Câu chuyện thuốc giả thần y dỏm được nhiều người chú ý bởi vấn đề này khá phổ biến, đã và đang làm ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhiều người "tiền mất tật mang".
Thuốc giả quảng cáo đầy trên mạng
Có một thực tế lạ lùng xảy ra lâu nay là thuốc giả nở rộ như nấm sau mưa.
Có khi đó là sản phẩm "3 không": không giấy phép; không nghiên cứu; không chất lượng, hoặc là sản phẩm chất lượng "ơ kìa" nhưng quảng cáo trên trời trên các nền tảng mạng xã hội, kiểu "nhà tôi 3 đời làm lương y" nhưng thực tế lương y dỏm và thuốc cũng dỏm!
Những cách quảng cáo để bán thuốc dỏm thì vô số. Điển hình là lấy tên tuổi, hình ảnh bác sĩ nổi tiếng, hình ảnh quân đội, công an, đài truyền hình... rồi cắt ghép đưa vào quảng cáo thuốc dỏm.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Trần Minh Điển, chuyên gia về truyền nhiễm nhi khoa Trương Hữu Khanh... đều đã bị lấy ảnh dán vào quảng cáo thuốc dỏm.
Gần đây trên mạng còn có loại thuốc dỏm quảng cáo bằng hình ảnh các vị lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo cấp cao...
Một bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chia sẻ mặc dù anh là bác sĩ nhiều kinh nghiệm, nhưng ở quê cha mẹ anh cũng bị quảng cáo thuốc dỏm đánh lừa và cũng mua thuốc dỏm giá tiền triệu về dùng.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi làm việc với Google hai bên đi đến giải pháp là phát triển thuật toán chọn lọc, khi cơ quan quản lý của Việt Nam phát hiện nội dung quảng cáo "thần y", "thần dược" mà thực tế sản phẩm/quảng cáo lại chưa được đăng ký, cấp phép hoặc giả mạo... thì gửi cho Google để họ có biện pháp ngăn chặn.
Việc áp dụng phương pháp này bắt đầu từ tháng 9-2022, sau một tháng đã "chặn cơ bản các quảng cáo vi phạm". Sáu tháng cuối năm 2022 Google đã gỡ hơn 2.000 quảng cáo "sản phẩm bảo vệ sức khỏe" vi phạm theo yêu cầu của phía Việt Nam.
Quảng cáo thuốc giả "một tấc đến trời"
Tuy nhiên hiện quảng cáo thuốc dỏm còn xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác, như ở Facebook. Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã làm việc và Facebook cũng đã gỡ quảng cáo vi phạm nếu có phản ánh, nhưng chưa triệt để.
Và khi đó, quảng cáo thuốc dỏm lại phát tán đi khắp nơi và lại có thêm vô số người bị lừa. Khi bị bóc gỡ, một thời gian sau lại có một tài khoản mới xuất hiện và lại quảng cáo.
Bảo vệ sức khỏe người dân là việc quan trọng, và bằng chứng là tại Việt Nam việc cấp phép lưu hành thuốc chữa bệnh khá chặt chẽ, nhưng với hệ thống nhà/quầy thuốc dày đặc cùng nhu cầu mua sắm trực tuyến, thói quen xấu "tự kê đơn"..., thuốc dỏm có nhiều "đất" để có thể quảng cáo "một tấc đến trời" và thu hút người tiêu dùng, nhất là người lớn tuổi.
Đợt "dọn rác" thuốc trên mạng của các bộ ngành phải được mở rộng, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của thanh tra các bộ chức năng, của quản lý thị trường...
Nếu không, chẳng bao lâu nữa lại có một đợt "thuốc mới, thuốc quý" ra đời, người bệnh lại bị lừa, và những ảnh hưởng tới sức khỏe thì còn mãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận