Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Minh Thiện, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Đà Nẵng tăng gần 23 lần cùng kỳ năm ngoái
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm tăng gấp 22,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 6 với 1.380 ca, tăng hơn 6 lần so với trung bình 5 năm qua.
Cá biệt như tại quận Liên Chiểu có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân năm 2022 cao gấp 3,5 lần so với trung bình 5 năm qua. Đây là địa phương có nhiều khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân sinh sống với điều kiện sinh hoạt chật hẹp, ẩm thấp.
Theo bác sĩ Phạm Phú Điềm - phó giám đốc Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, ngành y tế địa phương đã triển khai hai giải pháp chính và ưu tiên nhất để phòng chống sốt xuất huyết là dọn vệ sinh tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy) và phun thuốc xử lý.
"Chúng tôi cũng đã ráo riết vừa tuyên truyền, vừa triển khai thực hiện các biện pháp này tại các điểm nóng. Tuy nhiên có điểm chưa thuận lợi là khi triển khai phun thuốc xử lý thì đa số công nhân đi làm, đóng kín cửa" - bác sĩ Điềm cho biết.
Theo CDC Đà Nẵng, vừa qua các địa phương đã đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà trọ.
Cán bộ Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đi phun thuốc diệt muỗi ở khu dân cư - Ảnh: TR.TRUNG
Huế quá tải vì ca mắc tăng nhanh
Theo BS.CKII Nguyễn Xuân Hiền - phó trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm đến nay khoa điều trị cho hơn 109 ca bệnh sốt xuất huyết.
Riêng tháng 6 có hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện và hơn 30 ca bệnh nhập viện từ đầu tháng 7 đến nay. Theo bác sĩ Hiền, số ra sốt xuất huyết tăng nhanh đột biến khiến hơn 100 giường bệnh ở khoa luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là vào thời điểm cuối tuần.
"Có nhiều bệnh nhân vào viện với tình trạng sốt nặng, tụt tiểu cầu… rất nguy hiểm. Vậy nên nếu thấy người nhà mình có biểu hiện sốt lạnh thì người thân cần đưa đến cơ sở y tế để được xác định có phải sốt xuất huyết hay không, không nên tự mua thuốc ở nhà điều trị", bác sĩ Hiền nói.
Cũng theo bác sĩ Hiền, theo dự báo thời tiết nắng nóng, ẩm ở Huế và khu vực miền Trung còn kéo dài trong tháng 7 nên dự đoán các ca bệnh sốt xuất huyết sẽ còn tăng thêm vào đợt này. Vậy nên mọi người cần chủ động phát quang bụi rậm trong nhà, ngủ phải mắc màn để phòng ngừa dịch.
Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi tại khu vực nhà ở công nhân tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - Ảnh: TR. TRUNG
Quảng Nam có 85 điểm dịch, chủ yếu ở đồng bằng
Theo Sở Y tế Quảng Nam, tính đến đầu tháng 7-2022, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.500 ca mắc sốt xuất huyết tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố, số ca mắc dưới 15 tuổi hơn 700 ca. Trong đó có khoảng 100 ca dấu hiệu cảnh báo, chưa có ca tử vong. Toàn tỉnh phát hiện hơn 85 điểm dịch, xuất hiện chủ yếu ở các huyện đồng bằng và ngành y tế đã xử lý 100% các điểm dịch.
Bắt đầu từ tháng 5 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và tăng đột biến vào tháng 6-2022 (gấp bốn lần so với tháng 5).
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần và tăng gần 2,9 lần so với trung bình số ca mắc trong 5 năm gần đây. Tại Bệnh viện đa khoa Minh Thiện (TP Tam Kỳ) trong tháng 6 vừa qua đã tiếp nhận điều trị khoảng 230 ca sốt xuất huyết và hiện số ca nhập viện vẫn tiếp tục tăng.
Bác sĩ Hồ Ngọc Ánh, khoa nội Bệnh viện đa khoa Minh Thiện, cho biết bệnh không có phương pháp điều trị đặc hiệu, hiện nay việc điều trị vẫn là bổ sung nước, điện giải, thuốc hạ sốt và bổ sung một số khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân.
Đối với những trẻ em còn bú mẹ thì mẹ phải tăng cường cho bú sữa nhiều hơn, khi trẻ hết sốt, bố mẹ phải tăng cường chế độ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng sau thời gian bị ốm.
Sở Y tế Quảng Nam cho biết tuyến huyện đã tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Hiện máy phun và hóa chất xử lý ổ dịch tại tỉnh đang còn thiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận