Sau loạt bài "Sóng ngầm thị trường xăng dầu" vừa được báo Tuổi Trẻ đăng tải, Bộ Công Thương đã có phản hồi liên quan đến các nội dung được phản ánh, đặc biệt là việc quản lý cấp phép, thanh tra với các doanh nghiệp xăng dầu và việc sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Cơ quan thanh tra Bộ Công Thương cho rằng việc thanh tra trong lĩnh vực xăng dầu đã được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tính khách quan. Cụ thể, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc lập đoàn kiểm tra đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, không thể tổ chức và không gia hạn quyết định kiểm tra. Trong thời gian việc kiểm tra bị gián đoạn do dịch, một số thương nhân hết hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil (hết hiệu lực vào ngày 22-8-2021).
Theo cơ quan này, tại thời điểm cấp lại giấy phép vào ngày 19-11-2021 cho Công ty Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện. Do đó, Bộ Công Thương khẳng định việc ban hành quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm tra năm 2021 là hoàn toàn khách quan, phù hợp với tình hình thực tế...
Bộ Công Thương cho hay trong năm 2022 đã ban hành bốn quyết định thanh tra, kiểm tra. Tại kết luận chung về việc thanh tra, kiểm tra với 33 doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương cho biết Công ty Xuyên Việt Oil bị xử phạt 390 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 10-8-2022 đến 13-9-2022.
Trong năm 2023, do không khắc phục được các vi phạm sau thanh tra năm 2022 và vi phạm nhiều lần quy định về quỹ bình ổn giá theo phản ánh từ Bộ Tài chính, Công ty Xuyên Việt Oil đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và được yêu cầu nộp lại toàn bộ số tiền quỹ bình ổn xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng nghị định sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Chẳng hạn, sẽ cho phép đại lý được lấy xăng tối đa từ ba nguồn, tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường...
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ sửa đổi quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu. Tùy mức độ vi phạm, sẽ cho phép thương nhân khắc phục vi phạm trong 90 ngày nhằm tránh việc làm đứt gãy đột ngột nguồn cung. Sau thời gian này, nếu không khắc phục được vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép.
Trước thực trạng bất cập trên thị trường xăng dầu, các doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế, chiếm dụng quỹ bình ổn và lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu bị khởi tố, điều tra, ngày 27-9 báo Tuổi Trẻ đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị giải đáp thông tin liên quan đến quản lý về xăng dầu.
Trong đó, báo Tuổi Trẻ đặt một số câu hỏi liên quan đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị khởi tố, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt để điều tra, tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, việc quản lý và cấp phép với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu..., các biện pháp quản lý doanh nghiệp và lành mạnh thị trường, việc sửa đổi quy định tại nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, đến ngày 17-10 khi báo Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài, Bộ Công Thương chưa có phản hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận