Phóng to |
Và cả theo nghĩa bóng, vì sau thảm họa “ba trong một” này, người Nhật đang đối diện với không ít vấn đề của đất nước và xã hội... Chúng tôi đặt chân đến Tokyo vào những ngày đầu tháng 4-2011 với ám ảnh không tránh khỏi do cuộc “khủng bố” thông tin về câu chuyện hiểm họa phóng xạ. Thật ra mấy ngày đầu tiên, chúng tôi đã hồn nhiên ngủ ngon trong mộng đẹp, khi thấy người dân Tokyo vẫn sinh hoạt, đi lại, làm việc bình thường như “chưa hề có cuộc tang thương”.
Khi chúng tôi thắc mắc vì sao bắt gặp nhiều người đeo khẩu trang ra phố, có phải để ngừa nhiễm xạ, các bạn Nhật Bản (chắc là đang cười trong bụng) bảo rằng khẩu trang thì làm gì mà phòng với ngừa được phóng xạ. Hóa ra, đó là những người bị dị ứng một loại phấn hoa từ cây tuyết tùng thường xuất hiện rất nhiều vào mùa xuân!
Nhưng đến lúc anh Genta Furukawa của trung tâm du lịch Mainichi hỏi các bạn có biết chuyện gì xảy ra vào nửa khuya hôm qua hay không, thì trời đất ơi, chúng tôi mới “ngộ” ra, gần tháng qua Tokyo và một số nơi khác thường xuyên có rung chuyển mạnh vào ban đêm. Đây cũng là chuyện thường ngày ở Nhật sau mỗi lần động đất lớn: mùa dư chấn kéo dài hàng tháng! Ngay đêm đó, tôi nằm mà cảm thấy hình như giường mình rung chuyển đến mấy lần vào khoảng 0g sáng...
Tokyo thời “tự chế”
Tối 7-4, khi tôi vừa ấn nút chuyển xong một tin ảnh về tòa soạn thì bỗng nhiên... thế giới không còn phẳng nữa. Trên tầng cao nhất của khách sạn KKR Tokyo 15 tầng, mọi thứ đều chao nghiêng: chụp đèn, màn cửa, khung tranh! Không chỉ căn phòng, cả khối nhà vừa lắc lư theo chiều ngang của sóng vỗ, vừa nhồi lên sụp xuống theo chiều thẳng đứng của trọng trường. Tôi chỉ kịp nghĩ đến cuốn sổ hộ chiếu và cái bóp đựng tiền, rồi lao ra hành lang...
Nhân viên khách sạn lúc này đang đi đến các tầng trấn an du khách. Tiếng còi xe cứu hỏa vọng lại từ xa. Truyền hình cập nhật liên tục hình ảnh động đất... Hôm sau đọc báo mới biết đã xảy ra động đất 7,4 độ Richter lúc 23g32 cũng ngay tại vùng đông bắc Nhật Bản và gây dư chấn mạnh ở Tokyo. Trải nghiệm trời cho lần này thật là đáng mặt “anh hùng” so với lần tôi thấy bàn nghiêng, sách đổ tại Manila (Philippines) vào tháng 4-1993.
Chúng tôi sang Nhật lần này theo lời mời của nhật báo Mainichi. Lời mời được gửi đi từ trước tết, nghĩa là từ trước thảm họa 11-3. Trong thâm tâm, các vị chủ nhà vẫn không chắc chúng tôi sẽ có mặt! Bởi trên thực tế, nhiều đối tác và không ít đoàn khách đã hủy hoặc hoãn chuyến đi đến Nhật sau thời điểm định mệnh ấy. Vì vậy khi chúng tôi đến đây, các đồng nghiệp Nhật Bản không giấu sự vui mừng và cảm kích. Chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo và hết sức trọng thị. |
Tokyo mùa này không còn đông vui như trước. Lý ra như mọi năm, lúc này du khách Tây Tàu, da trắng da đen từ khắp nơi đã tràn vào đây du xuân, ngắm hoa, mua sắm, ăn uống... như trẩy hội.
Tại khu Ginza, tựa như khu vực Đồng Khởi của TP.HCM, nhiều nhà hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại đã thôi sáng đèn. Taxi đậu thành dãy rất dài, với những tài xế kiên nhẫn, chịu đựng, chờ đợi từng người khách.
Khu Odaiba, nổi tiếng với tượng Nữ thần Tự do quay lưng ra vịnh Tokyo, ngày cuối tuần buồn thiu. Du thuyền vắng khách và trên bờ biển chỉ lác đác những cặp đôi người bản xứ. Khu vui chơi Disneyland và Disneysea nằm ở Urayasu (thuộc tỉnh Chiba, nằm sát phía bắc Tokyo, nơi có phi trường quốc tế Narita) đã tạm ngưng hoạt động.
Tòa thị chính Tokyo, vốn có tòa tháp đôi vẫn mở cửa tự do cho những ai muốn leo lên ngắm nhìn TP từ trên tầng cao, nay cũng nói không với du khách.
Trên thực tế, Tokyo đang hưởng ứng lời kêu gọi “tự chế” của người đứng đầu TP, nghĩa là tiết giảm trong tiêu dùng, trong sinh hoạt, trong sử dụng năng lượng... Thấy rõ nhất là chuyện tiết kiệm điện. Từ trong công sở đến nơi công cộng và được thực hiện rất tự giác, chủ động.
Khi tham quan Sở Cảnh sát Tokyo, chúng tôi thấy các hành lang đều tắt đèn, lấy ánh sáng tự nhiên từ các cửa sổ, nhiều phòng chỉ mở đèn khi có người vào và tắt ngay khi người ta đi ra. Tại xưởng in của Công ty in ấn Tonichi, đèn chỉ sáng ở các gian có người làm việc. Trong ga tàu điện ngầm, một số thang cuốn ngưng chạy. Trên phố, bảng hiệu, đèn đường, đèn trang trí có chỗ tắt hẳn, có chỗ giảm sáng...
Dĩ nhiên chủ trương “tự chế” cũng mang lại nỗi lo mặt trái, vì một trung tâm kinh tế lớn của đất nước mà hạn chế tiêu dùng thì nguy cơ thiểu phát, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế là điều khó tránh. Vì vậy đã có những tranh luận với những đề nghị ngược lại, hãy tiếp tục hoạt động, tiếp tục làm ăn, đừng lãng phí nhưng phải mua bán, phải đi lại, phải tiêu xài để thúc đẩy kinh tế.
Phóng to |
Người dân Tokyo vẫn uống nước nơi công cộng (ảnh chụp sáng 7-4 tại một góc đường gần sông Kandakawa) - Ảnh: Duyên Trường |
Hoa anh đào nở trong nắng ấm
Mùa hoa anh đào thường bắt đầu vào khoảng hạ tuần tháng 3 hằng năm và chạy lan theo chiều từ nam đến bắc tới giữa tháng 5 cùng với tiết trời ấm dần lên. Khi hoa anh đào nở, mùa xuân tạo nên một cảnh sắc hết sức đẹp mắt hòa trộn với một phong tục dân gian làm rộn ràng lòng người, tục hanami - ngắm hoa.
Công viên Ueno (Tokyo) nổi tiếng nhờ bên trong có một con đường được gọi tên “sakura” dài chưa đến một cây số, lúc này đã nở rộ sắc hoa. Hoa hai bên đường đan lại thành vòm trên cao. Có đoạn hoa vung cành lên trời như gửi lời chào mùa xuân. Có đoạn hoa sà thấp xuống như đám mây trắng ửng hồng chạm vào vai người thì thầm. Người người đi lại hòa cùng hoa chảy thành dòng...
Chạy vòng quanh hoàng cung là sắc hoa in màu trắng và hồng lên hào nước xanh, nằm chen với cỏ xanh lá và hoa cải vàng trên một con đường chừng 5km. Có một vườn cổ thụ sakura tuổi đời trăm năm. Có những cây anh đào mồ côi thả dây hoa như liễu rủ. Lại có cây vun cành cho hoa lồng vào nhau nhìn từ xa như chiếc ly champagne tràn đầy rượu hồng tươi.
Dưới chân tháp truyền hình thủ đô Tokyo, trong ngôi đền Hilano của cố đô Kyoto, hay dọc dòng Okawa của thành phố Osaka, đâu đâu trên những hoa viên, những công viên, những con đường mà chúng tôi đi qua, cứ có hoa là lại thấy người. Có khi đi thành đôi. Số đông ngồi thành nhóm. Cười nói, ăn uống, nấu nướng, đàn hát giữa trời, dưới hoa...
Tại công viên nằm cạnh cổ thành Osaka, chúng tôi gặp một nhóm đồng nghiệp toàn nữ của chị Matsutani, đều là nhân viên tổng đài điện thoại của Công ty thiết kế Live Design, đang cùng thưởng hoa với chút bánh trái và thức ăn đơn giản, dù chỉ trong 30 phút giữa trưa để rồi lại quay về làm việc. Thật hồn nhiên và vô tư với tiếng cười trong vắt giữa nắng...
Về phần mình, chúng tôi biết mình chỉ là một phần nhỏ bé của tinh thần Việt Nam. Trong khi 32 nước và vùng lãnh thổ đã đóng cửa sứ quán hoặc di chuyển cơ quan đại diện, thì Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc, như lời đại sứ Nguyễn Phú Bình “vì không thể rời bỏ 127 triệu người bạn Nhật Bản trong lúc này”.
Ông Kenichiro Otake, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nhật Bản, xúc động kể lại khi ông nhận được nhiều cuộc điện thoại thăm hỏi từ bạn bè Việt Nam, nhiều người đã bảo “nếu cần, ông cứ đưa vợ con sang Việt Nam tị nạn, mọi việc có chúng tôi lo!”.
Nhiều bạn bè cán bộ Đoàn của chúng tôi tham gia con tàu Hòa Bình, con tàu Đông Nam Á đã bật khóc khi không liên lạc được và cả khi vừa nối liên lạc được với các gia đình Nhật Bản mà mình đã từng “home stay”. Không chỉ những ai từng học tập, làm việc tại Nhật, với người Nhật, mà cả những người dân bình thường trong suốt tháng qua cũng sẵn lòng chia sẻ cùng người bạn Nhật Bản.
Mấy anh cảnh sát bảo vệ Tổng lãnh sự quán Nhật tại TP.HCM kể rằng chính chị bán nước ở bên hông tổng lãnh sự quán trên đường Nguyễn Huệ đã xếp hàng đi vào đóng góp đến 4 triệu đồng. Đúng như câu của Thủ tướng Naoto Kan trong thư gửi người dân Việt Nam: “Người bạn lúc hoạn nạn là người bạn chân thành”.
Thảm họa 11-3 giúp chúng ta khám phá một Nhật Bản bản lĩnh, kiên cường đối diện trước nghịch cảnh. Nhưng cũng làm cho bạn bè nhận diện một Việt Nam hiếu hòa, chân thành, trọn vẹn nghĩa tình...
Chúng tôi rời Nhật Bản mà thấy lòng ấm áp biết bao!
Cũng chính vào mùa hoa nở muộn vì rét này, đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những chiếc thùng lạc quyên để giúp đỡ những nạn nhân của trận động đất, sóng thần 11-3. Chúng được đặt khắp nơi trong sảnh khách sạn, nhà hàng, sân ga, siêu thị... Trong ngôi chùa rất nổi tiếng tên Rokuonji (Lộc Uyển tự) hay còn gọi là Kinkakuji (Kim Các tự) tại Kyoto, có một lầu chuông, tại đây người ta vận động đóng góp bằng cách mời mọi người đánh chuông cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số, và cứ mỗi hồi chuông, du khách lại góp 200 yen vào quỹ cứu trợ... Tiếng chuông từ đấy cứ ngân vang mãi theo nắng ấm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận