30/11/2012 07:00 GMT+7

Sống phải có đam mê và khát vọng

Q.LINH - H.CÔNG
Q.LINH - H.CÔNG

TT - Một bàn tròn nhỏ với hơn chục bạn trẻ ở các lĩnh vực khác nhau cùng hội ngộ tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ hôm 29-11 để cùng nhau bàn về câu chuyện khát vọng của tuổi trẻ.

Các bạn trẻ cùng trao đổi tại buổi tọa đàm với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ” diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 29-11 - Ảnh: MINH ĐỨC

Ai cũng có ước mơ nhưng có phải ai cũng thừa khát vọng trong cuộc đời? Và làm gì để đi đến cùng giấc mơ, ai sẽ giúp chúng ta sống hết mình với đam mê, vươn tới khát vọng cuộc đời? Những băn khoăn vừa được đặt ra để các bạn trẻ tham gia bàn tròn này cùng lý giải.

Nhận diện khát vọng

Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM Đinh Minh Vương cho rằng khát vọng và tham vọng đều giống nhau ở chỗ hướng đến mục tiêu sẽ đạt được trong tương lai. Tuy nhiên, nếu mục tiêu đó mang lại lợi ích cho xã hội thì đó là khát vọng, còn đi ngược lợi ích cộng đồng là tham vọng.

Với tân cử nhân ĐH Kinh tế TP.HCM Dương Minh Thông, khát vọng của anh là được trở thành một đảng viên chân chính, sống một đời thanh liêm mà Thông tự nhận được hun đúc bởi các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là từ gia đình.

So sánh với khát vọng chung về một đất nước hòa bình, thống nhất của thế hệ đi trước, bí thư Đoàn Trường ĐH Nông lâm TP.HCM Đoàn Trần Vĩnh Khánh nêu quan điểm: “Có vẻ như giới trẻ hôm nay không có được một giá trị chung như vậy để có thể hình thành khát vọng cho từng người”. Anh Khánh bảo rằng nhiều giá trị xã hội đảo lộn khiến không ít bạn trẻ yêu thích hoạt động xã hội, cống hiến cho cộng đồng lại bị cho là “hâm”. Đồng ý, Nguyễn Hoàng Sang - CLB CEO tương lai (ĐH Kinh tế TP.HCM) - bảo không có mẫu số chung cho khát vọng trẻ hôm nay.

Không đồng tình, bạn Vương Tuấn Vũ - sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM - tranh luận: “Tôi không nghĩ vậy. Tại sao đưa đất nước phát triển đi lên, ổn định chính trị, phát triển kinh tế không phải là hình mẫu chung của khát vọng tuổi trẻ hôm nay!”.

Vũ cho biết từng khao khát trở thành bộ trưởng thương mại khi thấy VN gặp nhiều khó khăn trên bàn đàm phán gia nhập WTO. Còn giờ đây, Vũ lại muốn sẽ trở thành bộ trưởng tài chính với ước vọng về một nền tài chính VN tăng trưởng ổn định khi VN đang từng bước hòa nhập vào sân chơi kinh tế toàn cầu. Với hai cán bộ Đoàn Phạm Quyết Thắng - bí thư Đoàn phường Hiệp Phú (Q.9) và Nguyễn Thị Hương - Quận đoàn Bình Thạnh, khát vọng là làm sao gần, hiểu được nhiều đối tượng bạn trẻ trên địa bàn để làm họ yêu hơn với các hoạt động Đoàn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Trao truyền cảm hứng

Dù ít dù nhiều, những bạn trẻ có mặt tại bàn tròn này đều không phủ nhận vai trò dẫn dắt mà tổ chức Đoàn đã và cần phải mang lại trong cuộc đồng hành với thế hệ trẻ. Vương Tuấn Vũ nói: “Đoàn phải giúp người trẻ nhận ra Đoàn đã làm được gì cho họ, làm sao có chương trình, hoạt động mà bạn trẻ nhận thấy lợi ích thật sự thì họ sẽ tham gia tích cực”.

Nguyễn Hoàng Sang cho rằng ngày xưa Đoàn xây dựng lý tưởng chung nhưng hôm nay phải giúp phương pháp để mỗi cá nhân tìm ra khát vọng của chính họ. Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM Nguyễn Triều Trung quan niệm khát vọng tuổi trẻ phải là sứ mệnh của mỗi người trẻ và vai trò của Đoàn chính là giúp các bạn trẻ nhận ra khát vọng của mình, giúp ươm mầm khát vọng cho một thế hệ chứ không chỉ là cho ai đó, của người nào đó. Còn Đinh Minh Vương cho rằng giúp giới trẻ nhận diện thôi chưa đủ mà Đoàn còn phải có chương trình, chiến lược để đồng hành, sát sườn với từng đối tượng bạn trẻ cụ thể để giúp họ đạt đến khát vọng, sống với ước mơ đời mình.

Bạn Lê Nhật Quý Thiệu (ĐH Ngân hàng TP.HCM) nêu thực tế sự gần gũi, đồng cảm của sinh viên với hoạt động Đoàn, Hội đôi lúc còn hời hợt vì vẫn còn đâu đó những hoạt động có vẻ hình thức. Phát biểu này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM Phạm Trường Sinh cho rằng ngoài nỗ lực tự thân thì chính trong môi trường Đoàn chứ không nơi nào khác có thể giúp các bạn trẻ thực hiện khát vọng.

“Ngoài hoạt động còn là vai trò giáo dục nên Đoàn phải giúp định hướng lý tưởng sống, để dù các bạn có tham gia hoạt động Đoàn hay không họ vẫn sống đẹp, biết cống hiến cho xã hội, đất nước”.

Lời tuyên thệ trẻ

Câu chuyện về những vụ cướp táo tợn xảy ra mới đây cũng trở thành chủ đề nóng của bàn tròn. Chiến sĩ trẻ phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.HCM Nguyễn Mai Phương trăn trở mức độ trẻ hóa tội phạm hiện nay khá nhanh, nhiều vụ án chấn động do những tội phạm trẻ tuổi gây ra nên công trình giáo dục pháp luật trong học đường đang được nhân rộng ra nhiều trường học của TP, và mong muốn điều này được nhân rộng ra cả cộng đồng vì không phải đợi khi tội phạm xảy ra mới đấu tranh mà phải là phòng ngừa đừng để tội phạm xảy ra.

“Hiện tại và cho đến ngày nghỉ hưu, những cảnh sát hình sự chúng tôi vẫn luôn trung thành với việc đảm bảo trật tự xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân” - anh Phương khẳng định.

Tương tự, anh Đinh Minh Vương cho biết lãnh đạo phòng cũng rất đau đầu trước những thông tin tiêu cực, không hay của lực lượng mà cảnh sát giao thông là một trong bốn lĩnh vực có tỉ lệ tham nhũng cao trong khảo sát mới nhất.

Anh Vương chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng đề án nhằm thay đổi hình ảnh người cảnh sát giao thông, nhận thức của người tham gia giao thông. Khi ai đó vi phạm luật sẽ phải chịu xử phạt theo pháp luật, không thể muốn đúng, sai lẫn lộn hay phải “lại quả” để cảnh sát bỏ qua sai phạm trên đường”.

Q.LINH - H.CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp