06/08/2009 06:02 GMT+7

Sông "nuốt" cù lao

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Những cù lao nằm ở đầu nguồn sông Tiền thuộc huyện Hồng Ngự (ĐồngTháp) vốn trù phú với xóm làng sung túc. Nhưng giờ đây sạt lở đất ngày càng gia tăng khiến các vùng chuyên canh hoa màu, các khu đông dân cư lần lượt biến mất.

QFNVnC5r.jpgPhóng to
Căn bếp nhà bà Trần Thị Đởm, xã Long Khánh A, cù lao Long Khánh đã tuôn xuống sông theo vạt đất lở - Ảnh: ĐỨC VỊNH

Đi dọc sông từ trên đò có thể thấy rõ mồn một những xóm làng trên dải cù lao nằm giữa sông Tiền nằm cheo leo sát bên vùng đất lở. Đó đây vẫn còn dấu vết từng chòm nhà, cây cối vừa tuôn đổ xuống dòng nước lũ đỏ ngầu cuồn cuộn. Đất đang từng ngày lở dần, lở dần...

Lần lượt mất đất, mất nhà

Tại cù lao Long Thuận mấy năm nay bờ sông đã khoét sâu vào khu vực dân cư. Mùa lũ này cù lao tiếp tục sạt lở nặng. Ở ấp Long Thạnh, xã Long Thuận nhiều vạt đất mới đổ ụp xuống dòng nước lũ khiến con đường nhựa liên xã bị đứt mất từng đoạn dài. Hiện mặt đất xuất hiện thêm các vết nứt, người dân đã ba bốn lượt di dời nhà cửa nay lại tất tả tháo dỡ, dời nhà ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bờ sông thuộc địa bàn ấp Long Hòa cũng bị nứt gãy từng đoạn nham nhở. Dọc theo đó là cảnh hoang tàn, đổ nát, những ngôi nhà xây kiên cố giờ chỉ còn lại dấu vết các dãy tường đổ cùng mớ gạch đá ngổn ngang. Mấy ngày qua phạm vi sạt lở lan rộng, thêm nhiều hộ mất nhà cửa. Không còn chỗ ở, người dân dựng lều ngay trên lề đường vốn đã sát bên bờ vực để tá túc. “Đất cứ lở riết, nay không còn chỗ để di dời nhà nữa rồi. Đành phải lay lắt ở đây”, bà con kể lể.

Người dân bảo mấy năm gần đây tình trạng sạt lở đất ở cù lao này ngày càng gia tăng. Mùa lũ vừa qua, trong một đêm “bà thủy” bất ngờ tuôn hàng loạt căn nhà xuống sông. Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Ngươn nằm trong số đó. Cơ nghiệp tiêu tan, trắng tay, gia đình anh xin dựng tạm căn lều trên phần đất của người bà con. “Tưởng tạm ổn, nào ngờ mùa lũ này đất lại lở tiếp. Giờ không biết dời đi đâu, về đâu” - anh Ngươn than thở.

Ông Nguyễn Văn Buôn, phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết sau khi xây dãy bờ kè phía bờ Tân Châu (An Giang), dòng chảy chính sông Tiền đã “đạp” thẳng vào hai cù lao Long Thuận và Long Khánh. “Bên cạnh đó nước lũ chảy xiết hơn là nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở gia tăng”, ông nói. Theo ông Buôn, một khi khu vực sạt lở đã lan rộng thì phần diện tích tiếp xúc trực tiếp với dòng chảy càng lớn, do đó phạm vi sạt lở ở hai cù lao này có chiều hướng tiếp tục lan rộng!

Ông Trần Văn Nhân, chủ tịch xã Long Thuận, cho biết 5.500m bờ sông trên địa bàn xã đang bị sạt lở ảnh hưởng đến 769 hộ dân, trong đó có 482 hộ sống trong vùng nguy hiểm. Đầu mùa lũ tới nay đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng có tổng chiều dài 240m, gần 20 hộ dân tiếp tục phải di dời khẩn cấp. “Xã đã bị mất nhiều hecta đất thổ cư, không còn đất bố trí nơi ở cho bà con” - ông Nhân nói.

Tại cù lao Long Khánh, sau khi nuốt mất đất chuyên canh hoa màu, “bà thủy” tiếp tục ăn sâu vào khu vực đông dân cư. Mới đây một vạt đất dài 150m ở ấp Long Phước, xã Long Khánh A bị tuôn xuống sông. Ông Võ Đình Phương, bí thư xã, kể: may mà trước đó khi thấy mặt đất xuất hiện nhiều vết nứt bà con đã cảnh giác và di tản nên không có thương vong. Ngay trong đêm xã phải huy động bộ đội, lực lượng thanh niên xung kích di dời nhà cửa cho 14 hộ vào nơi an toàn.

Ngôi đình Long Khánh vốn định vị ngay giữa làng giờ nằm chơ vơ bên mỏm đất nhỏ dôi ra giữa sông. “Bà thủy” ăn sát vào hông đình, dãy tường rào cùng hai cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi đổ ập theo dòng nước lũ.

Số phận những cù lao

Bao đời nay những cù lao giữa dòng sông Tiền này vốn là chốn yên bình với xóm làng sung túc và những vườn cây trái xum xuê. Nhưng dải cù lao cứ teo dần, nhà cửa, đất canh tác lần lượt biến mất khiến xóm làng ly tán, bao hộ lần lượt bỏ đi tha phương. Chỉ ra cọc tiêu xa ngút tầm mắt, người dân xã Long Khánh A bảo rằng xưa bờ sông nằm tận ngoài ấy.

Chị Trần Thị Liên, ấp Long Phước, kể hồi đó mỗi chiều chị thường ra sông lấy nước. Sức con gái tuổi mười bảy “bẻ gãy sừng trâu” mỗi lần gánh nước về nhà phải nghỉ tới hai chặp. Thế mà nay tất cả đều trở thành sông. Nước lũ cứ đạp thẳng vào bờ đất lở loang lổ tiếp tục tạo ra những hàm ếch, rồi mặt đất lại xuất hiện thêm nhiều vết nứt và sau đó sạt lở, cứ thế... Mấy năm trước tại đây từng được xây dựng một tuyến dân cư bố trí nơi ở mới cho hơn 300 hộ dân ảnh hưởng do sạt lở. Giờ đây nó chỉ còn cách bờ sông một quãng ngắn.

“Cứ đà này vài năm nữa bà thủy cũng lần tới nơi”, nhiều hộ dân vừa vào ở trên tuyến dân cư này hoang mang.

Còn ở cù lao Long Thuận xưa có xã Phú Trung vốn là vùng chuyên canh màu trù phú với hàng ngàn hộ dân sinh sống. Sau nhiều năm bị “bà thủy” ăn mất hơn 200ha đất, nó chỉ còn là một ấp, giờ ghép vào xã Phú Thuận B. Bà Nguyễn Thị Huệ ngồi trong căn nhà vừa mới dựng tạm sau đợt lở đất nhìn ra dòng nước lũ, thở dài: “Mất đất, cứ lo dời nhà riết ai nấy đều bị nghèo đi. Nhiều người bỏ đi, xóm làng trở nên tiêu điều!”. “Chẳng bao lâu những khu dân cư còn lại dọc ven sông sẽ sớm bị xóa sổ!” - ông Trần Văn Nhân, chủ tịch xã, lo âu.

Người dân bảo tình trạng sạt lở đất dọc các cù lao đang tiếp tục gia tăng mạnh. Có lẽ do vào mùa khô mực nước sông Tiền thấp nhiều hơn trước, dòng chảy và sóng nước xói vào đáy bờ tạo sẵn những hàm ếch. Khi lũ về dòng chảy xiết nên gây sạt lở liên tục.

Nhìn đôi bờ dòng sông Tiền dang rộng, dải cù lao đang teo tóp dần, người dân âu lo: liệu những cù lao nơi họ sinh sống có sớm bị xóa sổ?

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp