Người dân tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tranh thủ bơm phần nước còn sót lại để cứu vườn đậu xanh đang “khát” do khô hạn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiến lược quan trọng nhất đối với ĐBSCL là chủ động thích nghi, hay nói khác là thích nghi có kiểm soát, làm chủ tình huống khi bất lợi xảy ra.
GS.TS Tăng Đức Thắng
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh các đề xuất này, GS.TS Tăng Đức Thắng - nguyên viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện là ủy viên hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu - cho rằng thay vì làm hồ, "chúng tôi đang nghiên cứu những giải pháp thay thế, chẳng hạn các tuyến chuyển nước bằng chính hệ thống kênh kết hợp trạm bơm chuyền trên đồng bằng và các giải pháp công trình, tích hợp với các giải pháp phi công trình khác".
Không nên xây hồ "khủng"
* Nhiều tỉnh ĐBSCL đồng loạt đề xuất làm hồ "khủng" trữ nước chống hạn. Quan điểm của GS ra sao về đề xuất này?
- Việc làm hồ chứa "khủng" đã được Bộ NN&PTNT quan tâm từ nhiều năm nay. Qua phân tích cho thấy vấn đề này còn nhiều khó khăn.
Khi xem xét việc này, tôi thấy có một số vấn đề lớn: một là vùng cần nước ngọt nằm ven biển, rất xa các hồ (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên), khoảng 120 - 150km. Do vậy, nếu chuyển nước sẽ rất khó khăn và tốn kém do khoảng cách xa, địa hình địa vật bị phân cách bằng hệ thống sông kênh chằng chịt và mạng lưới phân phối nước phức tạp.
Thứ hai, hiệu quả tích nước của hồ rất thấp, do đó rất tốn đất và kinh phí hồ sẽ rất lớn (dù thiết kế chìm, nổi hay hỗn hợp). Thứ ba là quỹ đất hiện nay để làm hồ rất khó khăn. Thứ tư, sinh kế cho người dân vùng hồ (hồ phải làm việc từ tháng 11 đến tháng 3, 4 năm sau và thời gian còn lại trong năm cũng khó khai thác).
Còn nếu làm hồ để tích nước rồi sau đó xả ra sông để giảm mặn thì hiệu quả đẩy mặn cũng rất hạn chế, nghĩa là hiệu quả hồ không cao.
* Một số địa phương còn đề xuất xây dựng hồ chứa trên các nhánh sông, hồ chứa nội đồng, hệ thống ao, hồ theo cụm tuyến dân cư như "giếng làng" để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Liệu đề xuất này có hợp lý, thưa ông?
- Tôi nghĩ khác với hồ chứa "khủng", việc xây dựng các hồ phân tán, cục bộ cho từng vùng khan hiếm nước ngọt cho những mục tiêu thiết yếu, ưu tiên nhất là nước sinh hoạt, kể cả sản xuất sinh lợi lớn là một giải pháp tốt, rất chủ động cho dân sinh.
Đặc biệt các vùng xa như Cà Mau, các vùng ven biển xa nguồn nước ngọt, các hồ này sử dụng để chứa nước mưa là rất hợp lý, cần được khuyến khích. Từ đó hạn chế được khai thác nước ngầm gây hậu quả lún sụt và ngập diện rộng. Nhà nước nên có chủ trương mạnh mẽ hỗ trợ giải pháp này.
* Một số chuyên gia cho rằng không nên can thiệp quá mức vào tự nhiên ở ĐBSCL và không nên đầu tư nhiều công trình ngăn mặn các cửa sông, cửa biển vì sẽ ảnh hưởng sinh thái. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi cho rằng việc can thiệp vào tự nhiên để hạn chế mặt bất lợi như lũ lớn, mặn xâm nhập diện rộng xảy ra thường xuyên... và phát huy, tận dụng mặt có lợi để phục vụ phát triển là rất cần thiết. Khi can thiệp vào tự nhiên thường là bài toán đánh đổi "được - mất", nhưng cái được nhiều hơn và phải có tính bền vững.
Với ĐBSCL, việc can thiệp vào tự nhiên là cần thiết và chúng ta đã làm từ lâu. Một ví dụ điển hình về can thiệp lớn ở ĐBSCL là phát triển hệ thống kênh mương dày đặc, đa mục tiêu trên toàn đồng bằng, nhờ đó mà có được việc khai thác nguồn đất, nước hiệu quả cao, thông thương thủy bộ như ngày nay.
Thêm ví dụ nữa là vùng dưới của Vĩnh Long và gần nửa tỉnh Trà Vinh (phần giáp Vĩnh Long) hằng năm chỉ chịu xâm nhập mặn vài tháng và cũng không thường xuyên, do đó mặn ở vùng này là điểm hạn chế đối với sản xuất (theo hệ sinh thái ngọt), do đó giải pháp xây cống để kiểm soát mặn, lấy ngọt từ sông là cần thiết và hợp lý.
Cần nhiều giải pháp tổng hợp
* Trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, các tỉnh ĐBSCL cần làm gì để giảm thiểu thiệt hại?
- Rõ ràng ĐBSCL đang đứng trước nhiều sự tác động bất lợi, đang được định hình lại với nhiều đặc điểm tự nhiên khác hẳn so với trước đây, chẳng hạn lũ lớn giảm nhiều, hạn mặn xảy ra thường xuyên hơn, xói lở bờ biển nghiêm trọng đặt chúng ta ở thế chống đỡ.
Trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, vấn đề thứ nhất ĐBSCL cần ưu tiên là giải quyết hạn mặn ở các vùng ven biển, trong đó cần tiến hành các nhóm giải pháp sau: tiếp tục các giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống, các vùng ven biển thiếu nước ngọt; tiếp tục kiểm soát xâm nhập mặn vào các vùng ngọt; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường sử dụng nước mặn lợ, nước mưa; điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả ĐBSCL và quản lý nước, sản xuất hiệu quả hơn.
Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, thị trường cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Trên thực tế, chúng ta đang đi theo tất cả các hướng trên và đã giải quyết hiệu quả. Vấn đề nữa là cần nhanh chóng xử lý ổn định bờ biển, tránh mất đất. Vấn đề này chúng ta cũng đang thực hiện, nhưng cần quyết liệt hơn.
Trong tương lai xa, ĐBSCL đối mặt nhiều vấn đề hơn. Hạn mặn và xói lở bờ biển sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn hiện nay. Thêm vào đó, vấn đề ngập trên phần lớn đồng bằng nhiều khả năng sẽ là trở ngại lớn nhất. Vì thế tôi nghĩ việc đưa ra các giải pháp và bước đi từ bây giờ là cần thiết, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch tổng thể và quy hoạch phòng chống ngập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận