Phóng to |
Cán bộ trại giam số 5 (Thanh Hóa) trò chuyện với một phạm nhân. Niềm tin được giảm án khiến nhiều người sống tốt hơn ở trại giam - Ảnh: TÂM LỤA |
Niềm vui của vị thẩm phán
Theo lời kể của một thẩm phán tại TAND TP. HCM, ông nhận hồ sơ và bắt tay nghiên cứu vụ án vào một buổi chiều hè. Tình tiết vụ án khá đơn giản, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình: Sau khi học hết lớp 12, T. từ Long Khánh - Đồng Nai lên TP.HCM làm công nhân một nhà máy tại quận Bình Tân. Trong một buổi nhậu cuối tuần với các công nhân khác, chỉ vì lời qua tiếng lại với nhau mà sau đó T. tìm M. đâm chết.
“Tôi nhớ phiên tòa này hội đồng xét xử nghị án lâu lắm. Thường những vụ án mà bị cáo bị xử phạt mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì khi nghị án, hội đồng phải bàn luận, xem xét kỹ hơn bình thường. Vụ án của T. còn kéo dài hơn bởi ý kiến các thành viên hội đồng không thống nhất với nhau, chúng tôi đã bàn luận rất căng thẳng”- vị thẩm phán nhớ lại.
Tại phiên tòa, đại diện VKS chỉ đề nghị phạt T. mức án tù chung thân, nhưng nhiều ý kiến trong hội đồng cho rằng phải xử T. mức án tử hình mới tương xứng. Những người có quan điểm phải tử hình T. cho rằng bị cáo có quyết tâm phạm tội đến cùng dù đã nhiều lần được bạn bè can ngăn.
“Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo khai báo rất tốt. Suốt quá trình thẩm vấn, tôi cũng đã quan sát bị cáo rất kỹ. T. khai báo rất thành khẩn. Tôi thấy rõ sự ân hận trong từng lời khai, ánh mắt của bị cáo khi nhìn hội đồng xét xử, nhìn gia đình nạn nhân. Đọc hồ sơ thì thấy T. chưa từng có tiền án tiền sự, có thể nói đây là sai lầm đầu tiên của T.. Làm người hiển nhiên ai chẳng có lần lầm lỗi, thế nhưng để trả giá cho sai lầm đầu tiên của đời người mà chàng trai trẻ này phải đổi bằng mạng sống của mình thì quả thật đáng tiếc”- vị thẩm phán trầm ngâm.
Tuy nhiên, đề nghị tù chung thân của vị thẩm phán chỉ là ý kiến thiểu số trong hội đồng xét xử gồm năm người biểu quyết. Kết quả nghị án phải theo đa số. Ý kiến của vị thẩm phán được bảo lưu trong hồ sơ.
Lúc hội đồng tuyên án tử hình, nhìn T. đau đớn còn gia đình bàng hoàng kêu khóc, vị thẩm phán thấy lòng mình nặng trĩu... Thế rồi, T. kháng cáo xin giảm án, gia đình nạn nhân cũng có đơn kháng cáo xin giảm án cho T., vị thẩm phán vẫn hi vọng cấp phúc thẩm sẽ sửa án. Bất ngờ là tại phiên tòa phúc thẩm, không rõ trong lúc tranh luận, bào chữa, luật sư của T. có nói gì không phải về nạn nhân nên gia đình nạn nhân tức giận rút lại đơn kháng cáo, không xin giảm án cho T. nữa. T. không được xem xét tình tiết giảm nhẹ này. Dù VKS phúc thẩm cũng đề nghị giảm xuống tù chung thân cho T. nhưng tòa phúc thẩm vẫn tuyên y án sơ thẩm, tử hình T..
“Tôi cứ dõi theo tiến trình xét xử đối với T.. Đến cả năm sau đó, chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao cũng lần lượt có văn bản không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Lúc này, cơ hội được sống của T. càng mong manh hơn. Bản án tử hình với T. lúc này đã trải qua gần đủ các thủ tục để có thể thi hành, chỉ còn trông chờ vào hi vọng cuối cùng là sự ân giảm của Chủ tịch nước. Thật mừng là sau khi xem xét đơn và hồ sơ của T., Chủ tịch nước đã chấp nhận đơn xin ân giảm án tử hình của T.. Nghe tin này, tôi mừng quá, cuối cùng T., cũng được sống!”- vị thẩm phán nói.
Phóng to |
Tử tù Hờ A Sinh Lứ đã được ân giảm xuống còn tù chung thân - Ảnh: TÂM LỤA |
Nuôi những hi vọng...
Niềm vui được ân giảm án tử hình không thuộc về một mình bị cáo, niềm vui ấy còn là của cả hội đồng xét xử - những người vì sự nghiêm minh của pháp luật đã phải tuyên bị cáo án tử hình. Niềm vui ấy là của cả gia đình bị cáo, của cả những giám thị trại giam nơi bị cáo đang chờ ngày thi hành án tử. Không phải ngẫu nhiên mà đại tá Vũ Xuân Hồng, phó giám thị trại giam số 1 Hà Nội, luôn khuyên các phạm nhân đang chờ thi hành án tử hãy làm đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình. Ông nói về hơn 50 tử tù đang chờ thi hành án trong trại: “Vừa trông nom họ, chúng tôi vừa nuôi cho họ hi vọng giảm án. Tôi nói với họ dù có một phần nghìn hi vọng thì vẫn phải hi vọng, vẫn phải làm đơn xin ân giảm. Hi vọng ấy giúp họ sống tốt hơn trong những ngày chờ thi hành án. Và điều đó đã xảy ra đối với nhiều tử tù. Đó là tin vui với chúng tôi”.
Câu chuyện của Hờ A Sinh Lứ (28 tuổi, Mai Châu, Sơn La) là một hi vọng, một tin vui như thế. Năm 2007, Lứ bị bắt tại Hà Tây khi đang mang trên người 12 cục heroin. Lần đầu tiên chúng tôi gặp Hờ A Sính Lứ trong buồng hỏi cung của trại giam số 1, Lứ đang chờ thi hành án tử. Gặp chúng tôi, Lứ run bần bật, khuôn mặt tái mét. Đôi tay Lứ run, hàm răng Lứ cũng run, đôi mắt thì ầng ậc nước. Được giám thị trại cho phép nói chuyện 60 phút nhưng mất 15 phút đầu chúng tôi không hỏi được Lứ câu gì. Hỏi gì Lứ cũng chỉ lắc đầu. Chỉ đến khi một cán bộ đưa cho Lứ điếu thuốc hỏi có hút không, Lứ lắc đầu, ngước đôi mắt rất biết ơn thì câu chuyện của Lứ mới được giãi bày. Lứ là con lớn trong gia đình có chín anh chị em, Lứ và em trai bị bắt cùng nhau khi đang vận chuyển ma túy và đến giờ Lứ không biết em trai đang bị giam ở đâu.
Nhà không có nhiều nương, túng đói nên đã bán đi gần hết, Lứ đã có vợ và hai đứa con ở quê, đứa lớn 7 tuổi, đứa bé 5 tuổi. “Thương vợ con lắm nhưng không biết làm thế nào - Lứ nói thế và khóc - Em chỉ mong được về nhà trồng ngô, trồng sắn thôi. Bản Mông của em cách quốc lộ 6 12km. Ngày mưa phải đi bộ mới vào được bản. Giám thị trại giam nói cứ chờ đi biết đâu được Chủ tịch nước ký đơn giảm án. Nếu không có hi vọng ấy thì em đã không còn sống đến ngày hôm nay”.
Và hi vọng ấy của Lứ đã trở thành sự thật. Lần thứ hai chúng tôi gặp lại Lứ khi Lứ đang thi hành án tại trại giam số 5- Thanh Hóa. Lứ được Chủ tịch nước xét duyệt đơn ân giảm xuống còn tù chung thân.
Lứ gặp chúng tôi khi được áp giải từ đồng về. Trại giam đang vào mùa gặt lúa. Mồ hôi nhễ nhại, Lứ lặng thinh không nói gì. Gần sáu năm chờ thi hành án tử, Lứ bảo cứ khoảng 3-4g sáng khi tiếng cửa lách cách từ buồng giam bên cạnh dẫn tù nhân đi thi hành án là Lứ lại thót tim. Sáng nào cũng ngỡ ngày mình dựa cột đã tới rồi. Gần sáu năm ngồi trong tù với nỗi chờ đợi thót tim như thế đã làm Lứ từ một cậu trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn trở nên đờ đẫn. Cán bộ trại giam phải thường xuyên gọi Lứ lên nói chuyện để giúp Lứ ổn định tâm lý, thích nghi với môi trường mới.
Trước khi chúng tôi ra về, Lứ còn đọc số điện thoại của vợ mình và bảo: “Vợ em tên Phang. Chị nhắn vợ em nếu có điều kiện thì vào thăm em. Mang cho em vài bộ quần áo để em tắm. Em nhớ vợ con lắm!”.
____________________
Sự đời đôi khi trái khoáy: từ chỗ nhận bản án tử hình, nhiều người đã được trắng án sau nhiều năm lao tù...
Kỳ tới: Tử hình và trắng án!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận