09/10/2015 10:48 GMT+7

Sông Sài Gòn hứng nước thải thay kênh Nhiêu Lộc đến bao giờ?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Từ năm 2012, nước thải không đổ ra Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  nữa mà bơm ra sông Sài Gòn, mỗi ngày khoảng 230.000m3.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn đường Út Tịch (quận Tân Bình) đã bớt ô nhiễm - Ảnh: Đức Phú

Nhiều người dân sống hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện vui mừng vì dòng kênh này đã bớt bốc mùi hôi thối hơn trước, nhất là đoạn kênh từ đường Út Tịch và đường Lê Bình (Q.Tân Bình) về đến cầu Công Lý (Q.3) trước đây vốn ô nhiễm nặng.

Theo Dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 1 (đã hoàn thành tháng 8-2012) thì toàn bộ nước thải không đổ ra lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như trước đó mà được thu gom đưa về trạm bơm để bơm ra sông Sài Gòn.

Điều này đồng nghĩa với việc sông Sài Gòn đang phải hứng lấy toàn bộ nước thải của hơn 1,2 triệu dân trong lưu vực này nhiều năm qua.

Bơm nước ô nhiễm ra sông

Theo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP, dự án đã lắp đặt 59 giếng thu gom nước thải vào tuyến cống bao có đường kính 3m, dài 8,5km dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Toàn bộ nước thải của khoảng 1,2 triệu cư dân trong lưu vực này không xả ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nữa mà được đưa về trạm bơm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) để bơm ra bờ đông sông Sài Gòn (Q.2) - sau khi trạm bơm đã lược và thu gom rác lẫn trong nước thải.

Điều đặc biệt là hai giếng thu gom dòng nước chết (nước bị ô nhiễm nặng) đã bị tù đọng hàng chục năm ở đoạn kênh từ đường Út Tịch - Lê Bình đến cầu Công Lý cũng được trạm này bơm ra sông Sài Gòn.

Theo ông Nguyễn Hữu Long Giao - giám đốc trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bình thường mỗi ngày trạm huy động 3 máy bơm, bơm khoảng 230.000m3 nước thải, ngày cao điểm hoặc mưa nhiều thì dùng đến 10 máy bơm, bơm 550.00m3 nước thải xả ra sông Sài Gòn.

Ước tính từ khi đưa trạm bơm vào vận hành ngày 18-7-2012 đến nay, trạm đã tiếp nhận và bơm hơn 516,7 triệu m3 nước thải của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra miệng xả ngầm (xả gần đáy sông) ở bờ đông sông Sài Gòn.

Như vậy, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang trong xanh từng ngày, ngược lại dòng sông Sài Gòn lại đang "gồng mình" nhận nguồn nước thải ô nhiễm mỗi ngày từ dòng kênh này.   

Theo đề án của Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè lập năm 2001, việc xử lý nước thải ô nhiễm tại kênh theo hai giai đoạn.

Trong giai đoạn 1 sẽ bơm nước thải trực tiếp ra sông Sài Gòn sau khi xử lý sơ bộ như lược rác lẫn trong nước thải. Và giai đoạn 2 mới đưa nước thải về nhà máy xử lý.

Đồng thời, dự án đã có đánh giá tác động khi đưa nguồn nước ô nhiễm ra sông Sài Gòn qua hai mô hình toán học gồm mô hình thủy lực và mô phỏng phân tích chất lượng nước.

Cơ quan chuyên ngành đã xác định chất lượng nước sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng đến sông Nhà Bè và chất lượng nước sau khi được pha loãng ở miệng xả ngầm sông Sài Gòn không gây tác động đối với chất lượng nước sông Sài Gòn so với hiện trạng.

Theo một chuyên gia của Hiệp hội nước và môi trường TP.HCM, ngay từ khi lập dự án giai đoạn 1 với phương án cho bơm nước thải ra sông Sài Gòn, một số nhà khoa học ở Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM đã không đồng tình vì lo ngại gây ô nhiễm dòng sông.

Cũng theo vị chuyên gia này, đánh giá tác động nước thải từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra sông Sài Gòn được lập cách đây hơn 10 năm, đã không còn phù hợp. Bởi thời điểm đó các cơ quan chuyên môn chưa tính đến sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.

Theo các nhà chuyên môn, để xác định chất lượng nước sông Sài Gòn, các cơ quan chức năng cần đo đạc và cập nhật số liệu chất lượng nước nhằm cảnh báo những vấn đề có thể xảy ra như liệu có gây ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp nước sinh hoạt ở TP hay không?

Vấn đề chính là các cơ quan chức năng cần sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm không đổ nước thải ra sông Sài Gòn đang ở mốc giới hạn ô nhiễm môi trường.      

Vì sao chưa có nhà máy xử lý nước thải?

Trong khi nhiều người đang nóng ruột lo lắng cho nguồn nước sông Sài Gòn ô nhiễm vì gánh nước thải thay kênh Nhiêu Lộc thì việc triển khai giai đoạn 2 của dự án vệ sinh môi trường TP nhằm đưa nước thải về nhà máy xử lý trước khi đổ ra sông lại quá chậm so với kế hoạch.

Theo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ năm 2008 TP đã có chủ trương xúc tiến lập dự án giai đoạn 2 để sớm xây dựng nhà máy xử lý nước thải, trước khi giai đoạn 1 kết thúc nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. 

Tiến độ dự án chậm một phần là do cách đây mấy năm, TP đã chuyển đổi chủ đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP từ Sở GTVT về cho Trung tâm điều hành chống ngập nước TP làm chủ đầu tư mới dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2.

Sau đó, do chủ đầu tư mới làm dự án quá chậm nên năm 2013 UBND TP.HCM lại quyết định chuyển dự án về lại Sở GTVT TP làm chủ đầu tư. 

"Do việc chuyển đổi chủ đầu tư này, việc triển khai tiếp giai đoạn 2 đã không được liên tục và xuyên suốt khiến dự án bị chậm trễ" - một cán bộ Sở GTVT TP cho biết. 

Đến tháng 10-2014, UBND TP mới ra quyết định phê duyệt dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 với mục tiêu thu gom toàn bộ nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Q.2 để đưa về nhà máy xử lý nước đạt tiêu chuẩn xử lý trước khi thải ra môi trường.

Tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn này là 524 triệu USD (tương đương 11.132,9 tỉ đồng), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP, triển khai từ năm 2015-2020.         

Ông Vương Hải Long - giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường - cho biết hiện nay dự án này vẫn đang trong giai đoạn đấu thầu, dự kiến trong quý 1-2016 sẽ khởi công xây dựng và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành nào năm 2021.

Trong giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến cống (có đường kính 3,2m) thu gom nước thải dài 8km nối từ bờ đông sông Sài Gòn (Q.2 - vị trí tuyến cống nước thải đang được bơm trực tiếp ra sông Sài Gòn) đến nhà máy xử lý nước thải (đặt ở P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) có công suất 480.000m3/ngày.

Theo đó, toàn bộ nước thải của 7 quận nội thành và toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm được đưa về nhà máy này xử lý. 

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bớt ô nhiễm
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bớt ô nhiễm - Ảnh: Đức Phú

Hạ nguồn ô nhiễm thì thượng nguồn cũng ảnh hưởng

Theo ông Lê Văn Nhân - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, theo nguyên tắc thì các điểm lấy nước thô của các nhà máy đều đặt ở thượng nguồn các con sông, xa khu vực nội đô.

Tuy nhiên do hệ thống sông rạch phụ thuộc vào thủy triều nên nguồn nước kênh rạch nội thị bị ô nhiễm hoàn toàn có thể bị thủy triều đẩy ngược lên thượng nguồn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước nguồn.

Hơn nữa các hóa chất như chất rắn lơ lửng, hàm lượng BOD, COD, ô nhiễm vi sinh, amoni… thì ở trong nước sẽ trộn lẫn với nhau và phát triển không phân biệt ở thượng nguồn hay hạ nguồn.

Vì vậy không phải hạ nguồn bị ô nhiễm thì thượng nguồn sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thường chứa nhiều hóa chất như amoni và vi sinh (các vi khuẩn gây bệnh đường ruột như coliform, Ecoli) nhiều nhất.

Q.KHẢI

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp