23/09/2010 07:32 GMT+7

Sử dụng bền vững nguồn nước Mekong

N.TRIỀU - H.GIANG
N.TRIỀU - H.GIANG

TT - NEW YORK - Tại phiên thảo luận bàn tròn về chủ đề “Thúc đẩy phát triển bền vững” tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ ngày 21-9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nêu ra vấn đề biến động về nguồn nước.

* Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng ở thị trường Việt Nam

Chủ tịch nước chia sẻ với cộng đồng quốc tế về những mối lo ngại liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời khẳng định các nước, các tổ chức quốc tế cần có chiến lược khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước, vấn đề sống còn với an sinh xã hội của người dân và sự ổn định của từng khu vực.

gxywI7JB.jpgPhóng to

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trước phiên khai mạc CGI tại New York ngày 21-9 - Ảnh: TTXVN

Đề cập nguồn nước sông Mekong đang cùng chia sẻ với các nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm phối hợp với các quốc gia trong lưu vực sông để cùng khai thác, sử dụng và quản lý hợp lý nguồn nước này vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch nước nhấn mạnh phát triển bền vững không chỉ là ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng cao, mà còn là bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, trong đó có hiệu quả đầu tư. Trên quy mô toàn cầu, Chủ tịch nước cho rằng để bảo đảm phát triển bền vững, cộng đồng quốc tế cần giải quyết tốt các vấn đề cấp thiết hiện nay là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phục hồi tăng trưởng, biến đổi khí hậu và cải tổ hệ thống tài chính.

11 dự án thủy điện đe dọa sông Mekong

Trong thông cáo phát đi ngày 22-9, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết hiện có 11 đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên hạ lưu sông Mekong, đoạn chảy qua Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Nếu chỉ một trong số những con đập này được xây dựng, nó sẽ phá vỡ sự kết nối hệ sinh thái của sông Mekong và dẫn đến một loạt tác động tiêu cực.

Cũng theo WWF, ngày 24-9 tại Bangkok (Thái Lan), lần đầu tiên các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, châu Âu và châu Á sẽ cùng nhau gặp gỡ tại một hội thảo do WWF cùng các cơ quan phát triển khác đồng tổ chức. Cuộc họp sẽ tập trung bàn về các rủi ro về tài chính, xã hội và môi trường cũng như trách nhiệm đối với phát triển thủy điện trên hạ lưu sông Mekong và tìm giải pháp giảm thiểu những rủi ro này.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp với cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nhân hội nghị Sáng kiến toàn cầu Clinton (CGI) thường niên tại New York. Trong cuộc gặp ngay trước khi hội nghị khai mạc, hai bên đã trao đổi về hoạt động của CGI và quan hệ Việt - Mỹ.

Trao đổi với ông Clinton, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao sự đóng góp của CGI trong nỗ lực chung của LHQ và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hướng tới hoàn thành các mục tiêu MDG. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò của ông Clinton trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng ở thị trường Việt Nam

Giám đốc đối ngoại Hội đồng kinh doanh ASEAN - Mỹ Anthony Nelsen khẳng định điều đó trong cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tổ chức ngày 22-9 tại New York. Ông Nelsen nói kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều thách thức với các doanh nghiệp Mỹ, nhưng 106 công ty hàng đầu Hoa Kỳ là thành viên trong hội đồng của ông, hiện do Coca-Cola làm chủ tịch, đều coi sự thiếu hụt lực lượng lao động tay nghề cao, cơ sở hạ tầng còn cần nhiều cải thiện và hệ thống năng lượng phải phát triển thêm không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội cho các công ty Mỹ ở thị trường lớn thứ hai ASEAN.

Với ông Jerry Cook - phó chủ tịch Tập đoàn Hanesbrands, chính quyền cần cải thiện môi trường đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi, hệ thống hải quan, nhưng ông cũng thừa nhận Việt Nam có nhiều mặt thuận lợi với tư cách là một thị trường đông dân, lao động thường hài lòng với công việc cũng như chính quyền hiện đã thể hiện sự phản ứng nhanh chóng và tích cực với các yêu cầu của nhà đầu tư. “Tôi chờ đợi Việt Nam sẽ là điểm phân phối hàng hóa của chúng tôi ở Đông Nam Á và châu Á” - ông Cook kết luận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nelsen khẳng định giới đầu tư và cả xã hội Mỹ cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. “Tôi rất chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN có mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp tới (24-9). Tôi cho rằng đó là một bước hết sức tích cực để đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới. Chúng tôi coi ASEAN trong tương lai sẽ trở thành thương cảng của cả thế giới, ngã ba đường giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, nên vai trò của ASEAN và của riêng VN, với tư cách một chủ tịch hết sức tích cực của khối, sẽ rất quan trọng. Tôi tin rằng sự thắt chặt quan hệ Mỹ - ASEAN lần này không chỉ là sự thay đổi trong chính sách mà sẽ là cam kết lâu dài của Hoa Kỳ” - ông Nelsen phân tích.

Giám đốc phụ trách châu Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ Murray Hiebert, từng là một nhà báo của tờ Far Eastern Economic Review, nhận xét về mặt vĩ mô, Chính phủ Việt Nam cần xem xét các chính sách quản lý giá, các luật lệ mới về quản lý kinh doanh bán lẻ và cả việc hỗ trợ quá lớn cho các tập đoàn nhà nước gây ra những khó khăn trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ông Hiebert cũng ghi nhận Việt Nam đã tỏ ra cởi mở hơn nhiều với nhà đầu tư.

N.TRIỀU - H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp