Đại Nam dật sự và Sử ta so với sử Tàu vừa ra mắt bạn đọc cả nước - Ảnh: L.ĐIỀN
"Cấu trúc xương sống của cuốn sách đã làm nên đối thoại đa thanh trong tác phẩm này. Ông dùng khái niệm "người Nam" đối lập với "người Tàu", cũng như "sử ta" đối với "sử Tàu". Và chính ở đây, cuộc đối thoại đã diễn ra rất phức tạp"
TS Trần Trọng Dương
Đây là những bài khảo cứu công phu của cụ Nguyễn Văn Tố về đề tài lịch sử nước ta, đăng tải trên hai tạp chí Tri Tân và Thanh Nghị vào những năm 1940. Các bài viết này được tác giả xếp vào hai tập: Đại Nam dật sự, và Sử ta so với sử Tàu.
Sau hơn 70 năm, từ những văn bản cũ, những người làm cuốn sách này đã tập hợp lại, vừa để bạn đọc tiện theo dõi vì cùng chung nội dung nghiên cứu sử liệu, vừa như một món quà kỷ niệm đúng 130 năm ngày sinh Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947).
Hiểu thêm cách sống của tổ tiên
Đại Nam dật sự, theo như ý của tác giả, xuất phát từ nhận thấy nhu cầu của bạn đọc muốn biết các câu chuyện cổ của nước ta, ít nhiều có gắn với các danh nhân lịch sử, hoặc liên quan đến các di tích, danh lam, nên ông tìm kiếm trong tư liệu, cả sách ta và sách Tàu, để chép lại các chuyện ấy.
Lý do nêu ra có vẻ nhàn tản vô sự, kỳ thực các chuyện cụ Nguyễn Văn Tố chép (hoặc dịch từ bản chữ Hán) đều có nội dung liên quan đến sử liệu.
Quan trọng hơn, đằng sau những câu chuyện tác giả gửi đăng báo quốc ngữ lúc bấy giờ còn là nỗi niềm yêu nước muốn đồng bào những ai đọc được các câu chuyện này có thêm niềm tin vào lịch sử, hiểu thêm cách sống của tổ tiên, để tự chọn cho mình một cách thế sống sao cho ứng hợp với thời cuộc mà không thẹn với cha ông.
Cho nên, dật sự ở đây thoát khỏi khung khổ của những chuyện nhàn tản, hãy cứ đọc những bài như Cù hậu và Lữ Gia, sẽ thấy ngay thao tác khảo cứu và phân tích rất kỳ công.
Tác giả đã dựa vào nhiều bộ sử của cả nước ta và Trung Quốc để phân tích các dữ liệu lịch sử, và trong một bài viết không dài, đủ để thuật lại bối cảnh phức tạp của nước Nam Việt thời Triệu Minh Vương (năm 125 trước Thiên Chúa).
Ngày nay, thật xúc động làm sao, đọc lại những dòng thuật sử của cụ Tố, mới thấy tinh thần độc lập - mà trước hết là độc lập quyết không chịu nội thuộc Trung Quốc - đã có từ hơn hai nghìn năm trước vào thời Lữ Gia.
Cái tinh thần độc lập của quan tể tướng Lữ Gia quyết giữ vị thế độc lập cho nước nhà lẽ ra cần phải được xiển dương hơn nữa.
Hiện tại TP.HCM có con đường được đặt tên Lữ Gia, nhưng công chúng ngày ngày đi đường có lẽ ít ai biết Lữ Gia là ai, còn tinh thần độc lập chống nội thuộc Trung Quốc của cụ Lữ Gia hẳn còn ít người biết hơn nữa.
Rất nhiều chuyện thú vị được cụ Tố gọi chung là dật sự: Ông tổ văn hiến nước ta; Cuối đời Tam Quốc, nước Tàu đối với nước ta thế nào?; Nên có ngày kỷ niệm vua Tiền Lý; Có nhà Tiền Lý không?; Tăng Cổn và họ Khúc... Tất cả đều là những "đối thoại đa thanh" và có sức quyến rũ đối với người yêu mến lịch sử nước nhà.
Góp công lớn hình thành một lớp công chúng trí thức
Cần nhìn trở lại thời những năm 1940, khi chữ quốc ngữ đang còn sơ khai, Nguyễn Văn Tố xuất thân nhà Nho và nhiệt tình theo Tây học, đã dày công tham gia viết báo quốc ngữ, dịch và phổ biến sử liệu cho bạn đọc đương thời, phải nói là góp công rất lớn để hình thành một lớp công chúng trí thức có ý thức về chủ quyền đất nước và trách nhiệm công dân.
Sử ta so với sử Tàu chính là một tài liệu thật đắt giá về các quốc hiệu nước ta từng có trong lịch sử; ngoài ra, ông cũng lật lại vấn đề xác định Tượng quận có phải là đất của ta không; bên cạnh đó là khảo cứu các cuộc khởi nghĩa của nước ta trong thời Bắc thuộc.
Một quyển sách thú vị như vậy, được soạn ra trên tinh thần "sử dụng sử học để tái lập truyền thống đấu tranh giành độc lập và lịch sử ái quốc của người Việt" (Trần Trọng Dương), quả là đáng đọc cho bất kỳ độc giả thời kỳ nào.
Nguyễn Văn Tố - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947) là học giả uyên bác đầu thế kỷ 20. Thông thạo cả Hán văn và Pháp văn, Nguyễn Văn Tố vào làm ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, chuyên nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Trước năm 1945, ông làm hội viên rồi hội trưởng Hội Trí Tri (1934-1946), hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ (1938-1945, là tác giả đắt lực cho các báo Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị... Ông được liệt vào trong "tứ kiệt" Quỳnh - Vĩnh - Tố - Tốn (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận