Phóng to |
Chuẩn bị kéo đáy |
Một ngày giữa tháng 11, khi đợt áp thấp nhiệt đới vừa dứt, chúng tôi theo ghe đáy của ông Bùi Văn Cường (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) ra đáy hàng khơi.
Đường ra hàng đáy
Phải thức từ 4g sáng để kịp con nước đang ròng, vì nếu trễ thì rạch cạn, ghe không đi được. Từ xóm đáy ra cửa biển ghe chạy chầm chậm, len lỏi giữa những cồn cát mờ mờ.
Ghe hướng mũi về phía sao Mai đang mọc. “Phải mất ba giờ nữa mới ra được tới hàng đáy - Bùi Văn Vũ, thuyền trưởng mới 25 tuổi, chưa vợ, nói như hét vô tai tôi giữa sóng gió ầm ì - vì từ bờ tới đáy hàng khơi là 11,5 hải lý, tức hơn 20km”.
Càng ra khơi xa, sóng gió càng lớn. Tôi lảo đảo muốn té, phải nắm chặt thành cabin. Vũ động viên: “Anh đi lần đầu không quen. Chớ tụi em thì ngày nào cũng chạy ra vô như cơm bữa. Có đi mới có cá đem về, không thì... treo mỏ”.
Trời hửng sáng, hàng đáy đã ẩn hiện xa xa phía trước. Trong vùng nước chừng 2km2 có hơn chục hàng đáy được dựng lên giữa biển. Đó là những cây trụ bằng gỗ cao đóng hàng ngang xuống đáy biển, giăng chằng lại với nhau bằng những sợi dây bền chắc. Khoảng cách giữa hai trụ người ta bố trí một miệng đáy đan bằng lưới dày thả xuống biển. Phần cuối miệng đáy là túi đáy (còn gọi là đụt), nằm sâu dưới nước để đón luồng tôm cá chạy vô. Mỗi hàng đáy có 11-12 miệng. Nhiệm vụ của bạn chòi đáy là hằng ngày phải kéo từng miệng đáy lên, thả đáy xuống theo từng con nước lớn, ròng; giúp chủ đáy đem ghe ra thu hoạch.
Phóng to |
Bạn chòi khom người kéo đáy |
Bạn chòi đáy
“Bạn” là tiếng địa phương để chỉ những người làm công trên biển. “Chòi đáy” là những căn chòi cất đeo trên trụ đáy ngoài khơi, giống như chùa Một Cột làm bằng lá, dưới có tấm sàn gỗ để ngả lưng. Những bạn chòi sống trong đó, nấu ăn, giặt giũ, nghỉ ngủ, đi lại... đều lọt thỏm trong 6m2. Quanh năm suốt tháng họ ít khi được “tiếp đất”, trừ những ngày nghỉ phép ngắn ngủi.
Bạn chòi đáy luôn thủ sẵn bên mình con dao nhỏ. Để khi lặn xuống đáy lỡ bị nước cuốn vô túi thì còn rạch đường chui ra. Đã có không ít trường hợp bạn chòi lặn xuống rồi... mất tiêu luôn, không tìm thấy xác. Còn chuyện sập hàng đáy gây chết bạn chòi năm nào cũng có. |
Trên chòi đáy đã có hai người ở sẵn bên trong. Nghe tiếng ghe, họ lục tục thò đầu ra, nhe răng cười rồi lo chuyển đồ ăn nước uống từ ghe lên. Nào là gạo, nước tương, nước mắm, muối, cà phê, nước ngọt, hộp quẹt, thuốc hút... được cột dây kéo lên y như tiếp tế lương thực cho dân ở đảo. Mọi di chuyển của họ đều trên dây hết. Chỗ rộng nhất để họ đặt bàn chân thoải mái hơn cả là thân cây tre bắc ngang hai cột đáy.
Trong chòi có đầy đủ mền gối, chén đĩa, xoong nồi, bếp củi... Có cả cây đèn dầu thắp sáng ban đêm. Thứ giải trí duy nhất là cái radio bỏ túi “để nghe cải lương”. Câu cá là món giải trí tuyệt hảo ở đây. “Bạn nào siêng có thể câu cả ngày 5-7kg cá phơi khô đem về cho vợ - Tèo Anh kể - mỗi tháng có thể kiếm thêm vài triệu bạc chớ chẳng ít.
Mỗi con nước bạn chòi phải khom, kéo liên tục cho hết 12 miệng đáy mới xong nhiệm vụ.
“Vì tính chất công việc, bạn chòi đáy phải trực xuyên suốt mười bữa nửa tháng mới được vô bờ vì phải tháo, xả, phơi, đóng đáy liên tục theo con nước nên khó thể rứt ra được. Bù lại nghề này được trả lương rất cao, 700.000 đồng/ngày; nếu ăn chia được thu hoạch hai miệng đáy mỗi con nước. Tính ra cũng kiếm được 13-14 triệu đồng/tháng” - Hải, một bạn chòi, bộc bạch.
Phóng to |
Đi dây “tử thần” lên chòi đáy |
Và bạn ghe
So với bạn chòi, bạn ghe không phải ở thoi loi trên chòi nhưng công việc trên ghe vất vả hơn nhiều. Trong lúc đậu ghe chờ con nước, ở hàng đáy kế bên của ông Bùi Văn Sỹ, các bạn ghe không được ngơi nghỉ. Họ phải dựng lại một trụ đáy bị lệch. Giữa nắng gió biển khơi, nhóm bốn người của họ mình trần trùng trục đi lại trên dây, dùng những sợi dây và cây “cọc cái” làm đòn bẩy để gắn lại trụ đáy bị lệch do nước đổ mạnh. Ông Sỹ nói: “Chẳng thà đóng trụ mới còn dễ hơn, chớ chỉnh sửa như vầy khó gấp trăm lần”.
Thông thường vào đầu mùa đáy, những bạn ghe phải ra tận ngoài khơi tìm luồng lạch có nhiều cá rồi chọn vị trí đóng trụ đáy. Vào mùa nam, họ phải ra xa bờ tới 12-13 hải lý mới có nhiều tôm cá. Kỹ năng đóng trụ có lẽ khó ai bì kịp, cũng khó có trường nghề nào dạy bởi chỉ có cha truyền con nối, người đi trước chỉ người đi sau. Đầu tiên, họ dựng cây cọc cái lên rồi chằng dây cho vững, lấy đó làm điểm tựa cho những trụ kế tiếp. Sau đó, họ giăng dây neo xuống đáy biển, chằng hai đầu trụ lại cho chắc rồi tiếp tục đóng trụ tiếp theo. Mỗi trụ đóng xuống đáy biển 5-7 tấc. Cứ vậy mà trụ này tựa vào trụ kia thành một hàng dài. Giữa hai trụ họ cột hai đầu miệng đáy vào hai bên, thả xuống biển cho dòng nước chảy qua.
“Mỗi ngày chỉ đóng được 3-4 trụ đáy là cùng - ông Bùi Văn Cường cho biết - Có bữa sóng gió nhiều chỉ được hai trụ. Thường đóng xong một hàng, thả đáy xuống đàng hoàng phải mất nửa tháng”.
Mỗi lần đóng trụ vất vả, kỳ công là vậy nhưng việc dỡ đáy ra, dời đáy đi chỗ khác, đóng đáy lại là chuyện bình thường. “Mùa chướng dòng chảy khác, luồng tôm cá đi ngõ khác, mùa nam dòng chảy khác, tôm cá đi đường khác. Mình phải vác trụ, ôm đáy chạy theo nó, phải linh hoạt, “di động” như vác cái nơm đi đơm cá vậy” - ông Cường nói.
Khi đã đóng xong hàng đáy, việc còn lại là canh con nước ra đổ đáy (còn gọi là đổ đụt, tức thu hoạch). Theo thủy triều, vào mùa chướng nước bắt đầu ròng (chảy ra biển) là người ta thả đáy. Khoảng 12 giờ sau nước bắt đầu lớn (từ biển chảy vô) thì người ta đổ đáy. Hôm chúng tôi ra biển, con nước bắt đầu lớn là 10g sáng nên phải đi lúc 4g là vậy.
Thuyền trưởng Vũ kể rằng vào mùa nam, đóng đáy hàng khơi cực khổ gấp mười lần mùa chướng. Trời tối đen, mưa rát mặt, rét run người, răng “đánh bò cạp” lập cập mà ai cũng làm như vật lộn. Nhưng mùa này làm trúng lắm, một miệng đáy đổ lên có khi 4-5 giỏ cần xé cá tôm.
Phóng to |
Niềm vui thu hoạch tôm cá - Ảnh: Dương Thế Hùng |
“Ghiền” biển
Trong nhóm bạn đáy có anh Tèo Em ở xóm trên, người “chết đi sống lại” trong vụ sập đáy, trôi trên biển hồi năm ngoái. Sau khi dưỡng bệnh vài tháng, anh mất hồn, người đơ đơ, tưởng đã bỏ nghề. Nhưng một ngày yên ả, anh đòi đi ghe. Và anh làm việc không hề giảm phong độ cho tới tận bây giờ. Anh nói: “Nhớ biển quá trời”. Không riêng gì Tèo Em, dân xóm đáy ai cũng nói rằng mình mắc chứng “ghiền” biển.
Có lẽ vì vậy mà ở xóm này có những gia đình từ ông bà, con cái, cháu chắt, tới ba đời theo nghề đáy biển. Anh Sáu Cường là một ví dụ. Lên 15 tuổi anh đã theo cha đi lưới biển. Lớn lên, anh tiếp tục theo nghề, hết đánh lưới lại đóng đáy. Anh có hai người con, từ 15-16 tuổi đã xuống ghe đi biển. Anh tập cho chúng đánh lưới, kéo neo, đóng trụ và bây giờ đứa nào cũng cầm ghe làm thuyền trưởng.
Người dân xóm đáy ở đây ai cũng như anh Sáu Cường. Nhà nào cũng có ít nhất hai thế hệ cha truyền con nối. Cho nên 20 năm trước, xóm này chỉ lơ thơ vài chục căn nhà lá, nay đã có hơn 100. Nhà tường ra riêng đã mọc nhiều hơn và ghe đáy đã “lên đời” to lớn hơn. Ngày nay, họ đi đóng đáy xa hơn trước nhờ ghe lớn, máy mạnh nhưng vốn đầu tư cũng không ít. Mỗi trụ đáy có giá 4-5 triệu đồng. Mỗi miệng đáy ít nhất 15 triệu đồng. Cộng thêm dây nhợ, công cán bỏ ra, một miệng đóng xong giá vốn 25 triệu đồng. Mỗi hàng đáy 12 miệng đã ngót nghét 300 triệu đồng. Vì vốn đầu tư lớn như vậy nên mỗi khi có rủi ro sập hàng đáy hoặc lệch trụ là chủ đáy thiệt hại rất nặng.
“Nhiều khi ngẫm lại thấy ngán, nhưng nghiệp đáy đã trót đeo mang nên chỉ có tới chứ không có lui” - anh Sáu Cường bày tỏ nỗi niềm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận