13/09/2016 11:14 GMT+7

Sống sót sau thảm sát - Kỳ 3: Bôn và Bông - hai chị em thất lạc

TĂNG QUỲNH - 
TẤN VŨ
TĂNG QUỲNH - 
TẤN VŨ

TTO - Mẹ và hai anh chị chết trong cuộc thảm sát, hai chị em bị thương. Đứa em gái được đưa xuống tàu quân y Đức (ở Đà Nẵng) chữa trị rồi đi biệt tích 23 năm.

Bà Nguyễn Thị Bôn kể chuyện về hai chị em mình - Ảnh: TẤN VŨ
Bà Nguyễn Thị Bôn kể chuyện về hai chị em mình - Ảnh: TẤN VŨ

Sau đó, họ gặp nhau đúng một lần để rồi vĩnh viễn mất nhau. Bà Nguyễn Thị Bôn (54 tuổi, thôn Hà My, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) kể rằng cuộc đời chị em bà là chuỗi ngày dài trong nước mắt.

Bi kịch dưới rặng thông già

Căn nhà nhỏ, chật chội với mái tôn thấp tè nằm trước Trung tâm Y tế xã Điện Dương nóng hầm hập trong nắng trưa. Bà Bôn lui cui nấu bữa trưa cho đứa con gái kịp đến trường. Trong căn phòng khách trống trơn chỉ có mỗi chiếc bàn thờ để di ảnh cha và người em gái tên Nguyễn Thị Bông. Bên phải bức tường là những tấm ảnh màu chụp người em gái cùng chồng là một người Mỹ. Bà Bôn kể rằng em gái của bà cùng bà là hai trong chín người thoát chết ở cuộc thảm sát của lính Đại Hàn tại Hà My cách đây 48 năm làm 135 người thiệt mạng.

Bà Bôn kể đó là một buổi sáng trong ngôi làng bình yên dưới những rặng thông già trên cát. Khi mọi người chuẩn bị bữa cơm sáng trước khi ra đồng thì một toán lính Đại Hàn ập đến... Họ bắt người dân sắp hàng trước đám ruộng vừa cày để rồi sau đó những loạt đạn bất ngờ bắn thẳng vào thường dân. Người già, trẻ em, phụ nữ không một tấc sắt trong tay lăn ra chết tức tưởi. Mẹ của bà chết, gục đổ thân mình chèn lên đứa em gái. Bà Bôn thì chi chít vết thương. “Con Bông vừa khóc thành tiếng thì một loạt đạn quật vào nơi mẹ tôi nằm chết khiến con bé bị thương vỡ toàn bộ quai hàm dưới” - bà Bôn nhớ lại.

Sau khi lính Đại Hàn rút đi, một toán lính Mỹ đi tuần và phát hiện những người sống sót. Họ đưa Bông về Đà Nẵng, xuống chiếc tàu quân y của Đức để chữa trị. “Họ bảo ông già ký giấy đồng ý cho em gái tôi sang Đức để phẫu thuật. Tôi và cha có ra tàu quân y thăm em nhưng gặp nhau cũng không nói được gì vì con Bông bị thương và miệng băng kín. Sau đó thì không còn gặp nhau nữa” - bà Bôn kể.

Năm 1972 gia đình bà Bôn mất liên lạc hoàn toàn với người em gái. Sau ngày thống nhất, bà Bôn và cha mình vẫn nghĩ rằng em gái sau khi được Đức phẫu thuật đã trả về ở đâu đó tại Việt Nam nên họ đã lang thang từ làng này qua xóm nọ để tìm con.

Di ảnh bà Nguyễn Thị Bông cùng chồng ở Mỹ - Ảnh: Tư liệu gia đình
Di ảnh bà Nguyễn Thị Bông cùng chồng ở Mỹ - Ảnh: Tư liệu gia đình

Nỗi đau hai lần

Bà Bôn kể sau ngày đất nước thống nhất một thời gian thì cha bà mất, cuộc đời bà cũng trôi dạt trong cực khổ trăm bề: “Tôi hết đi làm thuê thì đi ở mướn. Học hành không được bao nhiêu chữ vì cơm còn thiếu ăn, mơ gì chữ nghĩa. Cứ vậy lớn lên trên quê nghèo đến ngày có chồng, sinh con”.

Sau khi bà Bông lên tàu Đức, bà được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi, thời gian sau bà qua Mỹ định cư. Di sản của bà Bông mang theo là mấy tấm ảnh người cha và tấm hình của mình lúc còn bé. Sau hàng chục lần phẫu thuật khuôn mặt, di chứng nặng nề để lại cho bà Bông khiến bà không thể sinh con. Tuy nhiên bà vẫn lập gia đình và sống ở Oakland (California, Mỹ). Ở California, bà Bông vẫn đau đáu ngóng về quê hương, bà hay nhắn gửi hoàn cảnh của mình về Quảng Nam để hi vọng tìm được gia đình.

Ông Nguyễn Cọi, 72 tuổi, là một cựu binh đã có mặt tại hiện trường vụ thảm sát ở Hà My, sau khi nghe một Việt kiều kể chuyện một người phụ nữ ở Mỹ bị thương ở miệng đang tìm người thân, ông nhận ra ngay đó là bà Bông và báo cho bà Bôn. Bà Bôn tức tốc tìm người anh mình ở Đà Nẵng để liên lạc với đứa em gái. “Năm 1995, Bông thình lình trở về. Nó về đến Đà Nẵng rồi mới nhờ người gọi cho tôi. Chị em gặp nhau nghẹn ngào trong nước mắt. Tôi ôm nó vào lòng rồi chị em chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Nó nói toàn tiếng Mỹ nên mình có biết gì đâu! Bao nhiêu tâm tình muốn hỏi han, muốn nói nhiều thứ nhưng không hiểu ngôn ngữ của nhau nên tôi đành bất lực”.

Rồi bà Bông về ở nhà chị Bôn của mình đúng 10 ngày trước khi về Mỹ. Những ngày đó bà Bôn vui như hội, hàng xóm, láng giềng, những người thân của các gia đình bị thảm sát đều chạy đến thăm hỏi. “Hai chị em quấn quýt nhau không rời nửa bước. Muốn nói với nó thiệt nhiều nhưng không có thông dịch thì chịu. Nhìn di ảnh cha, hai chị em chỉ biết trào nước mắt. Sau đó nó đi lại, rồi những ngày tết, ngày giỗ cha mẹ có khi nó gửi về một vài trăm USD cho tôi. Có lúc là những bộ áo quần” - bà Bôn kể.

Những lá thư bà Bông gửi về cho chị từ Mỹ đều phải qua địa chỉ email thầy Phạm Phú Dũng dạy tiếng Anh ở Hội An để thầy dịch sang tiếng Việt, in ra giấy mang đến nhà cho bà Bôn. Có thư bà Bông bảo sẽ học tiếng Việt để sau này về quê còn nói chuyện được với chị và các cháu. Rồi bất chợt một ngày cuối năm 2013, thầy Dũng nhận được lá thư rất buồn từ người mẹ nuôi của bà Bông ở Mỹ báo tin: Bông đã qua đời! Bà Bôn vừa gạt nước mắt vừa nói: “Thà nó chết lúc nhỏ cùng mẹ thì mọi thứ dễ dàng hơn. Nỗi đau đớn cũng chỉ một lần lúc đó rồi lắng lại chứ không phải kéo dài đến hai lần như thế này”.

Bà Bôn nói một người đàn ông Hàn Quốc đã khóc khi nghe câu chuyện của hai chị em bà, ông hứa sẽ sang California tìm hiểu rõ hơn về cái chết của bà Bông để cho bà Bôn được an ủi phần nào. Thế nhưng từ đó đến nay đã hơn hai năm, bà Bôn vẫn chưa có hồi âm.

“Người lạc quan nhất”

Bà Nguyễn Thị Bông có tên Mỹ là Bong Thi MacDoran, sinh ngày 10-12-1966, mất ngày 6-12-2013, hưởng dương 47 tuổi.

Trong ký ức của những người ở lại, bà Bông là người phụ nữ với đôi mắt sáng, luôn mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh và sẵn lòng chăm sóc cho những người mình yêu quý. Dù đi đến nơi nào và gặp gỡ ai, bà và câu chuyện cuộc đời bà luôn khiến nhiều người phải xúc động. Bà từng bị thương nặng và được đưa sang Mỹ chữa trị, sau đó được một gia đình người Mỹ nhận nuôi và sống tại đây. Năm 1987, bà tốt nghiệp ngành sinh học tại Đại học California, Berkeley. Tuy nhiên, bà Bông lại phát triển sự nghiệp trong ngành ngân hàng và đạt được nhiều thành công ở các lĩnh vực khác nhau. Bà từng giữ chức phó giám đốc Ngân hàng Bank of America, đồng thời mở công ty tư vấn tài chính và cùng chồng mình, ông Alvin, thành lập công ty chuyên cung cấp các tour du lịch sinh thái.

Natasha Beery, một giáo viên từng dạy môn ngôn ngữ cho bà ở California, viết: “Mỗi câu hỏi của Bong đều thể hiện trí tuệ, sự tò mò và hài hước tuyệt đối”. Bob Podwalny, một đồng nghiệp cũ của bà, viết: “Bong là một trong những người lạc quan nhất mà tôi từng biết, dù rằng cô ấy đã trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật”.

B.M.
(theo http://oakland.chapelofthechimes.com/obituaries/Bong-Macdoran/#!/Obituary)

_______________

Kỳ tới: Người “nghệ sĩ mù”

 

 

 

TĂNG QUỲNH - 
TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp