20/01/2011 19:40 GMT+7

Sót phôi khi chuyển phôi vào tử cung

BS. VƯƠNG THỊ NGỌC LAN Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM
BS. VƯƠNG THỊ NGỌC LAN Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM

TTO - Tôi làm IVF và hút trứng, chuyển phôi tại bệnh viện A. Chọc hút 6 trứng, có 4 trứng trưởng thành tạo thành 1 phôi. Ngày 4-12 tôi được chuyển phôi, sau khi chuyển xong bác sĩ chỉ lên màn hình cái vệt sáng sáng là phôi đã chuyển vào tử cung tôi.

Đang chuẩn bị chuyển tôi ra ngoài thì cô phụ trách phòng lab la lên: "còn". Lại mang ống đựng phôi qua, bác sĩ lại chuyển tiếp. Tôi hỏi "còn là còn gì vậy, em có một phôi thôi mà sao lại còn?", bác sĩ bảo còn một chút xíu thôi không sao đâu.

Đợt vừa rồi tôi thất bại. Tôi thất bại do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố kém may mắn. Tôi chỉ thắc mắc một điều là không biết cấu tạo phôi như thế nào, xung quanh phôi có chất dịch gì không? Phôi là một khối hay rời rạc mà "còn một chút xíu" là sao? Liệu kỹ thuật chuyển phôi như thế có ảnh hưởng đến phôi dẫn đến thất bại của tôi không. Chân thành mong bác sĩ giải thích để tôi khỏi khúc mắc về sau và có tinh thần làm IVF tiếp tục.

Bạn đọc

- Trả lời của GÓC TƯ VẤN HIẾM MUỘN:

Phôi là một khối tế bào có màng bao quanh gọi là màng trong suốt. Qui trình chuyển phôi vào buồng tử cung của bệnh nhân thường gồm các bước chính:

- Bác sĩ đặt nòng ngoài catheter chuyển phôi vào buồng tử cung dưới hướng dẫn của siêu âm bụng (1 bộ catheter chuyển phôi gồm nòng ngoài dùng để hướng dẫn đường đi cho nòng trong, nòng trong là catheter dùng để hút phôi và đưa phôi vào buồng tử cung thông qua nòng ngoài)

- Chuyên viên phòng labo hút phôi vào nòng trong catheter và mang qua phòng chuyển phôi. Phôi được hút vào catheter thường kèm với khoảng 20microlit môi trường cấy phôi.

- Bác sĩ sẽ đưa nòng trong xuyên qua nòng ngoài vào buồng tử cung, đến gần đáy tử cung là bơm phôi kèm với môi trường rất ít vào buồng tử cung. Điểm sáng mà bác sĩ chỉ cho chị thấy trên màn hình không phải là phôi mà là các bóng khí và môi trường đi kèm với phôi vào buồng tử cung. Điểm sáng đó cho biết vị trí đặt phôi trong buồng tử cung.

- Sau khi bơm phôi, bác sĩ rút cả 2 nòng catheter ra khỏi buồng tử cung, đưa cho chuyên viên labo kiểm tra lại dưới kính hiển vi xem phôi đã được chuyển hết vào buồng tử cung chưa, có còn sót phôi trong catheter hay không. Nếu còn sót phôi trong buồng tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện chuyển phôi lại.

Sót phôi và thực hiện chuyển phôi lần 2 là một vấn đề cũng thường gặp khi chuyển phôi.

Thành công hay thất bại của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm có thể do nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó, kỹ thuật chuyển phôi cũng là một yếu tố, nhưng thông thường, số lượng, chất lượng phôi và chất lượng nội mạc tử cung là quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả có thai.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân...Góc tư vấn hiếm muộn của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

TTO

BS. VƯƠNG THỊ NGỌC LAN Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp