Các diễn giả tham dự toạ đàm về bộ sách Đi cùng ánh sáng - Ảnh: V.V.TUÂN |
Đó là ý kiến của Th.s Nguyễn Thị Nha Trang - chuyên gia can thiệp sớm, Giám đốc chuyên môn công ty Giáo dục VietClever tại buổi toạ đàm ra mắt những tập cuối của bộ sách Đi cùng ánh sáng, do NXB Kim Đồng tổ chức sáng ngày 7-7 tại Hà Nội.
Chia sẻ sau hai năm hoàn thành việc dịch và xuất bản bộ sách Đi cùng ánh sáng, bà Vũ Thị Quỳnh Liên - phó giám đốc, tổng biên tập NXB Kim Đồng bày tỏ sự nuối tiếc khi tác giả Keiko Tobe (Nhật Bản) không kịp hoàn thành những trang cuối của bản thảo trước khi qua đời.
“Câu chuyện xuyên suốt bộ sách là cuộc sống của gia đình có trẻ tự kỷ. Nhưng càng về sau, tác giả càng khai thác sâu hơn và rộng hơn về cuộc sống của gia đình hiện đại như áp lực thi cử, bạo hành gia đình, giáo dục giới tính, chăm sóc người già…Đó là những vấn đề mà bất cứ gia đình hiện đại nào cũng phải đối mặt” - bà Liên cho biết.
TS Vũ Song Hà - phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cũng cho rằng, bộ sách Đi cùng ánh sáng rất có ý nghĩa đối với cộng đồng người tự kỷ và những người xung quanh, bởi hiện nay trong xã hội vẫn còn nhiều định kiến và hiểu nhầm về trẻ tự kỷ.
“Bộ sách có sự lồng ghép giữa kiến thức và những câu chuyện đời thường rất nhuần nhuyễn để mọi người đều có thể đọc được” - bác sĩ Vũ Song Hà nói.
Th.s Nguyễn Thị Nha Trang phân tích hiện trong cộng đồng vẫn còn nhiều hiểu nhầm về trẻ tự kỷ như việc nhiều người sử dụng nhầm từ “tự kỷ” trong những tình huống khác nhau. “Có thể đó là từ được dùng trong những tình huống vui đùa của một số người. Nhưng cách cư xử đó sẽ làm cho những gia đình có người mắc tự kỷ sẽ rất buồn. Riêng việc sử dụng từ ngữ như vậy cũng cần phải có sự điều chỉnh”.
Đi cùng ánh sáng (15 tập) là bộ truyện tranh của tác giả Keiko Tobe kể lại cuộc sống hàng ngày của một gia đình Nhật Bản có con tự kỷ. Bộ truyện tranh đã được trao giải xuất sắc tại Liên hoan Mỹ thuật Truyền thông Nhật Bản. Như mọi đứa trẻ khác, Hikaru được sinh ra trong tình yêu thương và niềm hy vọng của cha mẹ. Nhưng ngay từ khi mới sinh ra, cậu bé đã có những biểu hiện bất thường…Tình yêu thương con vô bờ bến đã cho người mẹ bản lĩnh để đấu tranh với hội chứng chưa được khoa học lý giải và chưa được cộng đồng cảm thông. Cảm phục trước ý chí của cô, những người thân trong gia đình, những người sống xung quanh, các thầy cô giáo đã từng bước nhận thức về tự kỷ, cảm thông và chia sẻ với người tự kỷ hơn. Họ đã cùng nhau tạo dựng một xã hội thân thiện hơn với người tự kỷ. Bộ truyện tranh cũng lồng ghép nhiều kiến thức về tự kỷ, phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận