Các tòa nhà ở Myanmar rất cũ kỹ nhưng lại có giá thuê rất đắt - Ảnh: N.K. |
Theo thống kê của Đại sứ quán VN tại Myanmar, hiện có khoảng 500 người Việt đang làm việc chính thức ở Myanmar, số này bao gồm công nhân viên ở những công ty lớn như Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, FPT, Viettel... cùng một số trường hợp tăng lữ sang đây học về Phật giáo.
“Từ hồi tôi sang đây tới giờ, chưa từng thấy một con chuột nào |
Bà Luận Thùy Dương |
Thị trường sơ khai
Bà Thùy Dương cho biết đây chỉ là số liệu thu thập từ những công ty đầu tư thông qua cơ quan đăng ký của Myanmar, chưa bao gồm các công ty sang đây liên doanh với đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác.
Cộng thêm cả những công nhân sang đây làm việc cho các công ty bản địa, số lượng người Việt đang sống tại Myanmar có thể lên đến cả ngàn, hầu như tập trung ở thành phố Yangon.
Bà Thùy Dương nói: “Người Việt chỉ bắt đầu sang đây làm việc nhiều từ khoảng năm 2013. Trước đó, số lượng người Việt ở Myanmar là cực thấp, theo số liệu của chúng tôi chỉ có vỏn vẹn tám gia đình định cư tại đây. Phần đông người lao động sang đây là hợp pháp, làm việc theo dạng mua gói visa 70 ngày và giới chuyên viên, kỹ sư cũng chiếm đa số”.
Với hai ngành xây dựng và viễn thông, Myanmar được xem như một thị trường đang có nhu cầu rất cao nên chuyện các công ty của VN ồ ạt đổ bộ sang đây là điều dễ hiểu.
Anh Nguyễn Minh Phú - chuyên viên kinh doanh của một công ty thép - nhận định: “Ngành xây dựng bây giờ được xem là ngành “hot” nhất của Myanmar.
Một ví dụ điển hình là tỉ phú Zaw Zaw - người giàu nhất ở Myanmar cũng được xem là ông bầu của bóng đá nước này - vốn kinh doanh trong ngành xây dựng”.
Giá thuê nhà ở Myanmar vì vậy rất cao. Điển hình như công ty của anh Phú dù chỉ thuê một căn hộ 80m2 trong tòa chung cư Pearl Condo (khu vực trung tâm thành phố Yangon) có giá lên đến 1.200 USD/tháng, gần gấp đôi so với ở VN.
Không chỉ có VN mà Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng là những nước đầu tư nhiều vào ngành xây dựng ở Myanmar.
So với ngành xây dựng, ngành viễn thông tại Myanmar lại mang tính sơ khai, là một thị trường hoàn toàn mới và vì vậy thu hút rất nhiều công ty nước ngoài.
Hồi năm 2012, một sim điện thoại ở Myanmar có giá lên đến 4 triệu đồng, đến năm 2014 giảm còn 1 triệu đồng và hiện tại bạn có thể dễ dàng mua được một chiếc sim của nhà mạng Ooeredoo hoặc Telenor với giá tầm 1.500 kyat (khoảng 25.000 đồng), cho thấy sự cải thiện thần tốc của ngành viễn thông tại xứ sở Phật giáo này.
Anh Tạ Văn Tưởng, đại diện VNPT tại Myanmar, cho biết: “Ngành viễn thông ở Myanmar đã đột phá rất nhiều thời gian qua, nhưng vẫn còn hứa hẹn sẽ được cải thiện hơn nữa trong tương lai. Phần lớn dịch vụ Internet ở đây còn sử dụng loại cáp đồng (ADSL), ở một thành phố lớn như Yangon mới chỉ có vài ngàn thuê bao cáp quang, chủ yếu là các công ty lớn.
Đơn cử như công ty tôi hiện chỉ có mình tôi làm đại diện ở đây, nhưng vào năm tới trong trường hợp được cấp phép có thể sẽ sang thêm khoảng vài chục người nữa, bao gồm kỹ sư công nghệ thông tin và nhân viên kinh doanh để thực hiện dự án FTTx (cáp quang)”.
Được biết trước VNPT, Viettel đã được cấp phép vào đầu năm 2016 và liên doanh cùng 11 công ty địa phương để cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar.
Cuộc sống thoải mái
Ấn tượng đầu tiên của hầu hết du khách đến với Myanmar là vẻ yên bình, hiền hòa song hành cùng những ngôi chùa cổ kính của đất nước này.
Nhưng đời sống xã hội ở Myanmar cũng có một số phức tạp. Hồi tháng 11 mới đây, một loạt vụ nổ liên tiếp xảy ra ở các khu vực trung tâm của thành phố Yangon, bao gồm cả ở siêu thị và văn phòng chính quyền.
“Chính quyền thành phố Yangon cho biết không có thiệt hại đáng kể nào xảy ra, cũng không có ai bị thương trong các vụ nổ này. Theo chúng tôi được biết, các vụ đánh bom này chủ yếu là sử dụng các loại bom hóa học tự chế, tính sát thương không cao, xuất phát từ những cuộc xung đột sắc tộc.
Các phe phái đối lập với chính quyền hiện tại chủ yếu chỉ muốn giật dây, đánh động giới truyền thông trong và ngoài nước.
Người lao động nước ngoài ở Myanmar không liên quan đến những vấn đề này và có thể an tâm chuyện an ninh ở đây. Cũng chưa từng có vụ người Việt bị hành hung nào ở Myanmar” - bà Thùy Dương cho biết.
Bên cạnh những cơ hội làm việc, hầu hết người Việt đều cho biết họ cảm thấy rất thoải mái với cuộc sống ở Myanmar.
“Người dân Myanmar cởi mở, gần gũi với hầu hết người nước ngoài, lại đặc biệt thích người VN vì một số quan điểm chính trị.
Hồi diễn ra cuộc đảo chính cuối năm ngoái, chúng tôi cũng hơi lo sợ nhưng rồi thái độ ủng hộ nhiệt tình nhưng hoàn toàn trong hòa bình của người dân đối với bà Aung Suu Kyi đã trấn an tất cả.
Những ngày đó giống như một lễ hội vậy. Khi thấy người nước ngoài như chúng tôi trên đường, họ còn chào mời tham gia, và nếu có lắc đầu thì cũng chẳng sao” - anh Võ Hồng Sơn, một kỹ sư xây dựng, cho biết.
Bỏ qua ấn tượng không tốt ban đầu về những tòa nhà có phần quá cũ kỹ, một số khó khăn về điện nước, hầu như người Việt nào cũng cảm thấy thoải mái với cuộc sống trong lành ở Myanmar.
Chính quyền Myanmar, đặc biệt là thành phố Yangon rất đề cao việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Muốn chặt cây dù ngay trong đất nhà vẫn phải xin phép chính quyền. “Từ hồi tôi sang đây tới giờ, chưa từng thấy một con chuột nào” - bà Thùy Dương nói vui.
“Nói chung, người Việt sang Myanmar làm việc sẽ có rất nhiều thuận lợi. Đầu tiên là những mặt tích cực của đất nước này: giá cả không đắt đỏ, môi trường sống lành mạnh, không khí trong lành, có nhiều cơ hội làm ăn.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa VN và Myanmar đang rất tốt, hai nước từng ký kết hợp tác trên 12 lĩnh vực.
Đặc biệt là ngành du lịch, khối bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - VN đưa ra kế hoạch “4 quốc gia - 1 điểm đến”, hứa hẹn tạo ra thêm nhiều kết nối về du lịch, kinh doanh hơn nữa giữa VN và các quốc gia này” - bà Thùy Dương cho biết.
Bên cạnh những thuận lợi, bà Thùy Dương cho rằng khó khăn với người Việt có chăng chỉ đến từ việc chính phủ mới của Myanmar đang trong quá trình xây dựng lại cơ cấu điều hành, luật pháp cũng đang trong giai đoạn sửa đổi.
“Dù vậy, chính phủ mới đang bắt đầu thay đổi một số luật lệ đầu tư theo hướng hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ rất có lợi cho người Việt sang đây sinh sống và làm việc” - bà Thùy Dương nói thêm.
Xả rác sẽ bị phạt nặng Chính quyền thành phố Yangon quản lý rất chặt chẽ việc xử lý rác thải và xả rác sẽ bị phạt nặng. Phụ trách nhiệm vụ này là Sở Kiểm soát ô nhiễm và vệ sinh (PCCD) của Tòa thị chính Yangon. Với những cá nhân xả rác, mức phạt nhẹ nhất khoảng 10.000 kyat (170.000 đồng). Nhân viên một công ty xây dựng của VN cho biết công ty anh từng phải nhận án phạt lên đến 30.000 USD vì xe tải làm vương vãi đất, cát nhiều lần. |
Kỳ 1:
Kỳ 2:
Kỳ 3:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận