Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng thành công từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California (Mỹ) vào ngày 22-2 - Ảnh: REUTERS
Dường như việc công ty SpcaceX phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian không còn gây chú ý như lúc ban đầu nữa bởi giờ nó đã trở thành… chuyện quá bình thường.
Trong lần phóng từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California (Mỹ) này, tên lửa Falcon đưa lên không gian nhiều thiết bị trong đó có thiết bị quan sát địa cầu PAZ Earth của Tây Ban Nha và đặc biệt là hai vệ tinh Microsat–2a và Microsat–2b, được gọi một cách dễ thương là Tintin A và Tintin B.
Đây là 2 vệ tinh đầu tiên của "binh đoàn vệ tinh" gồm đến 12.000 chiếc mà tỉ phú Elon Musk muốn xây dựng để lập ra hệ thống Starlink - hệ thống mạng Internet băng thông rộng đầy tham vọng phủ sóng toàn cầu.
Theo đó từ nay đến năm 2021 sẽ có khoảng 4.000 vệ tinh như vậy được đưa lên không gian ở quĩ đạo địa tĩnh.
Xin chớ lầm tưởng về tham vọng đưa Internet đến vùng sâu vùng xa của ông tỉ phú "hoang tưởng" nhé. Ông chủ của SpaceX và xe điện Tesla chỉ thuần kinh doanh thôi: thị trường 40 triệu thuê bao vào hệ thống Internet Starlink khổng lồ của ông (tính đến năm 2025) đủ sức đem lại cho ông 30 tỉ USD mỗi năm!
Ý tưởng về mạng Internet phổ cập được Musk đưa ra từ năm 2015. Ý tưởng này còn được cho là sẽ hỗ trợ kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của SpaceX, nơi con người sẽ cần phương tiện kết nối thông tin với Trái Đất.
Trong lần phóng tối 22-2 (giờ VN), công ty SpaceX còn thực hiện một ý tưởng táo bạo là thu hồi tấm chắn của tên lửa khi nó rơi xuống đại dương. Vụ thu hồi này lại thất bại nhưng đáng kể là "đón hụt chỉ cách vài mươi mét".
SpaceX có lý do của mình: tấm chắn trị giá đến 6 triệu euro. Nếu thu hồi để dùng lại được thì họ sẽ tiết kiệm chi phí cho những lần phóng của mình, tức khả năng cạnh tranh cao hơn.
Tàu của SpaceX đi vớt tấm chắn tên lửa rơi xuống biển - Ảnh: SPACEX
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận