24/12/2014 09:32 GMT+7

​Sống xanh như dân xứ kiwi

QUANG KIỆT
QUANG KIỆT

TT - Khi chuẩn bị lên tàu đi câu cá ở hồ Taupo - một hồ nước ở giữa đảo Bắc của New Zealand, cả nhóm du học sinh Việt Nam chúng tôi đều rất ấn tượng với tấm bảng thật to đặt ngay bến tàu.

Tấm bảng này ghi rõ kích cỡ cá được phép câu, một số loài tính theo chiều dài, một số theo khối lượng, cách đo chiều dài cá xem có đạt cỡ cho phép không, rồi cả số lượng được câu trong ngày dành cho mỗi người. Mỗi loài cá là mỗi quy định về kích cỡ, số lượng được câu khác nhau.

Đi kèm với quy định nói trên là các biện pháp chế tài nhằm xử phạt những hành vi xâm hại nguồn tài nguyên, xâm hại môi trường.

Tất cả quy định này đều được phổ biến đến người dân và thường xuyên cập nhật qua Internet. Chẳng thế mà người dân New Zealand rất thích câu cá, hay giong thuyền ra khơi tận hưởng thú vui này, nhưng hầu như không bao giờ làm tổn hại môi trường.

Không chỉ vậy, ở xứ này nhiều loài còn được bảo vệ nghiêm ngặt, việc đánh bắt, khai thác gần như bị cấm tuyệt đối. Những loài như cá voi, cá heo cứ thế sống an toàn, phát triển đàn lên tới số lượng cả chục ngàn con xung quanh vùng biển New Zealand mà không sợ bị ai bắt.

Đến đây, khách du lịch sẽ thích thú khi tàu chở khách chỉ cần nhác thấy bóng cá heo, cá voi là ngay lập tức tắt máy để trôi đến vừa đủ gần cho khách xem nhằm tránh kinh động đến các đàn cá này.

Còn những loài cá được khai thác thương mại, ngay cả khi người ta may mắn bắt được một con có kích cỡ khổng lồ khác thường thì cũng chỉ chụp ảnh, đo lại kích thước rồi thả đi hoặc báo cho các nhà khoa học đến tìm hiểu, chứ không như xứ mình bắt được cá “khủng” là đem bán, xẻ thịt!

Sống ở xứ kiwi một thời gian, tôi còn được biết Bộ Bảo tồn (DOC) cũng quy định kích cỡ, số lượng đánh bắt trong tự nhiên của cả các loài nhuyễn thể như trai, sò và không phải khu vực nào cũng được bắt.

Vì sao người dân xứ kiwi (cách gọi người New Zealand) có ý thức sống xanh rất đáng quý như vậy? Một cậu bạn kiwi của chúng tôi giải thích: “Nếu hôm nay không kiên quyết bảo vệ các nguồn lợi môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bằng những hành động nhỏ, bằng những quy định cụ thể thì chắc chắn các thế hệ sau sẽ oán trách chúng ta vì đã để lại cho họ một môi trường sống không còn thân thiện, không còn gần gũi thiên nhiên nữa”.

Sống xanh như dân kiwi hình như đâu quá khó để thực hiện?

Bức ngăn xanh - Tác giả: Phạm Xuân Luynh
Bức ngăn xanh - Tác giả: Phạm Xuân Luynh

Bức ngăn xanh: giải nhất ảnh tháng 11

Ban giám khảo cuộc thi Sống xanh vừa quyết định giải nhất cuộc thi ảnh “Sống xanh” tháng 11-2014 thuộc về tác phẩm Bức ngăn xanh của tác giả Phạm Xuân Luynh.

Cuộc thi “Sống xanh” do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Phương Đông (OCB) phối hợp tổ chức từ đầu tháng 10 đến ngày 15-12. Đã có trên 1.000 tác phẩm dự thi thuộc hai thể loại viết và ảnh, xoay quanh những hành động bảo vệ môi trường, những góc xanh trong gia đình, công sở hay nơi công cộng, thông điệp nâng cao ý thức người dân, câu chuyện người thật - việc thật với hành động bảo vệ môi trường...

Dự kiến sau khi chấm giải, lễ tổng kết cuộc thi diễn ra trong tháng 1-2015.

BTC

QUANG KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp