03/05/2020 10:57 GMT+7

Sống & Song

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - "Họ nói với tôi người cộng sản vô thần nhưng tôi mơ hồ trong họ một tôn giáo khác - tôn giáo yêu nước, thương dân. Thời đó đâu xa mà sao giờ u tan khói sương!".

Sống & Song - Ảnh 1.

Tác giả - “chị nuôi” Việt Linh bên bếp Hoàng Cầm năm 1969 - Ảnh: T.T.C.

Thời gian này con gái đang hoàn tất kịch bản truyện tranh vừa ký hợp đồng với Nhà xuất bản Ankama của Pháp. 

Sống là câu chuyện của cô nữ sinh mười bảy tuổi theo cha vô chiến khu, trở thành người kháng chiến với tất cả buồn, vui, lạ lẫm - những câu chuyện con loáng thoáng nghe mẹ kể suốt thời thơ ấu; rồi một ngày, thiếu nữ sinh trưởng bên Tây quyết định cùng cô bạn họa sĩ làm nên cuốn truyện tranh, với tên mà theo con khi không bỏ dấu nó có nghĩa... bài hát.

Trong các câu chuyện, con thích nhất chuyện mẹ làm "chị nuôi", bởi nó nhiều hình ảnh và cơ sở để bà mẹ đạo diễn vẫn luôn yêu nấu ăn. 

Thực ra, khi mới vào chiến khu, lãnh đạo xưởng phim muốn xếp tôi về bộ phận văn thư hoặc văn công, nhưng ba tôi - ông cán bộ hồi kết muốn con được thử thách, được "lao động vinh quang", và có lẽ, cũng muốn chứng minh tính giác ngộ triệt để của xuất thân tiểu tư sản luôn gây ngờ vực của chính mình. 

Cô tân binh tôi được giao cho chị H. hướng nghiệp.

Bên bếp Hoàng Cầm

Chị H. là Việt kiều Campuchia, sau một năm làm cấp dưỡng chị sẽ được chuyển qua công tác nhẹ nhàng hơn, người kế vị là... tôi. 

Kiêu hãnh và tận tụy, chị H. dạy tôi sàng gạo, gánh nước, chẻ củi...; dạy nấu bếp sao cho ngày không thấy khói, đêm không thấy lửa để tránh máy bay phát hiện, chia thức ăn ít ỏi cho đều... 

Chị H. hẳn vui với "đệ tử", nếu như sau buổi cơm sáng tôi không trớ trêu được phân công dạy toán lớp 3, trong đó chị là "học sinh" cùng vài anh chị, cô chú khác. Một lần chị sai, tôi cho điểm ít, chị làm thinh, lấy viết xoẹt xoẹt lên con số khiến cô giáo xanh mặt. 

Dù vậy, chị luôn khiến tôi cảm phục vì giải quyết công việc rất thông minh: không nước màu chị dùng nước ngâm cơm cháy khét, không nước dừa chị dầm đậu phộng cho béo... 

Có lần ra sông rửa nồi làm rơi nắp không tìm được, chị bình tĩnh chờ cơm cạn, khoét giữa nồi lõm sâu, dùng vá ém chặt hết mặt gạo xung quanh. Sau mươi phút, chị cào "nắp" gạo sống bên trên dồn xuống lõm, úp tô lên. Rốt cuộc cả nồi cơm đều chín!

Sau một tuần học việc tôi chính thức làm chủ cái bếp có tên rất nên thơ - Hoàng Cầm. Đó là hệ thống bếp có ba lò liên thông dọc được đắp âm xuống đất cho bớt sáng, với nguyên tắc lửa từ lò chính sẽ hút vô lò trong theo nhiệt độ giảm dần. 

Chị nuôi do vậy phải thức thật sớm, nấu sôi nồi nước lớn, chứa ra thùng cho đơn vị uống rồi mới nấu cơm. Cơm cạn, bắc qua lò trong, tiếp tục làm thức ăn... Kể trơn tru nhưng mọi việc luôn lấp vấp vì làm trong bóng tối, với ngọn đèn luôn luôn chợm tắt do gió hoặc bị thổi khi nghe tiếng máy bay.

Nhưng chuyện khiến cô nữ sinh ngán nhất vẫn là... ma. Hằng đêm, trong chút sáng liu hiu chập choạng, những hàng cây không thấy ngọn cứ như những thân người không có mặt... Một lần, đèn leo lét trong tay, tôi xém ngất khi thấy trên rui bếp lủng lẳng đong đưa mấy... thi thể sơ sinh. Hóa ra là đám voọc các anh tiếp phẩm săn được!

Rồi mọi thứ cũng trôi qua, tôi dần quen, thấy vui cái tung hoành biến báo, cái an nhiên cô độc bên bếp Hoàng Cầm. Do căn cứ ở sâu nên chúng tôi luôn thiếu lương thực, khi đường, muối, khi rau, thịt; mà thiếu cái nào cũng dài ngày. 

Thiếu muối có thể lóng nước tro, thiếu rau có thể nhặt lá rừng, nhưng thiếu đạm thì khốn khổ. Tôi nhớ hoài hình ảnh đêm mưa, mấy chị em lăm lăm bắt từng con mối cánh, kê vô ngọn đèn dầu..., thơm phức ngon lành! 

Nhớ lần được cử đi tiền trạm chuyển cứ, anh T., chị H. và tôi tóm được chú heo rừng nhỏ. Ba kẻ nhiều ngày không biết thịt đã xẻ nó ra với tốc độ phi mã, cũng không đủ kiên nhẫn chế biến mà chia ba, mạnh ai nấy ăn. Ăn xong lên võng nằm nín khe, để sáng ra thú nhận cả đêm không mở miệng vì sợ... ói!

Bài hát đẹp

Thời "Hoàng Cầm" của tôi còn kỷ niệm khó quên là chỉnh huấn. Suốt tuần, cả cơ quan tập hợp ở hội trường. Mỗi người tự nói ra ưu/khuyết điểm cho tập thể góp ý. Ít mươi phút, nhiều mấy tiếng, có khi mấy ngày. 

Lần đầu tiên dự chỉnh huấn, tân binh tôi rất hoang mang thấy nó quá nghiêm trang, quan trọng; quan trọng từ gương mặt, giọng nói, bữa cơm được bổ sung thực phẩm. Tới lượt, không biết mình có khuyết điểm gì, tôi kể lần rôti gà cho bác L. thủ trưởng quên phi tỏi, và chờ đợi bị cười. Nhưng không ai cười hết, mà nghiêm nghị kể ra thêm nhiều khuyết điểm của tôi: 

Chị T. nói tôi tiểu tư sản, không kẹp tóc dài như chị em mà thắt bím. Anh D. nói tôi kiêu căng độc chiếm gian bích báo, trong khi chính anh với tư cách bí thư Đoàn dặn tôi phải viết thường xuyên để đạt chuẩn thanh niên 4 tốt. 

Anh mẫn cán, rồi anh quên. Hòa bình gặp nhau, chị T. cười nói sao hồi đó chị "đì" em quá. Chúng tôi cùng cười, hiểu một thời xơ cứng đã qua, cái chính chúng tôi đã bên nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập. Và rằng chính nhờ những cật vấn hà khắc - đôi khi ấu trĩ - mà con người biết sợ, biết lắng nghe dư luận.

Tôi nghĩ mình phải cảm ơn anh C. và bài tập lớp quay phim của anh đã cho tôi bức hình kỷ niệm với bếp Hoàng Cầm. Tôi thật sự nhớ nó, không chỉ ngọn lửa đã ôm ấp tôi trong những đêm rừng cô tịch, bầu bạn với nước mắt lặng lẽ hay nghêu ngao phấn khích; mà nhớ về một thời hừng hực đức tin Nghiêu Thuấn. 

Tôi nói với con, Hoàng Cầm trong tôi không chỉ như hình ảnh, dù hình ảnh lạ thường. Hoàng Cầm trong tôi là nơi chốn, ở đó tôi đã gặp gỡ, vĩnh biệt biết bao người sẵn sàng xả thân cho xã hội thiên đàng. Cùng với ba tôi, họ đã dạy tôi người cách mạng phải biết đau nỗi đau của dân, không tơ hào kim chỉ của dân... 

Họ nói với tôi người cộng sản vô thần nhưng tôi mơ hồ trong họ một tôn giáo khác - tôn giáo yêu nước, thương dân. Thời đó đâu xa mà sao giờ u tan khói sương! Cuốn sách tương lai của con tôi dù Ankama quyết định giữ dấu như trang trí, với tôi nó vẫn là bài hát đẹp. Đẹp và buồn.

Tọa đàm về thơ Hoàng Cầm Tọa đàm về thơ Hoàng Cầm

TT - Vào dịp giỗ đầu của tác giả Lá diêu bông, gia đình nhà thơ Hoàng Cầm, nhà sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã cho ra mắt tập Thơ Hoàng Cầm. Đây là tuyển tập tác phẩm dày dặn và đầy đủ nhất của ông từ thuở sinh thời đến nay.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hoàng Cầm
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp