Mẹ bé D. kể D. bị sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không bớt, rồi đến ngày thứ 5 thì D. bị ói ra máu đỏ tươi.
Tại bệnh viện bác sĩ khám thấy da bé D. xanh tái, lừ đừ, đau bụng và tiêu ra phân có màu đen, kết quả xét nghiệm thấy bé bị thiếu máu nhiều, tiểu cầu giảm thấp nên chẩn đoán là D. bị bệnh sốt xuất huyết Dengue thể xuất huyết tiêu hóa nặng.
Sau đó bé được cho truyền máu và các loại dịch truyền cần thiết khác. Sau 24 giờ nhập viện, bé D. khỏe hơn và hết ói ra máu.
Trong bệnh sốt xuất huyết có 2 biến chứng quan trọng nguy hiểm tính mạng nếu không xử trí kịp thời, đó là sốc do thất thoát huyết tương và rối loạn đông máu.
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, thành mạch của người bệnh bị tổn thương và tăng tính thấm, tiểu cầu giảm, các yếu tố đông máu giảm do bị tiêu thụ vào quá trình tăng đông máu, suy chức năng gan, giảm tổng hợp các yếu tố đông máu.
Các quá trình xuất huyết đó xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh khi đang sốt cao hoặc hạ sốt.
Các dạng xuất huyết thường gặp:
- Xuất huyết dưới da: có các dạng chấm, nốt đốm dải xuất huyết lớn hơn là các mảng xuất huyết có thể gặp các “u” hoặc “bọc” xuất huyết dưới da. Đốm xuất huyết rải rác khắp cơ thể, nhiều ở vùng da mỏng.
- Xuất huyết niêm mạc: hay gặp nhất là chảy máu cam, chảy máu nướu răng, xuất huyết dưới kết mạc mắt ít gặp hơn.
- Xuất huyết phủ tạng: phổ biến là xuất huyết tiêu hóa, sau đó là xuất huyết tiết niệu, hô hấp, xuất huyết não, màng não… Bé gái tuổi dậy thì thường gặp xuất huyết tử cung, âm đạo.
Dù mùa tết, ít mưa, ít muỗi nhưng bà con mình vẫn nên luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, vì sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận