08/10/2018 09:57 GMT+7

Sốt ruột chờ cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Không chọn phương án bài thi tổ hợp như một số tỉnh thành khác, phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 vừa được UBND TP Hà Nội chấp thuận tăng số môn thi gấp đôi so với trước.

Sốt ruột chờ cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội - Ảnh 1.

Thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại Hà Nội năm 2018 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo đó, học sinh sẽ dự thi 4 môn gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn thi thứ 4 trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, GDCD. Dự kiến đến tháng 3-2019 môn thi thứ 4 này mới được công bố.

Hiện các trường THCS, giáo viên và học sinh đang sốt ruột chờ đợi cấu trúc đề thi mới.

Bỏ "phao cứu sinh" đột ngột

Theo phương thức tuyển sinh cũ, Sở GD-ĐT Hà Nội hi vọng "điểm đánh giá quá trình" (phần xét tuyển) sẽ là động lực để học sinh cố gắng trong 4 năm THCS, trong khi nhiều học sinh cũng xem đây là "phao cứu sinh".

Một học sinh có thể có 20 điểm từ đánh giá kết quả nếu đạt 4 năm học sinh giỏi và hạnh kiểm tốt. Điểm thi 2 môn không quá áp lực với những học sinh đã có trong tay 20 điểm. 

Chưa kể từ năm 2018 trở về trước, học sinh được cộng điểm thi nghề phổ thông và điểm khuyến khích do tham gia các hoạt động, cuộc thi có giải thưởng.

Tuy nhiên, phương thức này bộc lộ nhiều hạn chế. Việc đánh giá, ghi học bạ cho học sinh THCS có xu thế phổ biến là nương nhẹ để học sinh có thêm lợi thế khi tuyển sinh vào lớp 10.

Những môn học không thi thường được giáo viên cho điểm cao song song với việc nhiều học sinh lớp 9 chỉ tập trung học ngữ văn, toán phục vụ kỳ thi, mặc dù bậc THCS được xác định là giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng vì áp lực thi cử mà tình trạng học lệch diễn ra phổ biến.

Đây cũng là lý do mà nhiều tỉnh thành đã có các thay đổi về phương thức tuyển sinh… Tuy nhiên theo nhiều giáo viên, phụ huynh thì cách đổi mới của Hà Nội năm nay là đột ngột, dễ gây áp lực.

Đơn cử như TP.HCM đã thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ từ lâu, trong khi Hà Nội chỉ áp dụng thi bắt buộc ngoại ngữ với học sinh dự thi vào trường chuyên, xem đây là môn thi điều kiện thì ngay kỳ thi sắp tới, thí sinh phải dự thi ngoại ngữ.

Các năm trước, môn ngoại ngữ cũng được Sở GD-ĐT Hà Nội đặt lên bàn cân nhắc đưa vào là môn thi thứ 3 nhưng lại chưa thực hiện.

Với phương thức vừa được quyết thì không chỉ thêm môn ngoại ngữ mà học sinh phải học tất cả các môn học để chuẩn bị cho môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3, có nghĩa chỉ trước khi năm học kết thúc gần 2 tháng.

Và với việc thi 4 môn, không còn phần xét kết quả THCS, học sinh thực sự sẽ phải đối diện với một kỳ thi, thay vì chỉ ôn tập 2 môn, sẽ phải ôn tập tất cả các môn.

Phương án mới này được nhiều ý kiến ủng hộ. Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THCS Lý Thái Tổ (Q.Cầu Giấy), cho rằng Hà Nội bây giờ mới đổi mới phương thức thi là muộn vì cách làm cũ bộc lộ hạn chế, thấy rõ nhất là tình trạng học lệch của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cũng cho rằng phương thức vừa quyết phù hợp hơn phương án dự kiến trước đó là thi văn, toán và 1 trong 2 bài thi tổ hợp quá nặng. 

Tuy nhiên cũng có một số hiệu trưởng cho rằng trong lộ trình đổi mới năm 2019 chỉ nên thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, chưa nên thi 4 môn, nhất là khi môn thứ 4 được thông báo quá muộn.

Phương thức mới, chưa có gì tham khảo

Theo một giáo viên THCS ở Q.Đống Đa, hiện tại thầy trò đều chưa biết cấu trúc đề thi theo phương thức mới sẽ như thế nào. Trước đây, khi đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT, phụ huynh, học sinh thường căn cứ vào điểm chuẩn năm trước. 

Nhưng với việc đổi mới này, sẽ khó có căn cứ để dự kiến nguyện vọng phù hợp với sức học. Đây cũng là điều khiến học sinh, phụ huynh lo lắng. 

Thêm nữa, "việc luyện thi ngoài nhà trường có thể sẽ gia tăng khi học sinh hoang mang vì đổi mới. Vì thế, công bố đề thi minh họa sớm là việc rất cần để học sinh yên tâm có kế hoạch tự học" - giáo viên này nói thêm.

Ngoài ra, cũng có các hiệu trưởng, giáo viên lo lắng về tính hợp lý của đề thi, đáp án thi xuất phát từ những băn khoăn từ chính đề thi ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm 2018. 

Tuy cấu trúc đề thi không có gì đột phá nhưng theo nhiều giáo viên THCS và cả THPT, cách hỏi vụn đi vào chi tiết và đặc biệt là hướng dẫn chấm thi cứng nhắc, công thức quá khiến những học sinh có năng lực sáng tạo đều bị rớt điểm, chỉ những học sinh ôn tập máy móc thì duy trì được điểm số ở mức khá.

Đây cũng là một trong những lý do khiến điểm chuẩn thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay hạ 3-4 điểm ở những trường tốp trên.

Đề nghị thi 2 môn trắc nghiệm

Tại cuộc họp của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội với các trường THPT, một số hiệu trưởng cũng đề xuất ngoài 2 môn ngữ văn, toán thi theo hình thức tự luận, 2 môn còn lại nên thi trắc nghiệm để giảm áp lực ôn tập cho học sinh vì "thi trắc nghiệm nhẹ nhàng hơn".

Về tính hợp lý của đề thi, một giáo viên dạy lớp 9 ở Trường THPT Cầu Giấy nhận xét: "Đổi mới thi mà đề thi không có sự kiểm nghiệm từ thực tiễn dạy học và trình độ học sinh sẽ dễ gây xáo trộn. Đây cũng là điều khiến giáo viên các trường đang lo lắng, trông chờ đề thi minh họa công bố để có hướng ôn tập cho học sinh".

Đề xuất đổi cách tuyển sinh lớp 10 công lập Khánh Hòa

TTO - Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đề xuất đổi cách tuyển sinh lớp 10, theo đó tất cả học sinh tốt nghiệp THCS muốn được tuyển vào các trường THPT công lập đều phải thi ba môn văn, toán và ngoại ngữ.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp