09/09/2015 11:52 GMT+7

Sốt xuất huyết tăng bất thường

TH.DƯƠNG - Đ.VỊNH , - T.LŨY - TH.TÚ
TH.DƯƠNG - Đ.VỊNH , - T.LŨY - TH.TÚ

TT - Mới chỉ là đầu mùa bệnh nhưng số ca mắc tăng vọt so với năm 2014 và nhiều trường hợp 
tử vong.

Bác sĩ khám một bệnh nhi bị sốt xuất huyết tại khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM tối 8-9 - Ảnh: HỮU KHOA

Đó là nhận định của các bác sĩ khi mới vào đầu mùa bệnh nhưng có dấu hiệu tăng cao và nhiều trường hợp tử vong.

Theo các bác sĩ, so với những năm trước đây, số ca mắc sốt xuất huyết chưa phải cao lắm nhưng tăng vọt so với năm 2014.

Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Tăng 3 lần

Tối 7-9, một bé trai 6 tháng tuổi ở H.Trảng Bom (Đồng Nai) mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 sau ba ngày điều trị. Ngày 1-9, bệnh nhi sốt cao, được gia đình đưa đến khám tại một phòng mạch tư, đến sáng 5-9 mới đến khám và nhập viện tại BV Nhi Đồng 2. Trưa cùng ngày, bệnh diễn tiến nặng, không đáp ứng với dịch truyền, bị suy hô hấp rất nhanh. Dù các bác sĩ cố gắng điều trị nhưng không thể cứu được cháu bé.

Mấy năm trở lại đây, số trẻ tử vong do sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 2 rất ít, có năm không có ca bệnh sốt xuất huyết tử vong. Nhưng chỉ trong tháng 8-2015, tại BV này có tới 3 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết tử vong. Cả ba bệnh nhi này đều từ BV Đa khoa tỉnh Bình Dương chuyển lên trong tình trạng rất nặng.

Ngày 8-9, số trẻ sốt xuất huyết nằm điều trị tại khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2 là 85 ca, trong đó có 8 ca nặng phải truyền dịch, 2 ca rất nặng phải thở máy.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2 - cho biết số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu tăng từ cuối tháng 7. Số trẻ đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết cũng tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện đã tăng khoảng 3 lần. Cùng kỳ năm trước, thời điểm này chỉ có 10 - 20 ca nằm điều trị tại khoa mỗi ngày, còn năm nay tăng cao một cách bất thường, dự báo bệnh tiếp tục tăng trong thời gian tới.

ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 - nói từ đầu năm đến nay cả nước có 16 trường hợp sốt xuất huyết tử vong, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại BV Nhi Đồng 1 (4 trường hợp ở tỉnh, 2 trường hợp ở TP.HCM). Những ca tử vong là những ca rất nặng, do người nhà phát hiện trễ.

Bác sĩ Minh Tuấn cũng cho biết ngày 7-9, tại khoa có 102 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị, trong đó có 13 ca nặng, tăng hơn nhiều so với tháng 5 (chỉ có 30-40 trẻ nằm điều trị/ngày). So với cùng kỳ năm 2014, hiện số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng 1 tăng rất cao.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện hằng tuần gia tăng nhanh chóng. Mùa dịch sốt xuất huyết năm 2015 đến sớm hơn chín tuần so với mùa dịch năm 2014. Hiện số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Xét về diễn tiến, số ca bệnh sốt xuất huyết trong bốn tuần qua tăng rất nhanh. Riêng tuần 36, toàn TP đã có 416 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện.

Điều tra dịch tễ ghi nhận các ổ dịch đều xảy ra tại những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi sốt xuất huyết như nhiều vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi, vựa phế liệu, cơ sở tái chế vỏ xe...

Chăm sóc một bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Chăm sóc một bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Khác thường so với các năm

Tại An Giang, các bệnh viện huyện thị, thành phố và hai bệnh viện đa khoa của tỉnh đều có nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nằm điều trị. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát hiện 1.350 ca sốt xuất huyết, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái, có 2 trường hợp tử vong khi chuyển lên điều trị tại TP.HCM. Các huyện có số ca mắc nhiều là TP Long Xuyên, Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, An Phú...

Bác sĩ Phạm Thanh Tâm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang - cho biết diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay ở An Giang khá phức tạp và khác hơn so với mọi năm. Ngay từ mùa nắng nóng, ở huyện Châu Phú đã xảy ra nhiều ca mắc bệnh sau đó tăng dần. UBND huyện phải tập trung chỉ đạo phòng chống dịch quyết liệt, tình hình mới tạm thời lắng dịu.

Còn tại TP Cần Thơ, theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 28%. Ghi nhận tại khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ cho thấy có lúc 60 bệnh nhi/ngày, có ngày 90 bệnh nhi nhập viện. Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt - trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ: “Từ đầu năm 2015 đến nay số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết khoa tiếp nhận tăng 144 ca so với cùng kỳ năm 2014, trong đó nhiều nhất là bệnh nhi ở TP Cần Thơ. Bệnh tăng nhanh ở thời điểm từ tháng 4-2015 đến nay”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho hay ghi nhận cho thấy bệnh sốt xuất huyết tăng ở 5/9 quận huyện là Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền. Số ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết tăng gấp 3,15 lần so với cùng kỳ năm 2014 (60 ổ dịch, cùng kỳ 19 ổ dịch) và tập trung ở ba quận huyện: Ô Môn, Thốt Nốt và Cờ Đỏ. Nếu tính bình quân năm năm thì dịch sốt xuất huyết ở Cần Thơ không tăng, nhưng sau nhiều năm bệnh sốt xuất huyết giảm thấp, năm nay có thể là chu kỳ dịch bệnh.

“Từ đầu năm đến nay TP Cần Thơ phải tổ chức ba đợt diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng, riêng tại các địa phương dịch tăng cao các ban ngành còn tổ chức thêm nhiều đợt phát động diệt lăng quăng nhỏ” - ông Nghĩa nói.

Tiền Giang cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo - giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, so với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở Tiền Giang tăng khoảng 60%. Tuy nhiên, số tăng này không phải do mắc bệnh nhiều mà do năm 2014 số ca sốt xuất huyết ở Tiền Giang thấp. Tính đến thời điểm cuối tháng 8, tổng số ca sốt xuất huyết toàn tỉnh khoảng 800 ca, trong khi đó trung bình hằng năm số ca sốt xuất huyết của tỉnh dao động từ 1.500 - 2.000. Nếu so sánh với số ca mắc bệnh “kỷ lục” của tỉnh vào năm 2007 là 12.000 ca, tử vong 12 ca thì số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hiện nay không cao.

Vào chu kỳ dịch bệnh

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tích lũy từ đầu năm đến ngày 6-9, toàn thành phố ghi nhận 1.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết (đứng thứ 6 trên toàn quốc) nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 237 xã, phường, thị trấn của 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ Phúc Thọ). Hiện tại số mắc ghi nhận cao tại một số quận huyện trọng điểm như Thanh Trì (297 ca), Hoàng Mai (290 ca), Hai Bà Trưng (209 ca), Hà Đông (178 ca), Đống Đa (113 ca), Ba Đình (96 ca), Thanh Xuân (78 ca), Hoài Đức (53 ca).

Đây là những quận huyện có môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển như: có nhiều công trình xây dựng, nhiều khu đất trống bỏ hoang, tập trung lượng học sinh, sinh viên, người thuê trọ nhiều, việc giữ gìn vệ sinh môi trường không đảm bảo...

Cũng theo ông Cảm, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục gia tăng trong tháng 7 với 359 ca (chiếm 28%), tháng 8 có 633 ca (49,4%) và đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Cho tới thời điểm hiện tại, số bệnh nhân tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Dự báo trong bốn tháng cuối năm tình hình bệnh sốt xuất huyết trên toàn thành phố sẽ diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao.

Lý do là theo chu kỳ dịch sốt xuất huyết (từ 4-5 năm), năm nay bước vào chu kỳ dịch. Đó là chưa kể thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển trong khi lại chưa có văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết đặc hiệu...

QUỲNH LIÊN

Dễ nhầm với nhiễm siêu vi, viêm họng...

Theo bác sĩ Minh Tuấn, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dễ nhầm với nhiều bệnh khác như nhiễm siêu vi, viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy, tay chân miệng... Bệnh khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu, từ ngày đầu đến ngày thứ 3 của bệnh. Lúc này, người bệnh chỉ sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ. Bác sĩ Minh Tuấn khuyên khi người bệnh sốt cao (trên 39oC) từ hai ngày trở lên cần đi khám bệnh để được theo dõi, chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Châu Việt thì nói thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết ở nhà nặng mới đưa vào bệnh viện, trước đây rất ít những trường hợp như vậy. Có nhiều trẻ ở Bình Dương, sốt mấy ngày nhưng cha mẹ vẫn để ở nhà. Sau khi thấy trẻ ói mửa, li bì, trụy mạch mới đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì bệnh đã nặng.

Bác sĩ Châu Việt cho rằng việc người nhà theo dõi sát bệnh của trẻ là rất quan trọng vì bệnh có thể chuyển biến bất thường. Các bậc cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu chuyển nặng của bệnh để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Hai, ba ngày đầu khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hạ sốt, trẻ khó chịu, nhức mỏi. Từ ngày thứ ba trở đi trẻ có biểu hiện ói, đau bụng ngày càng nhiều, bắt đầu chảy máu mũi, chảy máu răng, ói máu, tiêu ra máu...

Khi có những dấu hiệu này cần phải đưa trẻ đến bệnh viện tái khám ngay. Khi trẻ có những biểu hiện như tay chân lạnh, tiểu ít, lừ đừ, li bì thì trẻ đã trong tình trạng sốc, điều trị khó khăn.

THÙY DƯƠNG

TH.DƯƠNG - Đ.VỊNH , - T.LŨY - TH.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp