Hàng dài người xếp hàng chờ mua xăng tại thủ đô Colombo, Sri Lanka ngày 17-6 - Ảnh: AFP
Quốc gia Nam Á có 22 triệu dân đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất sau khi cạn kiệt nguồn tiền để tài trợ ngay cả những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất, trong đó có nhiên liệu, theo Hãng tin AFP.
Tất cả trường học đóng cửa và chỉ những nhân viên chủ chốt đi làm trong các văn phòng chính phủ vào ngày 20-6. Đây là một phần trong các biện pháp của Chính phủ Sri Lanka nhằm cắt giảm việc đi lại và tiết kiệm xăng dầu.
Bệnh viện và cảng biển chính của Colombo vẫn hoạt động.
Hàng trăm ngàn người vẫn xếp hàng dài nhiều kilômet để mua xăng dầu, dù Bộ Năng lượng đã thông báo họ sẽ không còn nguồn dự trữ nhiên liệu mới trong ít nhất ba ngày tới.
Tháng 4-2022, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ với toàn bộ khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỉ USD, và chuẩn bị thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận giải cứu.
Ngày 20-6, cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với IMF về yêu cầu cứu trợ của Sri Lanka đã bắt đầu tại thủ đô Colombo và sẽ tiếp tục trong 10 ngày.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng sẽ gặp Bộ trưởng Nội vụ Úc Clare O'Neil để "làm sâu sắc hơn hợp tác và hỗ trợ Sri Lanka khi đất nước đang đối mặt với giai đoạn kinh tế rất khó khăn", theo thông báo từ Canberra.
Sri Lanka đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và tình trạng thiếu điện kéo dài. Những vấn đề này đã là một phần nguyên nhân làm bùng phát các đợt biểu tình kéo dài nhiều tháng qua để kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Lệnh đóng cửa trường học và các dịch vụ chính phủ thiết yếu tại Sri Lanka sẽ kéo dài trong hai tuần, theo AFP.
Liên Hiệp Quốc cho biết 4/5 người Sri Lanka đã bắt đầu bỏ bữa vì không đủ tiền ăn. Đồng thời tổ chức này cũng cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc" với hàng triệu người đang cần cứu trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận