Ông Chum May - một trong những tù nhân S21 còn sống sót - trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ ở Phnom Penh - Ảnh: Chanh Tuy |
Trong số hàng vạn người bị bắt vào đây chỉ có vài người sống sót khi quân tình nguyện Việt Nam vào giải phóng.
Địa ngục S21
Ngày 7-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia đã tiến vào thủ đô Phnom Penh, giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary.
Đến thời điểm đó đã có hàng triệu người Campuchia bị sát hại bằng các hình thức dã man nhất, phần lớn trong số những nạn nhân bị giết là ở các hệ thống nhà tù của Pol Pot.
Trong đó nhà tù S21 được xem là nơi giam cầm, tra tấn và giết chóc khủng khiếp nhất. Ngày nay, nơi này được người Campuchia và thế giới biết đến như một “bảo tàng diệt chủng”.
Năm 1975, “Trung tâm an ninh” S21 được chính quyền Campuchia dân chủ (Khmer Đỏ) thành lập - địa điểm là một ngôi trường nằm giữa thủ đô Phnom Penh, nơi bí mật để điều hành một hệ thống trên 200 nhà tù khắp đất nước.
Sau 3 năm 8 tháng 20 ngày tồn tại, đã có 12.000-20.000 người được cho là bị bắt vào đây và không trở ra. Chỉ có 12 người sống sót đến ngày quân Việt Nam vào Phnom Penh.
Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (nhà tù S21) như một khoảng lặng giữa lòng thủ đô Phnom Penh |
Tại S21, Angkar (một thế lực với quyền uy tối thượng điều hành trên khắp đất nước Campuchia lúc đó) được các cai ngục tàn bạo ở đây nhân danh để buộc những người bị bắt khai nhận mình là “gián điệp” của Mỹ, Việt Nam hay của Nga…
Hầu hết những người bị bắt vào đây vì không chịu được tra tấn, họ đã bịa ra những cái tên để thừa nhận mình có tội, mình là "gián điệp", rằng Angkar luôn đúng. Để rồi sau đó những gì chờ đợi họ vẫn chỉ là cái chết.
Trước ngày quân Việt Nam vào giải phóng Phnom Penh, chưa có ai được cho là đã vào S21 rồi mà còn có thể trở ra.
Phải 2 ngày sau khi Phnom Penh được giải phóng, những người lính Việt Nam và Campuchia mới phát hiện địa điểm bí mật này. Một mùi hôi khủng khiếp từ xác chết và phân người bốc lên từ đây.
Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (nhà tù S21) như một khoảng lặng giữa lòng thủ đô Phnom Penh |
Những người sống sót may mắn
Khi quân tình nguyện Việt Nam vào Phnom Penh, những tên đồ tể ở nhà tù S21 được lệnh giết sạch tù nhân. Lần lượt từng người bị đem ra đập đầu, cắt cổ. Những tên cai ngục không xử bắn vì sợ tiếng súng sẽ làm quân Việt Nam phát hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn 4 tù nhân mà quân Khmer Đỏ chưa kịp ra tay trước khi bỏ chạy khỏi nhà tù này. Trong số những người sống sót kỳ diệu, đến nay chỉ có hai người còn sống.
Khi biết chúng tôi là nhà báo từ Việt Nam sang, ông Chum May - một trong những người sống sót nổi tiếng nhất Campuchia - đã vui vẻ dành một cái hẹn riêng. Từ nhiều năm qua, cái tên Chum May được nhắc đến trong nhiều sự kiện nóng ở Campuchia.
Ông xuất hiện trên truyền hình, ở tòa án hay trước các cuộc biểu tình của người dân Campuchia khi lãnh đạo đảng đối lập ở nước này phát biểu phủ nhận vai trò của Khmer Đỏ trong việc dựng lên nhà tù Toul Sleng (nhà tù S21).
Chum May cũng thường có mặt tại nhà tù Toul Sleng để nói cho du khách những gì từng diễn ra ở nơi gọi là “địa ngục trần gian” này. Ông nói những gì ông làm là mong muốn lịch sử không bao giờ lặp lại câu chuyện đau lòng mà người dân Campuchia từng trải qua.
Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (nhà tù S21) như một khoảng lặng giữa lòng thủ đô Phnom Penh |
Chum May nhớ lại ngày mà ông bị bắt (lúc ông đang làm nghề sửa xe cơ giới và sửa máy may trong một xưởng may tập trung ở chợ Ô Sây), quân Pol Pot nói rằng chuyển công tác ông đi làm việc ở một nơi khác. Nhưng không ngờ ông bị chuyển vào nhà tù S21, bị tống vào phòng 022.
Khi đến nhà tù này, chúng buộc tội ông là tình báo của Mỹ và bắt đầu lấy lời khai. Những tên cai ngục bắt đầu tra tấn, buộc ông phải khai nhóm của ông có bao nhiêu người?
“Tôi trả lời không biết là chúng cho điện giật, nhổ móng tay, không cho cơm ăn...” - Chum May kể. Những bạn tù của ông cũng bị chúng tra tấn như vậy.
“Chúng giết và chôn tù nhân trước mặt tôi, tra tấn tinh thần để tôi khai ra nhóm của mình. Nhưng tôi đâu phải tình báo Mỹ đâu, làm sao khai được. Tôi nghĩ rằng cái chết sẽ đến với tôi trong nhà tù này” - ông nhớ lại.
Thế rồi ông vẫn sống được tới ngày quân Việt Nam tiến vào Phnom Penh - ngày định mệnh mà theo ông: "Đến chết tôi cũng không thể quên".
“Sáng 7-1-1979, khi đang ở trong nhà tù, tôi nghe tiếng xe tăng chạy phía ngoài. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó các tù nhân chúng tôi còn sống trong nhà tù này là 18 người. Tất cả bị lính cai ngục dồn vào một căn phòng.
Khi canh giữ chúng tôi, những tên lính đã chuẩn bị lựu đạn trên tay, nói nếu quân Việt Nam vào sẽ tung lựu đạn để giết chết tất cả. Nhưng cuối cùng quân tình nguyện Việt Nam không vào, mà chỉ đi ngang qua.
Sau đó chúng lần lượt lôi 14 trong số 18 người chúng tôi ra cắt cổ từng người. Chúng không dám bắn vì sợ quân tình nguyện Việt Nam nghe thấy. Khi chỉ còn 4 người chưa kịp giết, bọn lính muốn chạy khỏi Phnom Penh nên đưa chúng tôi theo" - ông kể.
Du khách tham quan di tích nhà tù S21 |
Trên đường tháo chạy mà mang theo những tù nhân thì vướng tay vướng chân, thay gì thả họ ra, những tên cai ngục bàn với nhau sẽ giết hết. Tình cờ nghe được bọn chúng nói chuyện với nhau, lựa lúc đêm tối, Chum May và các tù nhân tìm cách bỏ trốn.
Trong số những người sống sót, ngoài những tù nhân kể trên còn có 5 trẻ em bị bỏ lại trong nhà tù khi những tên cai ngục tháo chạy khỏi S21.
Trong số đó lớn tuổi nhất là Non Chan Phal. Lúc bị bắt cùng mẹ vào đây, Chan Phal mới 8 tuổi. Những đứa trẻ đã tận mắt chứng kiến cha mẹ mình bị tra tấn dã man.
Chan Phal kể lại mẹ ông bị những tên cai ngục đánh đập chết đi sống lại nhiều lần. Ông giữ được tính mạng là nhờ lẩn trốn vào đống quần áo của những người bị giam giữ. Đến khi nhà tù bị phát hiện, những người lính giải phóng đã tìm gặp những đứa trẻ cút côi trong nhà tù.
Chan Phal nhớ lại khi đến đây, một người nói tiếng Khmer, một người nói tiếng Việt đã tìm gặp và giải thoát đám trẻ. Lúc này ông chạy khắp nơi trong nhà tù tìm mẹ, nhưng ông vĩnh viễn không còn được thấy bà nữa.
Ông Chum May nói ngày 7-1 là ngày không chỉ ông và những người sống sót ở S21 được cứu thoát, mà còn là ngày sinh lần thứ 2 của nhân dân Campuchia.
“Nếu không có ngày này thì chúng tôi đã chết rồi và không có cơ hội để được gặp các nhà báo Việt Nam đâu” - Chum May xúc động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận