Phim Không có gì và không một ai. Đằng sau những thăng trầm trong cuộc đời bốn người bạn thân là những biến cố của xã hội - Ảnh: TFS |
Ðạo diễn Mỹ Hà chia sẻ: “Hi vọng qua phim, khán giả sẽ cảm nhận được chất riêng của thành phố Sài Gòn - mảnh đất mà khi sống cái tình luôn tụ lại”.
Và ông lý giải: “Cái tình ấy sẽ được thể hiện qua cuộc đời đầy thăng trầm của bốn người bạn thân Thương, Tiềm, Phong và Châu. Những cô cậu học trò tràn đầy sức sống, đầy hoài bão và lý tưởng đã có nhiều sự thay đổi qua những biến động của xã hội. Mỗi người đã phải giằng xé đấu tranh để có thể hòa nhập và sống tốt. Suốt đời mình từ lúc là học sinh cho đến khi bước vào tuổi xế chiều, họ luôn sống vì tình bạn đẹp “không có gì và không một ai có thể chia cắt tình bạn tụi mình”.
* Tiểu thuyết Không có gì và không một ai chỉ có ba nhân vật chính. Tuy nhiên trong phim lại xây dựng đến bốn nhân vật. Vì sao có sự thay đổi này, thưa ông?
- Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ðông Thức có ba nhân vật chính là Thương, Tiềm, Phong, từ đó tạo nên mối tình tay ba. Tuy nhiên, khi tác giả chuyển thể thành kịch bản phim, tôi đề nghị nên thêm một nhân vật nữa.
Ðó là Châu - bạn học của Thương, Tiềm, Phong. Việc thêm nhân vật phần nào giúp câu chuyện dày thêm, đáp ứng cho thể loại phim truyền hình mấy chục tập.
Mặt khác, Châu - xuất thân từ tầng lớp tư sản - cũng đại diện cho một bộ phận đông đảo người Sài Gòn. Họ năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường.
* Tái hiện bối cảnh Sài Gòn trải dài từ năm 1973 đến nay không hề đơn giản. Ðoàn phim giải quyết như thế nào?
- Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi tái hiện Sài Gòn vào những năm 1973 và sau này khi bước vào thời bao cấp, kinh tế thị trường.
Dù chỉ xuất hiện khoảng 30 giây trên phim, chúng tôi quyết định phục dựng chợ Bến Thành - một trong những biểu tượng của Sài Gòn - vào những năm 1973 bằng mô hình, rồi sau đó “gắn” xe và con người vào, tiệm bán bánh mì xưa cũng được phục dựng...
Một số cảnh chúng tôi xóa hết những hình ảnh hiện đại sau khi quay rồi “đắp” quá khứ vào...
Không có gì và không một ai có đến 150 nhân vật có thoại. Quần chúng thì đông... dễ sợ. Cảnh quay công trường đào kênh của lực lượng thanh niên xung phong được quay ở phim trường Hòa Phú, Củ Chi.
Một đoạn kênh dài 40m, ngang 25m đã được đào trước đó. Khoảng 200 diễn viên đóng cảnh này. Sau đó, chúng tôi sử dụng kỹ xảo để... nhân số lượng người lên và kéo dài con kênh ra xa hơn.
Cảnh quay chiến trường Tây Nam huy động cả xe tăng. Nhưng xe tăng chỉ được phép sử dụng vào ban ngày nên chúng tôi quay sáng rồi về làm kỹ xảo thành tối...
Ông Quốc Hưng - phó giám đốc Hãng phim TFS - cho biết: “Có thể nói Không có gì và không một ai tiếp nối dòng phim lịch sử xã hội mà TFS đang theo đuổi thực hiện. Bộ phim lịch sử cận đại này được khai thác ở một góc độ khác: mang đậm tính nhân văn thông qua số phận của bốn người bạn thân trước những biến cố của xã hội. Ðây là bộ phim truyền hình TFS thực hiện nhằm kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước”. Ðạo diễn Mỹ Hà cho biết những phim ông thực hiện thường có gương mặt mới để tạo nên sự tươi trẻ. Ngoài hai diễn viên quen thuộc với khán giả là Phương Khánh (vai Châu) và Quốc Trường (vai Phong), hai nhân vật còn lại do hai gương mặt mới đảm nhận: Hồng Ân (vai Thương) và Bảo Anh (Tiềm). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận