09/10/2020 11:26 GMT+7

Sống với rừng già

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Có một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa rừng già, hiếm hoi lắm người dân mới ra khỏi làng. Ở đó, con người sống tựa vào thiên nhiên như ruột thịt không thể thiếu vắng.

Sống với rừng già - Ảnh 1.

Rừng nguyên sinh còn vẹn nguyên với màu xanh hút mắt - Ảnh: TRẦN MAI

Rừng đã ban tặng sự sống, để các hộ dân tựa vào mà sinh tồn. Rừng là cha, là mẹ, nếu không bảo vệ rừng thì rừng không chở che lấy làng đâu.

Ông Đinh Văn Cư

Nhiều người gọi làng Tranh (thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) là ẩn cốc duy nhất còn sót lại tại Quảng Ngãi.

Hành trình vào rừng xanh

Anh Đinh Văn Dố - cán bộ địa chính xã Sơn Long - lên "dây cót" tinh thần cho chúng tôi trước khi bắt đầu cuộc hành trình vào làng Tranh mà anh khẳng định: "Đến những người hoạt động "chợ di động" rong ruổi bán thực phẩm cho người đồng bào cũng không biết". Chỉ có một điều cán bộ Dố khiến chúng tôi thở phào là "lối dân mở nhỏ nhưng xe máy đi được".

Từ trung tâm xã Sơn Long, chúng tôi bắt đầu theo chân cán bộ Dố, 5km đầu tiên có đường bêtông, bẻ lái vào con đường đất, ngoảnh lại đường bêtông mất hút giữa rừng bạt ngàn.

Khi xe leo lên được con dốc cao nhất, nhìn về xuôi thấy rõ biển trải một vạt dài, anh Dố cũng không biết cao bao nhiêu mét so với mực nước biển. Nhưng đây là điểm đạt một phần tư chặng đường vào làng Tranh. Chúng tôi lao dốc, xe đâm thẳng vào lối mòn bé xíu, ngoằn ngoèo hun hút dưới tán rừng già. Thi thoảng tiếng thú rừng kêu lớn đón tiếp "khách không mời".

Mất khoảng hai giờ chúng tôi ì ạch xuyên rừng già, có lúc đẩy xe qua suối, lúc trả số rồ ga lên con dốc ngược. Có những đoạn đường bằng phẳng xe đi được là động lực duy nhất để không vứt xe ven rừng cuốc bộ. Bất giác cán bộ Dố nói lớn: "Tới cổng làng rồi". Chưa kịp vui mừng thì lại thất vọng, đó chỉ là bờ rào do người dân trong làng dựng lên, mục đích ngăn thú rừng và cả người lạ tấn công cánh rừng già trước mặt. Với những cán bộ địa phương như anh Dố, bờ rào ấy chính là cổng làng.

Chúng tôi tiếp tục hành trình chừng nửa tiếng thì thấy xuất hiện ngôi nhà đầu tiên. Đó là ngôi nhà của ông Đinh Văn Cư (45 tuổi). Đón khách, ông Cư vội vã trải chiếc chiếu lên sạp đặt ngay bên rừng, đoạn trách cứ chúng tôi đi lâu hơn người làng. "Tôi nghe tiếng xe từ hồi nãy mà giờ mới tới là đoán chỉ có cán bộ lên thăm dân thôi, chớ chẳng ai vào làng" - ông Cư nói.

Sống với rừng già - Ảnh 3.

Bà Mái khoe giàn bí ngô cho trái sum sê mà không cần phân thuốc của mình - Ảnh: TRẦN MAI

Cuộc sống tự cấp tự túc

Ngôi nhà ông Cư yên bình bên cánh rừng già, chỉ có tiếng gió, tiếng nước chảy và muông thú gọi nhau. Tiếng của loài người bỗng như trở nên lạc nhịp. Nhìn rừng già, chúng tôi bỗng nhớ lại câu chuyện ông Đinh Văn Dút - chủ tịch UBND xã Long Sơn - kể trước chuyến đi, chừng 10 năm trước khi chính quyền xã cử đoàn cán bộ lên làng Tranh vận động người dân xuống núi, cả làng còn sợ bỏ chạy vào sâu trong rừng. Người làng Tranh không chịu ra khỏi rừng bởi lưu luyến chốn này.

Kể về cuộc sống của người làng, ông Cư bảo nhà nào cũng trồng rau, nuôi gà, nuôi bò, dê tự cung cho mình. Nhà ông Cư ở đầu làng nhưng từ tết giờ ông chưa rời khỏi làng bởi "chẳng biết đi làm gì". Thế rồi, ông dẫn chúng tôi đi xuyên qua cánh rừng, tiếng suối chảy ngày một rõ hơn. Ở đó, đoạn suối được ngăn lại bằng đá, một chiếc tuôcbin đang chạy. Tỏ vẻ tự hào, ông Cư khoe: "Thủy điện của tôi đó, thấy nhỏ vậy chớ đủ điện thắp sáng ban đêm".

Nói nhà ông Cư ở đầu làng nhưng để vào tới giữa làng thì... xa lắm. Cái lối mòn ngoằn ngoèo do dân tự mở có lẽ là nơi thâm u nhất chúng tôi từng đi qua. Mất chừng 30 phút, chúng tôi đến một thung lũng bằng phẳng, một cánh đồng lúa rộng khoảng 1ha chạy dọc con suối róc rách. "Ngày trước chúng tôi vận động dân không ra, nên tổ chức khai hoang, dẫn nước vào cho bà con làm lúa mới có cánh đồng này", anh Dố chia sẻ.

Ở làng Tranh, xe máy là vật dụng cực kỳ cần thiết, đó cũng là nguyên nhân bà con mở lối đi rộng hơn trước. Chiếc xe là con trâu kéo của người làng, nó giảm tải sức người trong công việc. Hôm chúng tôi đến đúng mùa thu hoạch mây nên chốc chốc lại có vài chiếc xe máy chạy ào từ rừng ra, kéo theo phía sau những lọn mây nặng trĩu đến điểm tập kết. Đó là thương phẩm đáng giá bậc nhất của người làng Tranh. 

Vật lộn với bó mây, anh Mang vừa thở vừa nói: "Phụ nữ đi lên suối trên bắt cá với hái rau rồi, đàn ông thì làm mây, ít hôm nữa chúng tôi kéo xuống dưới đường lớn bán". 

Lời anh Mang nói hiện lên trong đầu chúng tôi đoạn đường vừa qua mà toát mồ hôi cho hành trình sợi mây làng Tranh.

Đứng trưa, nhưng thung lũng này lạnh như Đà Lạt, trời phú cho mảnh đất này thời tiết thật lý tưởng để trồng rau. Quanh làng là những rau cải, bí ngô xanh mướt. Bà Đinh Thị Mái (75 tuổi) là người già nhất làng, quanh nhà bà toàn bí ngô và rau. Bà Mái bảo ăn ngán cũng không hết. "Cứ hết đợt tới đợt vãi giống xuống là lên liền" - bà Mái khoe.

Sống với rừng già - Ảnh 4.

Anh Mang và những sợi mây sinh kế của làng - Ảnh: TRẦN MAI

Phên giậu của rừng

Có một vài cuộc di cư diễn ra, những người trẻ đi tìm cuộc sống mới, nhưng được vài năm lần lượt trở về làng. Anh Dố bảo: "Có lẽ bà con quen sống với rừng già rồi". Vì chọn sống ở nơi tận núi cuối rừng, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên người làng Tranh xem rừng như ngôi nhà lớn. Có lẽ vì vậy ngôi làng nằm trong rừng phòng hộ huyện Minh Long vẫn vẹn nguyên như thuở sơ khai. Thứ duy nhất người làng lấy từ rừng là những cây mây và tới mùa lại bắt ong lấy mật.

Không có nhiều nơi trên dải đất hình chữ S này, cả làng ai cũng xem rừng già là báu vật. Cũng có lần người làng bị lâm tặc gạ đổi vài cây gỗ tự nhiên lấy nhu yếu phẩm, nhưng người làng nhất quyết không chịu. Họ lập tức xua đuổi người lạ có tâm xấu. Đến bây giờ, 1.200ha rừng tự nhiên bên cạnh làng vẫn sừng sững, chúng tôi thả chiếc flycam bay vụt lên phía trên làng và choáng ngợp trước màu xanh của rừng. Mà cũng chẳng nhìn đâu xa để hiểu rừng còn, chỉ cần nhìn con suối bên làng chẳng khi nào hết nước, mùa nào cũng hiền hòa chảy, không cuồn cuộn vào mùa mưa rồi trơ đáy như con suối ở các vùng rừng trọc khác.

Ý thức bảo vệ rừng của người làng Tranh đến từ tấm lòng, chẳng cần khẩu hiệu tuyên truyền nào. Ngôi làng chỉ có 9 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu ấy vẫn có tổ bảo vệ rừng, hằng tuần cánh đàn ông lại đùm cơm đi rảo một vòng qua tận bên kia đỉnh núi. Họ không quan tâm đến ranh giới được giao, điều duy nhất được quan tâm là "rừng đã ban tặng sự sống, để các hộ dân tựa vào mà sinh tồn. Rừng là cha, là mẹ, nếu không bảo vệ rừng thì rừng không chở che lấy làng đâu" - ông Cư trải lòng.

Khu rừng nguyên sinh đẹp nhất

Ông Phạm Đình Tuấn, trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng huyện Minh Long, cho biết: "Diện tích rừng nguyên sinh ở thôn Gò Tranh khoảng 1.200ha còn vẹn nguyên và được đánh giá là đẹp nhất vùng, đó là nhờ công rất lớn của bà con. Ban quản lý rừng huyện Minh Long có giao cho xóm Làng Tranh bảo vệ khoảng 230ha thuộc tiểu khu 263, mỗi năm làng được Nhà nước hỗ trợ 400.000 đồng/ha".

Rừng lim máu thịt của già Cao Rừng lim máu thịt của già Cao

TTO - “Cái cây nó cũng như con người. Nếu ai đứt tay, đứt chân, chảy máu thì có đau không?”, già làng hỏi các con mình như lời truyền dạy mai sau phải biết “sống có đạo” với rừng xanh...

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp