Đại sứ Mỹ Samantha Power (trái) và đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất trong một phiên họp Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về vấn đề Triều Tiên - Ảnh: AFP |
Hoạt động của Hội đồng Bảo an (HĐBA) vốn dĩ kín đáo, nên không hẳn ai cũng hiểu đằng sau một nghị quyết được thông qua là gì.
Không phải hễ cứ thông qua một nghị quyết thì đều là nhất trí 15/15 thành viên, thậm chí ngay cả khi cả 15 thành viên cùng thông qua nghị quyết, vẫn có những trường hợp “bằng mặt mà không bằng lòng”, thông qua vì “phải thông qua”, nhưng vẫn bảo vệ, bao che các bằng hữu vệ tinh của mình.
Điều này thể hiện công khai qua các phiên họp. Ví dụ phiên họp ngày 9-12-2016 về tình hình tại Triều Tiên với đại diện của 15 nước thành viên do Tây Ban Nha làm chủ tịch luân phiên.
Phiên họp này diễn ra chỉ 10 ngày sau phiên họp ngày 30-11 mà kết quả là nghị quyết số 2321 tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do đã lại thử hạt nhân hôm 9-9.
Trò chơi của ngôn từ
Thảo luận về tình hình tại một nước có thể được hiểu là nói đến mọi mặt của tình hình nước đó.
Nhưng không phải nước thành viên HĐBA nào cũng nhất trí thảo luận vì nước nào cũng có bạn (để bênh vực) và thù (để tố cáo), nên việc phân hóa ý kiến trong HĐBA là đương nhiên.
Điều này thể hiện trong mỗi phiên họp, từ tình hình Triều Tiên tới Syria hay Ukraine, hoặc Sudan, Yemen... Cứ thế mà tranh luận.
Quá 10h sáng thứ sáu 9-12 hôm đó, ngay sau khi Chủ tịch luân phiên của HĐBA là Oyarzun Marchesi, đại diện của Tây Ban Nha, vừa tuyên bố khai mạc phiên họp và nhường lời cho thành viên có ý kiến, đại diện của Trung Quốc là Liu Jieyi (Lưu Kết Nhất) đã nhanh chóng phát pháo “ngăn chặn từ xa”: “Trung Quốc phản đối việc HĐBA thảo luận các tình hình nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên.
Trách nhiệm chính của HĐBA là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA không phải là một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề nhân quyền, càng không phải để chính trị hóa vấn đề này.
Trong bối cảnh hiện nay, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa bởi vô số các vấn đề bức xúc, hội đồng nên thực hiện đúng trách nhiệm của mình và dành trọn vẹn sự chú ý đến các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế”.
Trong một góc nhìn nào đó, lập luận trên có phần hữu lý. Câu hỏi đặt ra là tại sao đại diện Trung Quốc lại chặn trước vấn đề nhân quyền trong thảo luận về tình hình Triều Tiên.
Chẳng qua đề tài này tiếp nối cho phần sau của phiên họp HĐBA ngày 30-11.
Hôm đó, ngay sau khi thông qua nghị quyết 2321 tăng cường trừng phạt Triều Tiên, HĐBA đã “lặp lại sự quan ngại sâu sắc trước những khó khăn nghiêm trọng của người dân CHDCND Triều Tiên, và lên án việc quốc gia này theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thay vì dành cho phúc lợi của người dân”. Tại sao HĐBA lại quan ngại điều đó?
Chẳng qua, HĐBA quan niệm rằng lẽ ra với chút tiền bạc hiếm hoi có được từ xuất khẩu, Bình Nhưỡng phải dành cho phúc lợi tối thiểu của người dân trong nước thay vì dốc vào phát triển tên lửa và hạt nhân - điều vốn đã bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm đoán.
Mỹ - Trung thường đấu khẩu
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power trả lời đại diện Trung Quốc như sau: “Tôi nghĩ rằng chẳng cần tranh cãi gì việc đã chẳng có cải thiện gì trong cuộc sống của người dân Triều Tiên.
Mới cách đây hai ngày, Văn phòng Cao ủy về người tị nạn LHQ đưa ra một báo cáo về việc hàng ngàn gia đình Triều Tiên bị phân tán vì cuộc sống khắc nghiệt.
Đây là một phần của cuộc khủng hoảng, bên cạnh việc năm nay Triều Tiên đã có một số lượng kỷ lục phóng tên lửa và thử hạt nhân.
Hành vi này khẳng định những gì chúng ta [tức HĐBA] từng tuyên bố: khi một chính phủ vi phạm một cách thô bạo quyền của dân mình, hầu như họ luôn luôn cho thấy một thái độ khinh thị tương tự đối với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Đến đây, bà Power giải thích lý do của cuộc họp này: “Vì vậy, cùng với tám phái đoàn khác, chúng tôi đã yêu cầu cuộc họp này”.
Sau một vòng ý kiến của đại diện các nước, Chủ tịch HĐBA lên tiếng nhắc rằng đã nhận được một văn thư của đại diện chín nước yêu cầu họp về vấn đề nêu trên, và ông đề nghị giơ tay biểu quyết nghị trình của phiên họp hôm ấy.
Kết quả cho thấy có chín nước thuận, năm nước chống và một nước bỏ phiếu trắng.
Như vậy HĐBA sẽ họp về tình hình mọi mặt của Triều Tiên. Chín nước nhất trí nghị trình này là Pháp, Nhật, Malaysia, New Zealand, Tây Ban Nha, Ukraine, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Uruguay.
Đến đây, đại diện Trung Quốc mới đề cập đến chủ đề chính: “Trung Quốc vẫn luôn bảo vệ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh rằng bán đảo này phải giữ được yên bình và ổn định, và rằng các giải pháp phải được tìm kiếm qua ngả đối thoại và tham vấn...
Tình hình hiện tại trên bán đảo là phức tạp, tế nhị và rất khó khăn. Trung Quốc mong rằng các thành viên HĐBA cùng các bên liên quan khác sẽ nhìn mọi việc trong bối cảnh của chúng, tìm được tiếng nói chung, làm nhiều hơn nữa để làm dịu những căng thẳng trên bán đảo, và tránh bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào khiêu khích CHDCND Triều Tiên hoặc làm tăng căng thẳng.
Ưu tiên hiện nay là tiếp tục đối thoại và đàm phán giữa các bên hơn càng nhanh càng tốt, hầu mở lại các cuộc đàm phán sáu bên để cùng nhau bảo vệ việc phi hạt nhân hóa bán đảo, nhằm thực sự đảm bảo sự ổn định và hòa bình tại bán đảo”.
Cách phát biểu của đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi cho thấy mối quan hệ Trung - Triều sát rạt như thế nào. Triều Tiên mới ba tháng trước đó còn dõng dạc khoe rằng đã thành công trong việc làm chủ bom nhiệt hạch, nhưng trong cái nhìn của đại diện Trung Quốc, lại trở thành nạn nhân, bị các nước khác khiêu khích, kiếm chuyện!
Cơm no áo ấm chính là một vấn đề nhân quyền, là quyền sống đầu tiên cho dù ở đâu. Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1948 từng tuyên cáo rằng “mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết...” (điều 25.1). Đích thân Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, trong phát biểu đúc kết phiên họp ban hành nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên hôm 30-11-2016, đã cứng rắn kêu gọi: “CHDCND Triều Tiên phải đảo ngược lại đường đi của mình và đi theo con đường phi hạt nhân hóa”. Ông kêu gọi: “Nhà chức trách ở Bình Nhưỡng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết tình hình nhân quyền nghiêm trọng ở đất nước này và cải thiện điều kiện sống của người dân”. |
Kỳ tới: Bình Nhưỡng có gì trong tay?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận