PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng, đã so sánh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Bà An nói:
- Hiện nay nhiều dòng sông mà Tuổi Trẻ phản ánh đã trở thành kênh nước thải, theo tôi phải tìm mọi cách để trả lại "tên" cho những dòng sông này.
"Tên" ở đây chính là chức năng của dòng sông phải luôn vận động: có dòng chảy, nước trong xanh, cung cấp nước tưới, phục vụ nước cho sinh hoạt, đưa phù sa về đồng bằng... Và nhìn xa hơn là có các hoạt động trên sông, phát triển du lịch bền vững.
Vì sao nhiều dòng sông ô nhiễm đến cực độ?
* Thưa bà, sau khi xem phóng sự ảnh Lời cảnh báo từ những dòng sông (Tuổi Trẻ ngày 6-7), bà cảm nhận ra sao?
- Tôi thấy nội dung phóng sự đã lột tả được mức độ ô nhiễm đến cực độ cũng như ảnh hưởng từ việc lòng dẫn của dòng sông bị tụt.
Trước hết phải nói nhiều dòng sông ở miền Bắc như sông Đáy, sông Nhuệ, bốn sông nội đô tại Hà Nội (gồm: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu) ô nhiễm đang ở mức báo động.
Tại sao ô nhiễm đến mức như vậy? Theo tôi, trong nhiều năm qua chúng ta quản lý các dòng sông riêng lẻ mà không theo lưu vực.
Quản lý các dòng sông phải tổng thể vì sông là liên tỉnh, liên huyện. Và các công trình, giải pháp xử lý ô nhiễm chưa mang tính đồng bộ.
Thứ đến là lỗi của người dân sống quanh hai bên bờ, bao gồm cả nước thải từ khu dân cư không qua xử lý đổ thẳng ra sông. Trong khi đó làng nghề, cụm công nghiệp, khu công nghiệp cũng thi nhau đổ trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông, hồ.
Rồi nạn cát tặc và khai thác cát sỏi quá mức đã khiến sông Đà, sông Hồng bị xói lở nghiêm trọng, tụt lòng dẫn, ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư, đất bãi bồi, công trình thủy lợi.
* Dù Hà Nội triển khai không ít dự án xử lý nước thải, tăng cường nạo vét khơi thông dòng chảy, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo bà, do đâu?
- Lãnh đạo Hà Nội đã chú trọng môi trường trên những con sông nội đô nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Để trả lại chức năng cho các dòng sông cần phải hóa giải bài toán tổng thể.
Ví dụ sau khi đầu tư đồng bộ về thu gom nước thải thì phải đồng bộ về nhà máy xử lý.
Bên cạnh đó cần kết hợp hóa học, cơ học vì xử lý nước thải vậy còn bùn đáy sông bị ô nhiễm thì phải làm thế nào? Bờ kè ra sao cho phù hợp.
Nhiều năm qua Hà Nội đã xây kè một số đoạn sông, triển khai nhiều dự án xử lý nước thải và lắng nghe ý kiến chuyên gia để đưa ra nhiều phương án.
Có chuyên gia đề xuất bơm nước sông Hồng vào rửa dòng sông và cũng đã có lần Hà Nội thử nghiệm công nghệ của Nhật Bản để xử lý ô nhiễm nhưng thực tế đến nay chưa đáp ứng được mong ước của nhân dân thủ đô đó là các dòng sông trong xanh trở lại.
Tôi nghĩ thông điệp "sông xanh để sống xanh" là mơ ước của mọi người dân. Cách đây 20 năm (năm 2004) tôi là thành viên của HĐND TP Hà Nội, lúc đó TP đã bàn đến việc phải xử lý ô nhiễm ở các dòng sông nội đô.
Và cũng đã mơ ước các dòng sông nội đô trở lại như ngày xưa, có cá bơi và nước trong xanh. Nếu làm được điều này Hà Nội sẽ phát triển hơn nhiều vì hấp dẫn du lịch nhưng đến nay tiếc thay vẫn đang còn là mơ ước.
PGS.TS Bùi Thị An
"Giấc mơ" còn dở dang
* Có ý kiến cho rằng luật chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, hồ vẫn diễn ra nhức nhối.
- Vì sao ô nhiễm trên nhiều dòng sông ngày một trầm trọng, xả thải vẫn tái diễn? Tôi cho rằng có không ít doanh nghiệp chỉ biết đến lợi nhuận, không có trách nhiệm với môi trường. Tại sao các doanh nghiệp cứ phạt xong lại tái diễn? Vì chế tài còn quá nhẹ không tương xứng với lợi nhuận họ thu được.
Ví dụ để xử lý lượng lớn nước, chất thải tốn kém khoảng 3 tỉ đồng nhưng mức phạt chỉ vài trăm triệu đồng thì họ vẫn tái diễn. Có thể sửa nghị định, nâng chế tài phạt bằng tiền để cá nhân, doanh nghiệp không dám tái diễn.
* Thưa bà, nhìn tổng thể, tài nguyên nước có vai trò quan trọng như thế nào, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp?
- Nước là sự sống, mất nước là hết sự sống, đây là vấn đề vô cùng quan trọng. An ninh nguồn nước phải luôn đảm bảo đủ nước để cung cấp cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Vậy để đảm bảo an ninh nguồn nước cần làm gì? Theo tôi, cần tạo ra các nền tảng, yếu tố giữ nước, phát triển rừng cả về diện tích và chất lượng. Các địa phương phải ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom nước thải đô thị, xử lý ô nhiễm các dòng sông.
Quy hoạch tập trung các làng nghề, cụm công nghiệp để ngăn chặn hành vi xả thải trộm. Áp dụng các công nghệ tưới nước hiện đại trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm nước.
Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại hiện trạng các dòng sông một cách chính xác trên cơ sở nền tảng khoa học.
Sau đó tham vấn thêm lấy ý kiến của chuyên gia đầu ngành để có giải pháp đồng bộ xử lý ô nhiễm, nâng cao lòng dẫn của những dòng sông đang bị tụt.
Cần quản lý sông theo lưu vực, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có trách nhiệm bảo vệ sông, hồ. Phải có hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh tạo sức răn đe các hành vi làm "tổn thương" các dòng sông.
Để làm "sống lại" những "dòng sông chết" là rất khó nhưng nếu quyết tâm làm thì "giấc mơ" đang còn dở dang trong suốt 20 năm qua sẽ thành hiện thực.
Điểm xói lở ở cầu Trung Hà diễn biến phức tạp ra sao?
- Ngày 8-1, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản cho biết lòng sông Đà dưới chân cầu Trung Hà bị xói lở, hạ thấp lòng dẫn có diễn biến phức tạp do khai thác cát.
- Cuối tháng 1-2024, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận móng cầu Trung Hà (bắc qua sông Đà, nối Hà Nội - Phú Thọ) bị xói lở, trụ cầu trơ móng.
- Ngày 2-6, một điểm sạt lở mới lại xuất hiện dưới gầm cầu Trung Hà, ở khu đất bãi bồi trồng chuối xã Dân Quyền (huyện Tam Nông, Phú Thọ).
- Ngày 30-6, nhiều diện tích trồng chuối nói trên đã bị cuốn phăng xuống sông Đà.
- Ngày 13-7, nhiều ô tô chở đá hộc để khắc phục sự cố sạt lở sau khi UBND tỉnh Phú Thọ công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Trong khi đối diện xã Dân Quyền, nhiều nhà dân ở xóm Bãi, xã Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng đã bị nứt.
* TS Hoàng Dương Tùng (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Xử lý ô nhiễm ở các dòng sông chưa rốt ráo
Chúng ta chưa giải quyết được rốt ráo tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông nội đô Hà Nội.
Hiện nay những dòng sông này đang phải gồng mình tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý.
Dù Hà Nội đã có nhiều cố gắng để triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải, nạo vét lòng sông... tuy nhiên chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân thủ đô.
Trong khi đó, nhiều đô thị khác trên cả nước thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt vẫn diễn ra rất chậm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó có cơ chế, tài chính và ngay cả do chủ quan của những người thực hiện.
Tôi cho rằng UBND các tỉnh, TP nên kêu gọi, có cơ chế ưu đãi, kết hợp với các nhà đầu tư để xử lý ô nhiễm, làm "sống" lại các dòng sông.
Cần lập lại ban quản lý lưu vực sông, ủy ban môi trường lưu vực sông, tuy nhiên phải có cơ chế, chính sách để những đơn vị này vận hành tốt (bởi trước đây đã thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả).
Để làm được nhiều giải pháp tổng thể đòi hỏi phải quyết tâm, cố gắng không chỉ của các tỉnh thành mà của các ngành vì liên quan đến nhiều chính sách, nguồn lực, cần được tháo gỡ kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận