp thành phố, hẻm mở thành đường, nhà cửa san sát...

Theo ông Lê Văn Phú - phó chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ, ở đây từng trải qua mấy đợt đất đai "sốt sần sật", giá tăng liên tục. Cũng tại quá gần trung tâm thành phố, người ta đổ xô về mua đất làm nhà trong làn sóng không cưỡng được. Những khu vườn rộng thênh, số bị tách thửa phân lô cho con cháu, số chia năm xẻ bảy bán đi. 

"Cả phường Vỹ Dạ nay hiếm còn khu nhà vườn nào đúng nghĩa, đáp ứng theo tiêu chí nhà vườn của tỉnh Thừa Thiên Huế nữa rồi!" - vị phó chủ tịch phường lạc giọng.

Còn trong ký ức

Những người "muôn năm cũ" ở cố đô vẫn tiếc nuối về sự mỹ miều, thơ mộng của rẻo đất hồn thơ đã mất đi. Riêng ông Phương nhớ như in đường Nguyễn Sinh Cung (Thuận An xưa) xuyên qua thôn Vỹ rợp bóng cây sanh và bồ đề, hai bên là từng khu nhà vườn nối tiếp vườn, rồi cổng phủ với từng dãy chè tàu phẳng phiu hay tre trúc, giậu hoa... 

"Cái thời điện còn đêm tắt đêm tỏ, vào những đêm hè trăng sáng, lứa thanh niên chúng tôi đi bộ lên đập Đá hóng gió, ngắm trăng thanh. Vườn tược hồi ấy cực kỳ xanh mát" - ông tiếc nuối kể.

Tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa, trong dòng ký ức về thôn Vỹ thủa trước: "Ngày hai buổi ôm cặp đi về, tôi thường ngắm nhìn những ngôi nhà ẩn mình sau những chòm cây xanh ngắt, dõi mắt theo bóng dáng tiểu thư khuê các ẩn hiện sau hàng rào chè tàu được sắp thẳng tắp hoặc thơ thẩn dưới những giàn hoa màu tím, màu xanh thiên lý...". Đó chính là hồn đất hồn người đã tạo nên những lời thơ tuyệt vời của Hàn Mạc Tử:

"Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?".

Thực ra, cảnh sắc xanh ngọc, yên bình của Vỹ Dạ may ra còn gặp ở khu cồn Hến nổi giữa sông Hương. Hòn đảo vốn là yếu tố "tả thanh long" phong thủy kinh thành này rộng hơn 20ha, dài hơn cây số chạy suốt chiều dài thôn Vỹ, chứa trên mình hơn 1.000 nóc nhà, chủ yếu lụp xụp nép dưới cây xanh. Đầu phía đập Đá, ngay trung tâm TP Huế nhà cửa có đông đúc. Còn phần phía hạ lưu dân cư thưa vắng, vườn tược rộng rãi, có nhiều đất bãi để vun xới bầu bí, gieo trỉa "bắp lay"...

Theo ông Phương, sở dĩ nhà cửa khu vực cồn Hến ít xây dựng, cảnh quan ít thay đổi bởi vướng Quy hoạch khu dịch vụ cao cấp nghỉ dưỡng cồn Hến do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 2005. Nếu không cảnh quan cũng "xong" lâu rồi.

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 6:  Sự thật ở thôn Vỹ - Ảnh 2.

Thôn Vỹ nương theo dòng Hương xanh biếc - Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY

Đất vương giả - đất thi ca

Ở Huế có khá nhiều tuyến đường tập trung những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, hay dinh thự của các quan lại quyền cao chức trọng thời vương quyền. Tuy nhiên, rẻo đất Vỹ Dạ phía đông, bên kia sông Hương xôm tụ hơn cả. Có thể kể phủ của ba vị con trai Thế tổ Gia Long là Định Viễn quận vương (con trai thứ 6), Quảng Uy công (con trai thứ 10) và An Khánh vương (con trai thứ 12) cùng nhiều dinh thự con cháu các vị này.

Đặc biệt nổi bật là phủ Tuy Lý vương - Nguyễn Phúc Miên Trinh, con trai thứ 11 của Thánh tổ Minh Mạng. Tuyến đường cũng có nhiều dinh thự của các bậc quyền quý dòng Tôn Thất, các quan đại thần hay danh gia vọng tộc Nguyễn Khoa...

Với cái tên Vỹ Dạ, rất có thể điểm xuất phát của nó có liên quan đến văn thơ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Huế đọc "trại" Vỹ Dạ từ cái tên Vy Dã ban đầu. Rằng, người con thứ 11 của Thánh tổ Minh Mạng là Tuy Lý vương Nguyễn Phúc Miên Trinh, chọn đất thơ này khi còn là "vy dã" (tạm hiểu là cánh đồng lau lách mọc đầy) ven sông Hương để lập phủ.

Vị thân vương là nhà thơ lớn, nổi tiếng, nằm trong bộ tứ "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh đường" (tạm hiểu: so văn Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì thời Tiền Hán không là gì cả; so thơ Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương đến Đường thi cũng chẳng là gì). Biệt hiệu Vy Dã lão nhân của vị thân vương/thi nhân khởi sự từ đó.

Dân gian vùng Huế lại có cách giải thích nôm na, thậm chí "tếu táo". Chủ tịch UBND phường nói luôn: cái tên Vỹ Dạ xuất phát từ sự hưng thịnh văn chương thơ phú của rẻo đất. Kèm giải thích: vỹ là cái đuôi (của loài vật), dạ là đêm, vỹ dạ là cuối đêm rạng sáng. Thôn Vỹ là nơi các tao nhân mặc khách, ông hoàng bà chúa "đầy túi" thơ ca, thường tổ chức những cuộc giao du đàn ca xướng hát thâu đêm...

Cách hiểu nôm na không phải không có lý do, bởi không chỉ có nhà thơ lớn Tuy Lý vương Miên Trinh, kể từ thời cận đại đến nay, vùng đất được tiếng thịnh vượng văn chương nghệ thuật này sản sinh và tụ hội biết bao tao nhân mặc khách, tên tuổi nổi tiếng...

Vỹ Dạ nên thơ với Hàn Mạc Tử

"Sao anh không về chơi thôn Vỹ?... Dẫu đấy chỉ là một lời mời, một câu hỏi hay lời trách móc đầy tự tình thầm lặng của người con gái Huế thì thơ Hàn Mạc Tử và bóng dáng Hoàng Cúc cũng đã làm cho Vỹ Dạ trở thành chốn không quên và Huế thành nơi để nhớ đời như lầu Hoàng Hạc, chùa Hàn Sơn, hồ Leman, cầu Mirabeau... gắn liền với địa danh và tên tuổi của Thôi Hiệu, Trương Kế, Lamartine, Appolinaire..." –

TRẦN KIÊM ĐOÀN

>> Kỳ tới: Đi tìm Vợ chồng A Phủ


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 1: Ao thu xanh mướt giữa vườn Bùi Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 1: Ao thu xanh mướt giữa vườn Bùi

TTO - Bao thế hệ người Việt đã thấm sâu những dòng thơ Thu trác tuyệt của Nguyễn Khuyến, hay man mác hoài niệm cùng Hai đứa trẻ của Thạch Lam, da diết yêu thương với Núi Đôi của Vũ Cao ... Nhưng từ trang sách ra đời thực thế nào?

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp