01/06/2006 05:07 GMT+7

Stephane và... Cú và chim se sẻ

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - “Bộ phim Cú và chim se sẻ (Hãng phim Chánh Phương) được làm để kịp dự thi Liên hoan phim độc lập Sundance vào tháng 1-2007”.

vowxdQWm.jpgPhóng to
Stephane Gauger “3 trong 1”: đạo diễn, tác giả kịch bản và quay phim

1. Kỳ thật cũng chỉ... 50% Stephane là dòng máu Mỹ với vóc dáng cao lớn, còn 50% Stephane mang dòng máu Việt, nói tiếng Việt ngọt xớt.

“Tôi đã viết kịch bản Cú và chim se sẻ (The owl and the sparrow) mất khoảng một tháng ở bên Mỹ, trước khi trở lại VN, quê mẹ của tôi”, anh Stephane Gauger kể.

Vài năm trước, đến VN lần đầu Stephane nhận công việc phụ trách ánh sáng cho đoàn phim Bông sen vàng, sau đó Ba mùa của Tony Bùi...

Học điện ảnh, từng làm hai phim ngắn bên Mỹ Seabird (22 phút), The Snow Maiden (30 phút), rồi trong nhiều năm đi làm công tác bố quang (đặt ánh sáng) và quay phim cho mọi người, để mãi đến hôm nay - với Cú và chim se sẻ - Stephane Gauger mới chính thức bấm máy một bộ phim dài 90 phút hẳn hoi cho mình.

Ở bên Mỹ, anh cũng lại có những người bạn Việt kiều để... có dịp nói tiếng Việt chen vào tiếng Mỹ. Anh rủ Catly Đỗ vào vai Lan - vai nữ chính của phim. “Tôi từng xem qua những pha quay thử cận cảnh của Catly, nét diễn tự nhiên của cô ấy là điều mà tôi cần nên rủ tham gia” - Stephane giải thích.

Anh cũng rủ Nguyễn Trọng Khoa, một Việt kiều, vào cầm camera. Vai nam chính, Hải, được giao cho diễn viên trẻ Thế Lữ đậm người, với nét mặt dễ nhìn, lọt vào ống ngắm dư luận sau vai chính trong phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

Cớ gì khiến cho Stephane tự tin vào bộ phim Cú và chim se sẻ để đem dự thi ? “Ở nước ngoài người ta hoặc quen nhìn VN như một cuộc chiến, hoặc mang cái nhìn “romantic” như phim Đông Dương, Người tình. Tôi lại muốn nhìn VN như một đất nước đang thay đổi dần bằng những hình ảnh tự nhiên không tô vẽ, bằng những số phận thường dân không vai vế quan trọng”.

JBSHylYH.jpgPhóng to
Catly Đỗ
2. Stephane chọn triết lý thể hiện cuộc sống tự nhiên, như nó vốn có... Phố Phạm Ngũ Lão chạng vạng nắng chiều, đây đó lên đèn. Stephane kể ở đây anh vẫn thường gặp những đứa bé mặc đồng phục học trò đi bán vé số, bông hồng. Có không dưới phân nửa trong số đó thật ra là “học trò giả”, sớm vào đời.

Đằng sau sự khôi hài của việc giả danh, Stephane phát hiện, vậy ra học trò vẫn luôn là hình ảnh đáng thương, đáng mến trong mắt nhiều người Việt, cho nên hễ học trò gặp khó thì người ta động lòng... Stephane đem câu chuyện “đồng phục học trò” vào phim Cú và chim se sẻ, thông qua nhân vật bé Thủy cỡ mười tuổi (Gia Hân thủ diễn).

Triết lý tự nhiên của Stephane còn chi phối cả trong những yếu tố kỹ thuật. Trên phim trường, Stephane chuộng sử dụng ánh sáng tự nhiên của trời đất, của phố xá. Chỉ có một lần, khi quay ở trong quán Nhà Tôi nằm trên đường Lê Quý Đôn, Stephane dùng một ngọn đèn nhỏ “dặm” sáng thêm, đặt kín đáo dưới gầm bàn, hắt lên khuôn mặt diễn viên. “Tôi không muốn phim của mình ra vẻ... xinê quá, tôi muốn thực hiện một phim truyện nhưng mang không khí gần với phim tài liệu”, Stephane nói.

Diễn tiến của Cú và chim se sẻ được khoanh lại là bốn ngày trong cuộc đời Lan. Đó là quãng thời gian mà Lan, một tiếp viên hàng không, tạm nghỉ ngơi tại Sài Gòn trước khi bay trở ra Hà Nội. Bốn ngày, để có những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với một trọc phú hợm hĩnh đến tẻ nhạt, một gã béo phệ suốt ngày chỉ biết tọng thức ăn vào mồm, một ca sĩ “nửa mùa” đến buồn cười. Bốn ngày, để Lan “mơ ước có được một câu chuyện thần thoại”. Trong khi đó, Hải khoanh mình sau bức tường của sở thú để làm công việc nuôi thú, cơ hồ biệt lập với thế giới bên ngoài...

Nhưng, “tôi biết rằng trong tôi tràn đầy khát khao để yêu...” - Hải đã nói thế. Trong một cảnh quay ở phố Tây balô Phạm Ngũ Lão, Hải ngồi tâm sự với Lan. Họ đã đến với nhau bằng sự đổi mới trong xã hội, trong cái nhìn về cuộc đời. Họ khao khát một mái ấm. Trong đó, một đứa bé “bụi đời” như bé Thủy được đón nhận, được vun đắp niềm tin.

3. Phim vừa đóng máy. Phần hậu kỳ (chỉnh màu, chỉnh hình ảnh, hòa âm...) sẽ được làm tại Mỹ khoảng ba tháng. Đó là điểm khác biệt so với khá nhiều phim Việt trong nước, hậu kỳ thường chóng vánh, vội vã. Trong khi đó, điện ảnh thế giới thời hiện đại thì khâu hậu kỳ được đầu tư chỉn chu với thời gian ngang bằng hoặc dài hơn rất nhiều so với lúc bấm máy thu hình bộ phim.

“Tôi sẽ đem Cú và chim se sẻ chiếu tại VN, quê mẹ tôi, đồng thời hi vọng tại Liên hoan phim Sundance tạo được chú ý gì đó trong mắt giới phát hành quốc tế...”, Stephane chào tôi bằng câu nói này trước ngày lên máy bay về Mỹ.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp