06/04/2023 10:06 GMT+7

Sốt có nên chườm, chườm thế nào?

Hai bệnh nhân cùng bị sốt, vì sao bác sĩ hướng dẫn một bệnh nhân chườm khăn mát, còn bệnh nhân khác chườm khăn ấm để hạ nhiệt? Đề thi học sinh giỏi lớp 8 môn sinh học hỏi như thế, còn ở vị trí thầy thuốc thì tôi thấy rất nhiều người chườm sai.

Chườm cho trẻ đúng theo từng giai đoạn của sốt mới có hiệu quả và an toàn - Ảnh minh họa

Chườm cho trẻ đúng theo từng giai đoạn của sốt mới có hiệu quả và an toàn - Ảnh minh họa

Với câu hỏi này, sẽ có người nói sốt chỉ nên chườm nóng, người khác lại bảo tất cả bệnh nhân sốt đều chườm lạnh. Tôi cũng thử hỏi ba cô giáo dạy sinh, thì hai cô trả lời không biết, còn một cô thì trả lời sốt rét chườm nóng và sốt nóng chườm lạnh.

Mọi người nghĩ đơn giản quá!

Câu trả lời đúng phải là, sốt thì không nên chườm, nếu phải chườm thì tùy từng giai đoạn cơn sốt mà chọn khăn ấm hay khăn mát.

Thời điểm hiện tại, không có khuyến cáo chính thống nào về chườm để hạ sốt, y học hiện đại không khuyến khích chườm.

Tại sao sốt không nên chườm?

Sốt là triệu chứng phổ biến nhất, ai cũng gặp nhiều lần trong đời, nên khi người lớn chúng ta bị sốt thử chườm sẽ thấy ngay vấn đề. 

Hãy tưởng tượng, cơ thể đang rất mệt mỏi, toàn thân đau nhức và nổi gai ốc, sốt cao hầm hập, vậy mà phải đắp những chiếc khăn ướt lên cơ thể, tác dụng hạ nhiệt đâu chưa thấy nhưng cảm giác rùng mình, ớn lạnh từ đầu tới chân thì ai cũng như nhau. Và người lớn chúng ta, thà chịu sốt cao nằm rên hừ hừ, tôi chẳng thấy mấy ai chườm.

Vậy tại sao cứ lôi trẻ ra chườm?

Nhất là trẻ nhỏ, nhiều bà mẹ biết không nên cho con uống bừa bãi thuốc hạ sốt, kháng sinh, nhưng khi con bị sốt là mẹ sôi sùng sục, muốn phải hạ nhiệt ngay, nên ra công ra sức chườm khăn ướt. Thực tế chườm đúng thì nhiệt cũng hạ. Nhưng chườm không đúng sẽ phản tác dụng, khiến trẻ càng khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ.

Chườm thế nào mới đúng?

Để biết cách chườm đúng, mọi người cần phải hiểu các giai đoạn của sốt, điều này rất quan trọng. Sốt được chia thành thời kỳ nhiệt độ cơ thể tăng, thời kỳ nhiệt độ cơ thể ổn định, thời kỳ nhiệt độ cơ thể giảm.

✔ Thời kỳ tăng nhiệt độ cơ thể

Chúng ta đều biết rằng cơ thể có chức năng miễn dịch. Khi những "kẻ thù" ngoại lai như vi khuẩn và vi rút xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ phải xuất đầu lộ diện, hai bên mở ra một trận chiến sinh tử.

Vũ khí hệ miễn dịch sử dụng là nhiệt độ.

Vi rút và vi khuẩn đều không chịu được nhiệt độ cao, chúng sẽ ngừng hoạt động, rồi bị tiêu diệt. 

Vì thế mà hệ thống miễn dịch căn cứ vào thực trạng số lượng và mức độ nguy hiểm của quân địch, báo cáo về sở chỉ huy trên não bộ, trung tâm điều hòa nhiệt độ ngay lập tức cài đặt con số nhiệt độ cần đạt được, sau đó ra lệnh tăng thân nhiệt để đạt tới nhiệt độ đã cài đặt bằng mọi cách. 

Nhưng cần lưu ý là nhiệt độ toàn cơ thể không phải muốn tăng là tăng được ngay. Vì thế mà ban đầu cơ thể ưu tiên tăng nhiệt độ ở khu vực lõi. Những vùng ngoại vi, bao gồm bề mặt da hay những nơi xa xôi như tứ chi, mạch máu phải co lại và mồ hôi giảm tiết để tránh tản nhiệt, cùng với đó là hiện tượng rung cơ để tăng thân nhiệt nên tay chân run rẩy.

Cách nhận biết thời kỳ này = Nhiệt độ tăng liên tục + Các dấu hiệu gai lạnh, ớn lạnh, nổi gai ốc, rét run, tay chân run rẩy, da nhợt nhạt + Dùng thuốc hạ sốt hay chườm nhiệt độ vẫn tăng hoặc chỉ giảm được thời gian ngắn rồi tăng trở lại.

Nếu ở 39 độ này mà chườm bằng khăn ướt hạ xuống 38 độ chẳng hạn, hiện tượng giảm nhiệt vật lý xuống 38 độ khi cơ thể cần tăng nhiệt lên mức cài đặt 40 độ, chúng ta đang làm trái lệnh của trung tâm điều hòa nhiệt, vì thế mà trung tâm này tăng cường chỉ huy vùng ngoại vi dồn nhiệt về trung tâm, nên các dấu hiệu ớn lạnh, run rẩy, nổi gai ốc càng tăng lên.

Vì thế mà thời kỳ này không nên chườm.

Nhưng sốt quá cao, đặc biệt là thời gian kéo dài, có thể gây nhiều phản ứng có hại. Dễ thấy nhất là co giật ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, sốt còn có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng tiêu thụ oxy, rối loạn chuyển hóa chất béo. 

Sốt cũng có thể gây ra một loạt triệu chứng như sụt cân, hưng phấn vỏ não, rối loạn chức năng ức chế, giảm tiết dịch tiêu hóa, giảm hoạt động của các men tiêu hóa, rối loạn chức năng tiêu hóa do protein của đường tiêu hóa bị phá hủy. 

Để phòng tránh thì biện pháp giảm nhiệt tốt nhất vẫn là uống thuốc hạ sốt. Bởi vì thuốc hạ sốt có tác dụng "thỏa hiệp" với trung tâm điều hòa nhiệt. 

Nhiều mẹ cho con uống hạ sốt thấy giảm không đáng kể, hoặc chỉ giảm nhẹ được 30 phút đến 1 tiếng lại tăng trở lại, sẽ cuống và lo lắng. Xin các mẹ hãy bình tĩnh, chỉ cần giảm tốc độ tăng thân nhiệt, hoặc giảm nhiệt được một chút, thì cũng đã có tác dụng rất lớn rồi.

Nếu chườm thì chú ý không chườm lạnh ở giai đoạn này, khăn lạnh sẽ làm tăng co mạch ngoại vi, hệ quả chườm lạnh nhiệt độ càng tăng lên chứ không hạ.

Cách chườm đúng lúc này phải là chườm nóng, dùng khăn ấm lau nhiều lần lên trán, cổ, nách, bẹn, tứ chi nơi có nhiều mạch máu để làm giãn mạch, đổ mồ hôi, từ đó tản nhiệt ra khỏi cơ thể.

✔ Thời kỳ ổn định nhiệt độ cơ thể

Khi nhiệt độ cơ thể tăng ngang mức nhiệt đã cài đặt, ví dụ 40 độ chẳng hạn, thì sẽ không tăng nữa trong một thời gian, lúc này quá trình sinh nhiệt và quá trình tản nhiệt cân bằng nhau. 

Thời kỳ này muốn hạ sốt có thể chườm mát.

Cách làm đúng là nhúng khăn vào nước lạnh, vắt nhẹ rồi đắp lên trán, cổ, nách, bẹn là những nơi nhiều mạch máu. Khi nào nhiệt độ của khăn bằng nhiệt độ cơ thể, hãy ngâm nó vào nước lạnh và chườm lại, cứ chườm như vậy cho đến khi hạ sốt.

✔ Thời kỳ giảm nhiệt độ cơ thể

Trong quá trình hạ nhiệt, một số trẻ em và người lớn có thể muốn tắm, hoàn toàn có thể tắm được và thậm chí mang lại cảm giác rất dễ chịu, cơ thể khỏe khoắn hơn. Đừng lo lắng khi tắm. Chú ý là tắm nước ấm, giữ nhiệt độ phòng khoảng 24 độ, nên tắm nhanh để tránh hạ thân nhiệt quá nhiều.

Tình huống sốt hạ nhưng bệnh thì nặng lên. Trên lâm sàng, các triệu chứng nặng hơn. Người lớn dễ phát hiện hơn, nhưng với trẻ em phải rất cẩn thận, nên tôi đưa ra mấy dấu hiệu sau.

1. Đặc biệt cảnh giác với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

2. Tinh thần kém, bơ phờ, không muốn ăn.

3. Li bì.

4. Khó thở hoặc thở dốc.

5. Da tím tái, vân tím, nhợt nhạt, đổi màu…

6. Ít nước tiểu

Cảnh giác với sốt xuất huyết không triệu chứng điển hìnhCảnh giác với sốt xuất huyết không triệu chứng điển hình

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận 20.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 3 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 2,1 lần.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp