Bệnh nhân lớn tuổi bị mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Trong 5 tháng đầu năm 2019, ngành y tế Đồng Nai đã phát hiện và xử lý tổng cộng 807/815 ổ dịch, đạt 98,6%. Tính riêng tuần 22 (từ 24 đến 30-5), toàn tỉnh ghi nhận 123 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,8% so với tuần trước (109 ca). Trong đó, TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom là hai địa phương có số ca mắc cao nhất.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, có khá nhiều ca mắc sốt xuất huyết là người lớn đang nằm điều trị.
Bác sĩ Đồng Minh Hùng, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết nhiều bệnh nhân khá chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống, đến lúc bị nặng mới vào bệnh viện cấp cứu.
Cụ thể, 50% số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn (mắc bệnh từ 3-5 ngày mới nhập viện), một số ca bị nặng trong giai đoạn sốc, không bắt mạch, không đo huyết áp được.
"Đầu mùa mưa là thời điểm sốt xuất huyết tăng cao do đó người dân phải thận trọng, không được chủ quan. Khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng, mũi... thì phải đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để làm xét nghiệm. Tránh trường hợp tự mua thuốc về uống, khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện thì việc điều trị phức tạp hơn", bác sĩ Hùng nói.
Ông Bạch Thái Bình - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai - cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao không chỉ ở Đồng Nai mà là tình hình chung của khu vực phía Nam. Theo báo cáo mới nhất của Viện Pasteur (TP.HCM) vào ngày 26-5, toàn khu vực tăng khoảng 157% số ca mắc bệnh sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm 2018.
Về nguyên nhân, ông Bình phân tích bình thường mọi năm đỉnh dịch rơi vào tháng 9, tháng 10 và giảm dần đến tháng 1, tháng 2 năm sau là xuống đáy.
Tuy nhiên, trong năm 2018 đỉnh dịch lại dịch chuyển về cuối năm, rơi vào tháng 11, tháng 12. Do đó tháng 1, tháng 2-2019 dịch sốt xuất huyết tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước dẫn đến cộng dồn số ca 5 tháng đầu năm tăng cao.
"Thực tế tháng 4, tháng 5-2019 đã tương đương với cùng kỳ năm trước. Tháng 5 khả năng là tháng đáy, đến tháng 6 có mưa nhiều, dịch sốt xuất huyết mới có khả năng tăng trở lại", ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, để kéo giảm số ca mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp: tổ chức tuyên truyền đến người dân, mở các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất, điều tra giám sát dịch...
Bên cạnh đó, trung tâm cũng rút kinh nghiệm qua các năm trong cách thức tổ chức, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận