Tốt - xấu - giả - thật (*) - vở diễn mới chuẩn bị mùa sân khấu tết của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP.HCM dẫn dắt khán giả đi thẳng vào vấn đề cốt lõi của đời sống hôm nay: Cái giả nhiều quá! Cái xấu nhiều quá! Làm sao để có cái thật? Làm sao để có cái tốt?
Phóng to |
NSƯT Việt Anh và Cát Tường trong vở Tốt - xấu - giả - thật -Ảnh: H.O. |
Chuyện vào đêm giao thừa. Có người con gái mơ giấc mơ tiền bạc giàu sang (Cát Tường) dàn cảnh trên webcam với anh chàng Việt kiều "ngây ngô" rằng mình có ông bố bị bệnh tim để kiếm chác ít tiền. Nào ngờ anh chàng Việt kiều xa xứ "ngây ngô" ấy (Công Ninh) lại là tay đại bịp.
Cũng đêm giao thừa ấy, có tay trộm cộm cán không già không trẻ không cao không thấp (Việt Anh) mò vào nhà một bà già mù (Mỹ Uyên) để lấy trộm đồ cúng trên bàn thờ của chồng bà, ai dè lại bị chính bà già mù ấy bằng lòng tốt và lương tri, bằng ánh sáng nhân văn từ trong trái tim cảm hóa được, trong khi bác tổ trưởng dân phố quần là áo lượt (Nguyễn Sanh) vốn nổi tiếng bắt trộm trừ gian trong khu phố cũng không phát hiện.
Xuyên suốt câu chuyện, trong khát vọng "cồn cào" đi tìm cái thật, cái tốt cho cuộc đời, một nhà khoa học tóc lúc nào cũng dựng ngược (Thanh Hoàng) cố nghiên cứu làm các loại thuốc có thể biến đổi và tái tạo lại nhân phẩm cho con người, cuối cùng nhận ra chỉ có chính sự thật và lòng tốt có trong mỗi người mới làm cuộc đời này trở nên tốt hơn, thật hơn, con người sống với nhau tử tế hơn.
Cũng đêm giao thừa ấy, có bọn trẻ bụi đời dạy nhau học cách khóc giả để trấn lột kiếm tiền. Toàn chuyện xấu, chuyện giả chuyện lừa mà nước mắt thật cứ ứa ra cùng với tiếng cười giữa những hàng ghế khán giả trong cảm xúc bi hài đan xen. Bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng mang tính giả định và ẩn dụ, một thông điệp sâu sắc và đầy tính nhân văn đã được tác giả Thu Phương, đạo diễn Trần Minh Ngọc, họa sĩ Kim B và các diễn viên gửi tới người xem một cách rất thông minh, hóm hỉnh nhưng cũng thật giản dị và mộc mạc.
Cuộc đời sẽ còn lại những gì nếu như chỉ có cái xấu và cái giả ngự trị? Phố phường bụi bặm và kẹt xe. Mặt đường nhan nhản "hố tử thần" và đinh rải. Thức ăn thì lo mua phải đồ thiu thối tái chế. Ra khỏi nhà là nơm nớp lo bị cướp giật. Về tới nhà là sợ bùng nổ những ức chế và bạo hành.
Làm quần quật tới khi cầm đồng lương trên tay chẳng biết sẽ mua được những gì. Bao nhiêu là chuyện. Nhưng rồi ai cũng phải sống, phải cố gượng lên, cố vươn lên, cố vượt lên để mà sống. Vậy ta hãy cố gắng sống thật hơn, sống tốt hơn với mình, với người và với đời. Có thể chỉ là một chút thôi cũng được. Nhưng với mỗi một chút ấy, từng ngày, từng giờ, cuộc sống sẽ đổi thay.
(*) Vở công diễn các ngày cuối tuần tại sân khấu 5B (TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận