Đất đá cho điêu khắc được lấy trên đồi, cây cối cho sắp đặt có sẵn ở xung quanh, mỗi nghệ sĩ chỉ cần mang đến ý tưởng cho tác phẩm của mình.
Diễn ra từ ngày 15 đến 25-9, sản phẩm của cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng này hợp thành triển lãm nghệ thuật đương đại Đất Mường trưng bày tại Festival văn hóa truyền thống Mường tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (thành phố Hòa Bình) vào ngày 30-9.
Phóng to |
Nghệ sĩ và người dân Mường cùng nhau dựng tác phẩm - Ảnh bảo tàng cung cấp |
Không phân biệt trường phái, tuổi đời hay tuổi nghề, tự do sáng tạo là tiêu chí duy nhất của trại sáng tác này. Các nghệ sĩ có 10 ngày để “đuổi” theo ý tưởng của mình trong một không gian rừng trúc rộng 1,5ha. Một bên là những nhà sàn, những chiêng, những khung cửi, những nét sinh hoạt đậm chất văn hóa Mường, một bên là nghệ thuật đương đại, mới mẻ và đôi chút khó hiểu.
Tưởng như đó là cuộc đối đầu không bao giờ có hồi kết giữa nước với lửa. Nhưng nhà điêu khắc Đào Châu Hải sau những chiêm nghiệm của mình đã chia sẻ: đó thật sự là cuộc đối thoại giữa văn hóa hiện đại ngày hôm nay với văn hóa bản địa để có thể so sánh và biết cái gì còn tồn tại, phát triển, cái gì đã thuộc về quá khứ.
Sống trong vùng văn hóa và sáng tạo, hỗ trợ quá trình sáng tác của nghệ sĩ không ai khác chính là những người dân bản địa. Theo lời nghệ sĩ Trịnh Tuân, đó cũng là một cách tương tác giữa nghệ sĩ với người dân - những đại diện của văn hóa bản địa để hướng đến sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau.
Những sản phẩm của các kỳ lưu trú sẽ có thời gian trưng bày ở bảo tàng từ sáu tháng đến một năm. Những lớp nghệ sĩ lưu trú sẽ lần lượt đến và thay thế bằng những sản phẩm mới hơn.
Phải bỏ tiền túi, không đủ thì đi vay ngân hàng để duy trì hoạt động của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, nhưng họa sĩ Vũ Đức Hiếu (giám đốc bảo tàng) hứa hẹn từ nay sẽ duy trì trại sáng tác hằng năm theo diện nghệ sĩ lưu trú. Hình thức này không mới trên thế giới nhưng lại là thể nghiệm đầu tiên ở VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận