Phóng to |
Xây bít mặt tiền để trốn bụi ximăng - Ảnh: V.Hùng |
“Ly hương” vì bụi (!?)
Ban ngày, khu vực quanh Công ty ximăng Hải Vân, cửa lớn cửa nhỏ các ngôi nhà đóng chặt. Mọi sinh hoạt của người dân chỉ diễn ra trong ngôi nhà đã đóng kín mít. Mặc dù vậy bụi ximăng vẫn theo khe hở tuồn vào. Gõ cửa nhiều lần, ông tổ trưởng tổ 24 Nguyễn Ngọc Danh mới khẽ hé cửa tiếp chúng tôi.
Ông Danh “xin lỗi” rồi lấy chổi quét lớp bụi ximăng màu xám đang bám dầy trên bàn, ghế lẫn trên kệ tủ, bàn nước, rồi mời khách ngồi. Chìa cả xấp đơn khiếu kiện của hàng trăm hộ dân ký đen cả giấy, gửi từ địa phương lên trung ương lẫn các ngành, ông Danh lắc đầu mệt mỏi: “Họ sản xuất bất chấp sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cư dân ở đây. Chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề từng ngày”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (59 Nguyễn Phước Chu) cho chúng tôi thấy thùng nước váng đầy bụi ximăng, mặc dù các khe cửa đã được bịt kín bằng giấy cactông. Đối diện nhà chị Mỹ, một hộ dân “sáng kiến” bít xốp vào các khe cửa. Nhà 44 Nguyễn Phước Chu thì đành phải xây tường bít cửa trước.
Trầm trọng hơn, bảy hộ khác (nhà ông Sùng, ông Đoán, Thục, Hà...) đã chọn phương án dời nhà đi nơi khác. Anh Trần Văn Chơn chua xót: “Người nào có điều kiện mới chọn cách “ly hương”, chứ phần lớn gia đình nghèo ở đây làm gì có tiền mua nhà đất mà đi. Đành phải phó mặc đến đâu hay đấy. Kêu cứu nhiều năm nay rồi mà chẳng thấy ai đoái hoài gì”.
Ngày đã thế đêm cũng chẳng hơn. Từ 20g tối đến 7g sáng hôm sau là lúc các lò nung ximăng của Công ty Hải Vân tăng tốc sản xuất nhằm tránh tai mắt người dân, khói bụi ùn ùn tỏa xuống cả một khu dân cư rộng lớn xung quanh, không khí oi nồng, nghẹt thở. Ban ngày, xe tải chở clinker, ximăng rời, ximăng bao không được che bạt tung bụi ximăng mù mịt vào nhà dân. Bùn đất, clinker nhão dính bám trên mặt đường, khi trời nắng, mỗi lượt xe chạy qua, lại bốc lên mịt mù.
Chưa hết, bụi từ ống xả của nhà máy (trên cao) còn phát tán theo gió, bay đến tận bãi biển Kim Liên, khiến người dân giờ đây không còn dám tắm biển nữa. Không chỉ người dân bức xúc lên tiếng mà cả doanh nghiệp, trường học cũng gửi đơn kêu cứu (như Công ty Vân Long, Công trường 403, Nhà máy gốm sứ Cosevco, Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Đà Nẵng, Trường mầm non Hoa Hồng, Trường cao đẳng GTVT, Trung tâm Đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ đường sắt...).
Dân còn hít bụi đến bao giờ?
Ông Trương Văn Chi - chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc - lắc đầu: “Dân liên tục gửi đơn kiến nghị, phường làm văn bản gửi lên các cấp, các ngành; các cuộc họp thành phố, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND TP, lúc nào phường cũng kêu. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng”. Gia đình ông chủ tịch phường cũng là một nạn nhân của nạn ô nhiễm này. Ông Lê Trần Nguyên Hân - quyền trưởng Phòng quản lý môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng - phân trần:
“Do kinh phí có hạn nên việc kiểm tra ô nhiễm tại Công ty ximăng Hải Vân không được làm thường xuyên. Vả lại, chưa có thiết bị đo mẫu tại nguồn (trên các ống xả khói bụi của trạm nghiền clinker) nên việc xác định nồng độ ô nhiễm rất khó khăn”. Trước bức xúc của người dân, Sở Tài nguyên - môi trường đã trưng ra kết quả đo nồng độ bụi tại... cổng nhà máy hồi... tháng 9-2005 là: 0,3mg/l và “không vượt quá tiêu chuẩn cho phép” (!).
Người dân ở đây đang từng ngày mong chính quyền thành phố Đà Nẵng kiểm tra và có kết luận rõ ràng về tình trạng ô nhiễm. Nếu ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống người dân thì phải có biện pháp dứt khoát như đã dứt khoát với Công ty ximăng Cosevco 19 (đóng cửa) vì gây ô nhiễm nặng nề. Không thể để môi trường ô nhiễm vần vũ trên cuộc sống của cả ngàn con người ở đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận